Bí mật về hội kín quyền lực nhất thế giới: Nơi Bill Clinton, Tony Blair,... từng góp mặt
Trong thời gian gần đây, cái tên Bilderberg thường xuyên xuất hiện trên giới truyền thông toàn cầu. Chẳng có gì là ngạc nhiên khi hội nghị này quy tụ giới tinh hoa của xã hội Phương Tây như Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Chủ tịch điều hành Alphabet (Google) Eric Schmidt hay những doanh nhân nổi tiếng như Peter Thiel.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là rất nhiều nhân vật nổi tiếng từng tham dự Bilderberg trước khi bước vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực.
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tham dự hội nghị này năm 1991 khi còn là Thống đốc bang Arkansas, chỉ 1 năm trước khi trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ. Cựu thủ tướng Anh Tony Blair cũng tham gia hội nghị vào năm 1993, chỉ 4 năm trước khi ông đắc cử.
Vậy chính xác Bilderberg là gì và tại sao tiếng tăm của nó lại không được truyền bá rộng rãi bằng những hội nghị quốc tế khác?
Bắt nguồn từ nỗi sợ chiến tranh
Hội nghị Biderberg là một một cuộc họp có tính chất tư nhân gồm khoảng 120-150 người có "máu mặt" tại Phương Tây liên quan đến nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, tài chính, truyền thông… nhằm thảo luận về những vấn đề nổi cộm trên thế giới.
Được tổ chức lần đầu vào ngày 29/5/1954 tại khách sạn Biderberg-Hà Lan, hội nghị lần đó chỉ quy tụ vài người thuộc tầng lớp thượng lưu bàn về tình trạng gia tăng tư tưởng bài Mỹ tại Tây Âu. Tại hội nghị lần đó, nhiều thành viên tham gia cho rằng họ nên tổ chức thêm những cuộc gặp mặt riêng như vậy và mời thêm các lãnh đạo Châu Âu, Mỹ cùng những người có tiếng nói để trao đổi giao lưu văn hóa, qua đó hợp tác giữa 2 khu vực.
Ý tưởng này đã được Hoàng tử Bernhard của Hà Lan tích cực ủng hộ. Ông Bernhard cùng với Thủ tướng Bỉ lúc đó là Paul van Zeeland đã liên hệ với giám đốc CIA Walter Bedell Smith và cố vấn Charles Douglas Jackson của Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower để xúc tiến kế hoạch trên.
Danh sách những người được mời khi đó bao gồm mỗi nước Châu Âu 2 thành viên, riêng nước Mỹ 11 thành viên. Chức danh và cách liên lạc của những người tham dự được lưu trữ trong trường hợp các thành viên muốn liên lạc với cá nhân nào đó để nói chuyện riêng.
Ban đầu mục đích của cuộc gặp mặt này là nhằm xóa nhòa những rào cản văn hóa, chính trị, kinh tế giữa Châu Âu và Mỹ nhằm tránh gây ra một cuộc chiến tranh, thúc đẩy chủ nghĩa "Đại Tây Dương".
Tuy nhiên, sau đó với quy định các thành viên được tiết lộ thông tin nói chuyện nhưng không được công khai người phát biểu chúng, hội nghị này đã trở thành nơi các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nhân thoải mái nói lên các suy nghĩ của mình mà không sợ giới truyền thông bắt bẻ.
Càng về sau, Hội nghị Biderberg chuyển hướng các vấn đề ra sâu rộng hơn như toàn cầu hóa, môi trường, khủng hoảng kinh tế. Đây chỉ là một cuộc gặp mặt thông thường giữa những người có vai vế, quyền lực trong giới thượng lưu mà không có bất kỳ ràng buộc thủ tục nào, không có thông cáo hay giải pháp cụ thể nào được đưa ra cho các vấn đề thảo luận.
Với chính sách thoáng như vậy nên Hội nghị Bilderberg bị chỉ trích là thiếu tính ràng buộc cũng như không giúp ích được nhiều cho việc giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới. Cũng chính vì vậy mà dù được bắt đầu từ năm 1954 nhưng cái tên Bilderbern vẫn còn xa lạ với quá nhiều người.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia lại cho rằng bởi các cuộc gặp tại Bilderberg mang tính chất cá nhân, riêng tư nên có thể nhiều chính sách, ý tưởng, những cuộc đàm phán đã bí mật diễn ra ở đây, qua đó ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Thậm chí, nhiều chuyên gia theo thuyết âm mưu còn nhận định hội nghị này là nơi giới thượng lưu tụ tập, tìm kiếm mối quan hệ để định hình những lợi ích cá nhân, tổ chức và quốc gia.
Theo tờ The Guardian, Trung Quốc năm nay cử đại sứ sang để thảo luận với Bộ trưởng thương mại Mỹ, cố vấn an ninh, 2 nghị sĩ, thống đốc bang Virginia, 2 cựu lãnh đạo CIA và bất kỳ nhà đầu tư cỡ lớn nào của Mỹ.
Trong khi đó, một số phát biểu của những thành viên tham gia hội nghị này cho thấy những vấn đề như toàn cầu hóa, cuộc chiến thông tin hay chủ nghĩa bảo hộ sẽ là những vấn đề được nhiều người đem ra thảo luận.
Cách đây vài năm, giới truyền thông còn nghi vẫn về sự tồn tại của hội nghị này thì hiện nay, rất nhiều truyền thông đưa tin về sự kiện này. Nguyên nhân chính là những biến động chính trị, kinh tế, xã hội thời gian gần đây ngày càng khiến nhiều người chú ý hơn đến các cuộc họp phi chính thức, định hình những ý tưởng có thể ảnh hưởng đến toàn cầu.
Hội nghị Bilderberg năm nay diễn ra từ ngày 1/6, kéo dài trong 3 ngày tại bang Virginia Mỹ.
BT