Bí mật giao dịch thương mại trong thế giới động vật
Trong cuốn “Sự giàu có của các quốc gia” viết bởi nhà kinh tế học Adam Smith, ông đã mô tả hành vi trao đổi thương mại giữa con người là độc nhất vô nhị.
“Chưa có ai từng thấy một con chó trao đổi công bằng một cục xương với một con chó khác”, ông Smith viết.
Tư tưởng này đã di truyền đến nhiều thế hệ nhà kinh tế học sau này. Thậm chí cha đẻ của lý thuyết kinh tế học hiện đại John Maynard Keynes cũng cho rằng con người có những hành động đi ngược lại so với các loài động vật khác.
Dẫu vậy, những nghiên cứu gần đây lại chứng minh rằng trong thế giới động vật, sự giao đổi giữa các cá thể là có thật. Một nghiên cứu mới đây vào tháng 1/2017 cho thấy các tổ ong có thể trao đổi lẫn nhau ong thợ nhằm trợ giúp các nguồn lực cho nhau.
Những tổ ông thừa ong thợ có thể “cho thuê” một số con ong thợ của mình cho những tổ khác để làm việc, hoặc thậm chí cho thuê bớt các con ong thợ để đỡ nặng tổ.
Quy trình này hoàn toàn phụ thuộc vào lý thuyết cung cầu. Khi các nhà khoa học gia tăng số lượng tổ ong trong một khu vực, những con ong chúa sẵn sàng chấp nhận thuê nhiều ong thợ từ các tổ khác hơn. Điều này tương tự như việc cầu gia tăng khiến chi phí tham gia thị trường của cung giảm xuống.
Chuyên gia sinh học Ronald Noe của trường đại học Strasbourg cho biết nếu Adam Smith xem xét kỹ hơn về loài ong thì ông sẽ thấy một hệ thống giao thương tinh vi giữa các cá thể.
Hàng loạt các nghiên cứu đã cho thấy dấu hiệu của sự trao đổi trong giới động vật, từ vùng rừng Trung Mỹ cho đến hoang mạc Châu Phi. Loài khỉ đầu chó và một số động vật linh trưởng chấp nhận trao đổi thời gian giao phối với con đực khỏe hơn để duy trì nòi giống. Nhiều loài thực vật và côn trùng nhận sự trợ giúp, bảo vệ của loài kiến để đổi lại việc cung cấp thức ăn, lợi ích. Loài cá dọn vệ sinh (Cleaner Wrasses) ăn ký sinh trùng trên thân các loài cá khác như thức ăn, đổi lại dọn sạch vệ sinh cho những cá thể đó.
Những quan điểm mới về thương mại và hành vi của động vật này đã thách thức các nhà sinh vật và kinh tế học giáo điều.
“Tất cả chúng ta đều nghiên cứu động vật không dựa theo các lý thuyết cho hành vi của con người nhưng một số lý thuyết cho loài người lại có ý nghĩa quan trọng trong sinh học. Trên thực tế, tôi tin rằng một số học thuyết chính xác hơn trong thế giới động vật hơn là con người”, Giáo sư sinh học Peter Hammerstein của trường đại học Humboldt nói.
Adam Smith của giới sinh học
Chuyên gia Noe là người đã đề xuất lý thuyết về hành vi kinh tế trong sinh học vào năm 1994 nhưng chúng đã manh nha từ khi ông làm tiến sĩ ở Kenya vào nắm 1981. Ban đầu những con khỉ đầu chó thu hút sự quan tâm của chuyên gia này.
Loài động vật này thường sống thành những đàn lớn và ông Noe thấy hứng thú với việc những con khỉ đầu chó yếu trong đàn sẽ chấp nhận chia sẻ quyền giao phối với những con đực khỏe hơn.
Kể từ đây, ông Noe bắt đầu nghiên cứu nhiều hiện tượng giúp đỡ lẫn nhau nhằm trao đổi lợi ích giữa các cá thể cũng như động vật trong tự nhiên.
