Bi kịch của những tỉ phú "nghèo rớt mồng tơi" ở Pakistan: Khốn đốn vì bỗng dưng... có tiền
Tỉ phú "nghèo rớt mồng tơi"
Anh Mohammad Rasheed, một tài xế xe kéo tại Pakistan, phải mất 1 năm trời chi tiêu tằn tiện mới tiết kiệm được 300 rupee Pakistan (khoảng 2,26 USD) để mua cho con gái chiếc xe đạp.
Bởi vậy, nên khi anh này phát hiện một giao dịch bất thường trị giá tới 3 tỉ rupee Pakistan (tương đương 22,5 triệu USD) trong tài khoản ngân hàng mang tên mình, anh đã vô cùng hoảng hốt và sợ hãi.
"Tôi đã toát hết cả mồ hôi và run rẩy vì sợ hãi", người đàn ông 43 tuổi này cho biết. Ông là một trong những nạn nhân mới nhất của mô hình rửa tiền mà tân Thủ tướng Pakistan Imran Khan cam kết sẽ loại bỏ triệt để khi nhận chức.
-
Hành trình bán thận kinh hoàng của lao động nghèo ở Pakistan
Khi Rasheed nhận được cuộc gọi từ cơ quan Điều tra Liên bang về khoản tiền trên, anh đã định trốn chạy. Nhưng bạn bè và người thân đã thuyết phục anh hợp tác với các nhà điều tra.
Tất nhiên, Rasheed không phải là người duy nhất tại Pakistan gặp phải tình huống trớ trêu này.
Trong vài tuần qua, rất nhiều trường hợp tương tự đã xuất hiện trên các cơ quan truyền thông và báo chí địa phương. Điều này phản ánh sự phẫn nộ của người dân nước này về thực trạng tham nhũng và "tiền bẩn" nhức nhối tại Pakistan.
Trong những vụ việc liên quan tới mô hình rửa tiền nói trên, một kịch bản thường thấy là tài khoản ngân hàng của những người dân nghèo sẽ được "nhận" một khoản tiền rất lớn, sau đó khoản tiền ấy sẽ đột ngột bị rút hết. Bằng cách ấy, hàng trăm triệu USD đã "không cánh mà bay" từ Pakistan ra nước ngoài.
Cuối cùng, Rasheed đã được chứng minh vô tội, tuy nhiên anh vẫn vô cùng lo sợ.
"Tôi không lái chiếc xe kéo đi thuê nữa, vì tôi sợ sẽ lại bị nhân viên điều tra bắt giữ", Rasheed cho biết. "Vợ tôi thậm chí đã phát ốm vì quá căng thẳng".
Chỉ vài tuần trước đó, Rasheed mới mua cho con gái chiếc xe đạp cũ với đôi lốp mòn vẹt trị giá 300 rupee Pakistan. Đối với nhiều người, đây chỉ là số tiền nhỏ, nhưng anh đã phải dành dụm cả năm trời.
Nhiều người dân nghèo tại Pakistan đã trở thành "lá chắn" cho tầng lớp giàu có. Ảnh minh họa: Reuters.
Thủ đoạn rửa tiền tinh vi
Khi đắc cử vị trí Thủ tướng Pakistan, ông Imran Khan đã đề cập đến vấn nạn rửa tiền và tham nhũng nhức nhối tại quốc gia này, đồng thời cam kết sẽ giải quyết triệt để vấn đề.
Trong bài phát biểu trên truyền hình gần đây, ông Khan cho biết: "Đây là số tiền biển thủ từ tiền thuế của [người dân Pakistan]. Chúng đã bị "ăn cắp" thông qua hành vi tham nhũng, biển thủ, và được chuyển vào các tài khoản ngân hàng, trước khi được chuyển ra nước ngoài".
-
Pakistan: Thách thức sẽ gục ngã trước tham vọng của "nhà vô địch cricket" Imran Khan?
"Tôi sẽ không tha thứ cho bất cứ kẻ tham nhũng nào [tại Pakistan]", ông Khan cam kết.
Tuy nhiên, trước khi Thủ tướng Khan thực hiện được những lời hứa ấy, thì những nạn nhân như ông Mohammad Qadir đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề.
"Tôi chưa bao giờ đặt chân vào ngân hàng", người đàn ông 52 tuổi làm nghề bán kem này cho biết.
Thế nhưng, một tài khoản mang tên ông lại bất ngờ được lập ra, với số tiền 2,25 tỉ rupee Pakistan "từ trên trời rơi xuống". Sau đó số tiền ấy lại bất ngờ "bốc hơi", bí ẩn hệt như cách nó xuất hiện.
Từ khi có thông tin ấy, ông Qadir đã phải thường xuyên chịu đựng những lời chế giễu của hàng xóm láng giềng, cùng với đó là nỗi sợ bị những tên tội phạm bắt cóc nhằm trục lợi từ số tiền 2,25 tỉ rupee "mang tên ông".
"Ông ấy chính là một tỉ phú 'nghèo rớt mồng tơi'", một trong những người quen biết Qadir cười lớn khi đi qua chiếc xe kem của người đàn ông tội nghiệp.
"Mọi người chế giễu tôi, nhưng cuối cùng tôi có được lợi lộc gì đâu cơ chứ. Thật đúng là bi kịch", ông Qadir nói.
Còn bà Sarwat Zehra, một công chức nghèo 56 tuổi, cho biết bà đã bị tăng huyết áp vì quá sốc sau khi nhận được yêu cầu đóng khoản thuế lên đến 13 triệu rupee cho một khoản tiền khổng lồ bỗng dưng xuất hiện và biến mất trong tài khoản của bà.
-
Vừa nhậm chức, Thủ tướng Pakistan cam kết chỉ giữ lại 2 trong 524 người giúp việc
"Người ta nói với tôi rằng một công ty đã giao dịch bất hợp pháp và chuyển 14 hay 15 tỉ rupee gì đó qua tài khoản của tôi", người phụ nữ này cho biết.
Từ lâu nay, người dân nghèo Pakistan đã bị tầng lớp giàu có sử dụng làm lá chắn nhằm trốn thuế và che giấu khối tài sản "đen" của họ.
Tuy nhiên, thủ đoạn và quy mô của mô hình rửa tiền lần này là điều chưa từng có tiền lệ tại Pakistan. Giới chức nước này hiện đang nghi ngờ nhiều người thuộc tầng lớp giàu có, trong đó bao gồm những cá nhân có liên quan đến cựu Tổng thống Asif Zardari.
Hồi tháng 9 vừa qua, Tòa án Tối cao Pakistan đã thành lập một ủy ban chuyên trách điều tra về vấn nạn rửa tiền nói trên. Họ đã phát hiện ít nhất 400 triệu USD được chuyển qua "hàng nghìn tài khoản ngân hàng giả mạo", và các tài khoản đó mang tên và thông tin của những người dân nghèo tại quốc gia này.
Bên cạnh đó, ủy ban còn phát hiện khoảng 600 công ty và cá nhân "có liên quan tới vụ bê bối" rửa tiền rúng động kể trên.
Hồng Anh