Ban đầu, lý thuyết về sự tương đồng gen hoặc có quan hệ họ hàng ảnh hưởng đến các giả thuyết của chuyên gia Noe cho đến khi nghiên cứu về loài cá dọn vệ sinh ăn ký sinh trùng trong miệng các con cá khác xuất hiện. Chúng không có tương đồng về bộ gen nhưng những con cá dọn vệ sinh lại không trở thành thức ăn của các cá thể lớn hơn.
Kể từ đây, những ý tưởng về lý thuyết kinh tế học trong thế giới động vật bắt đầu manh nha.
Quay trở lại với trường hợp khỉ đầu chó ở Kenya, chuyên gia Noe đặc biệt chú ý đến một cá thể tên Stu, một con khỉ đầu chó khỏe hơn những con đực khác. Trong thời gian giao phối, nếu Stu không hài lòng với bạn tình nó sẽ chuyển qua con cái khác bất chấp cá thể này có đang giao phối với con đực khác hay không.
Điều kỳ lạ là những con đực yếu hơn chấp nhận đổi bạn tình với Stu thay vì chống cự và không thể tiếp tục giao phối.
Ví dụ này của Stu và bầy khỉ đầu chó cho thấy mối quan hệ giải quyết hợp đồng một cách phổ biến trong kinh doanh khi từ chối thương vụ mà anh/cô ấy biết không thể thắng để tập trung cho dự án khác.
Ngoài loài khỉ đầu chó, loài bọ cạp cũng có dấu hiệu về hành vi trao đổi khi các cá thể đực phải trao một con mồi cho cá thể cái trước khi muốn giao phối. Hay ở loài chim nhạn tím, cá thể đực sẽ cho một con đực khác tiếp cận lãnh thổ của nó để đổi lại sự giúp đỡ trong săn mồi và nuôi dưỡng những cá thể con.
Trong khi đó, loài bướm Lycaenid sinh ra một loại mật hoa ngọt ngào thu hút kiến để chúng vừa ăn mật ong vừa bảo vệ con cái khỏi kẻ thù.
Mỗi một ví dụ trên đều không có “tỷ giá hối đoái” cố định mà phục thuộc vào việc cung cấp các dịch vụ trao đổi ra sao tùy vào nhu cầu mỗi bên. Ví dụ trong trường hợp của loài bọ cạp, nếu số lượng bò cạp đực nhiều hơn thì chất lượng của con đực bị cá thể cái yêu cầu trước khi giao phối cũng cao hơn. Trong khi đó loài bướm Lycaenid điều chỉnh lượng mật tiết ra tùy vào số lượng kiến cũng như các mối đe dọa trong môi trường với con của chúng.
Đồng quan điểm với ông Noe, các giáo sư Redouan Bshary của trường đại học Neuchatel-Thụy Sĩ cũng nghiên cứu loài khỉ đầu chó và cho rằng những cá thể loài này trao đổi với nhau những dịch vụ như bắt chấy, cơ hội giao phối, chăm sóc cá thể con nhằm đảm bảo lợi ích của cả bầy. Đây là một điển hình của giao dịch thương mại theo đúng kinh tế học với cung-cầu cân bằng.
Một trong những nghiên cứu gần đây nhất của Noe là về loài nấm hang khi chúng trao đổi phốt pho với các bon của cây chủ mà chúng ký sinh. Tỷ lệ trao đổi phụ thuộc hoàn toàn vào cung cầu của mỗi loài và dù nấm hay cây không có bộ não nhưng hệ thống sinh học của chúng lại tự nhiên thực hiện một cuộc trao đổi mang tính bản năng có lợi cho cá thể.
Lý thuyết của Noe đã thực sự gây được sự chú ý trong giới chuyên gia. Quan điểm “bàn tay vô hình” trong kinh tế học của Adam Smith dường như không chính xác lắm trên thị trường con người nói chung do sự phức tạp của từng cá thể.
Tuy nhiên, chúng lại có vẻ chính xác hơn trong môi trường tự nhiên khi mọi cá thể hành động theo bản năng vì lợi ích của bản thân.
BT