Bí ẩn lô "hàng nóng" Ukraine chuyển tới căn cứ Không quân Mỹ: Vũ khí Nga lộ mật?
Món hàng bí ẩn
Theo thông tin mà trang mạng The Drive nắm được, chiếc Il-76 đã vận chuyển một hệ thống radar di động [chưa xác định được loại gì] tới đây theo hợp đồng ký với Không quân Mỹ.
Các nguồn theo dõi lộ trình máy bay online cho biết chiếc Il-76 (1 trong 5 chiếc thuộc biên chế Không quân Ukraine] từ sân bay quốc tế Ottawa/Macdonald–Cartier ở đông Canada đã bay về hướng tây sáng 3/12/2018. Nó hạ cánh xuống Salt Lake trước 12h trưa (theo giờ EST).
Điều gây tò mò là, vào cùng thời điểm đó, nguồn tin riêng của The Drive và nguồn theo dõi máy bay CivMilAir cho biết chiếc Il-76 đã xuất hiện dưới tên đăng ký của máy bay dân dụng 737 thuộc hãng hàng không Dniproavia (Ukraine).
Tuy nhiên, Dniproavia lúc ấy không có bất cứ chuyến bay nào tới Mỹ. CivMilAir cho rằng đó có thể là lỗi của phần mềm theo dõi lộ trình máy bay hoặc có vấn đề với bộ chuyển phát tín hiệu của chiếc Il-76 [do trục trặc hoặc nguyên nhân khác].
CivMilAir theo dõi hành trình của chiếc máy bay.
Sau đó, vào lúc 16h (theo giờ EST), Anthony Carpeneti – một người quan sát máy bay – đã đăng trên Twitter bức ảnh xác nhận chiếc máy bay đáng ngờ ở trên là Il-76 và nó đã đáp xuống căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Roland R. Wright nằm tại phía đông sân bay quốc tế Salt Lake.
Cơ sở này là căn cứ thường trực của Không đoàn tiếp dầu đường không số 151 – Lực lượng Vệ binh Quốc gia Utah – đơn vị vận hành các máy bay tiếp dầu KC-135R.
Tài khoản Anthony Carpeneti xác nhận chiếc máy bay là Il-76.
Trong email gửi tới The Drive, Thiếu tá Kevin Larsen – người phát ngôn của Không quân Vệ binh Quốc gia Utah, cho biết Không đoàn 151 đang hỗ trợ "tháo dỡ hệ thống radar di động theo một hợp đồng do Căn cứ Không quân Hill quản lý".
The Drive sau đó đã tới căn cứ Hill để tìm hiểu thông tin nhưng chưa nắm được gì thêm.
Mỹ mua hệ thống radar từ Ukraine để làm gì?
Hiện chưa rõ tại sao chiếc Il-76 lại vận chuyển hệ thống radar tới sân bay Salt Lake, thay vì đến thẳng căn cứ Hill – nơi cách đó chưa đầy 40km về phía bắc.
Văn phòng hợp đồng tại Hill được biết tới là nơi quản lý cả các dự án tại những căn cứ không quân khác trên nước Mỹ, bao gồm Khu huấn luyện và thử nghiệm Nevada (NTTR) và Khu thử nghiệm Tonopah (TTR) – cả 2 khu đều được đặt tại Nevada.
Chúng ta cũng không rõ lý do cụ thể tại sao Không quân Mỹ lại tiếp nhận hệ thống radar này từ Ukraine. Theo The Drive, có một khả năng là chiếc Il-76 chỉ đơn thuần mang trả cho Mỹ hệ thống Joint Threat Emitter – một hệ thống huấn luyện có thể mô phỏng nhiều mối đe dọa phòng thủ đường không khác nhau.
Quân đội Mỹ thường mang hệ thống này tới các cuộc tập trận và các sự kiện khác ở nước ngoài, nhưng họ thường tự vận chuyển hoặc thuê các nhà thầu tư nhân.
Song, dựa trên những gì mà The Drive nắm được, thì có khả năng lớn hơn là Không quân Mỹ đã mua hoặc thuê một hệ thống radar từ Ukraine để phục vụ mục đích "Khai thác trang thiết bị nước ngoài" (FME).
Quân đội Mỹ thường tìm cách mua các hệ thống "đại diện cho mối đe dọa" để tháo dỡ và tìm kiếm các lỗ hổng tiềm tàng của chúng, cũng như xem xét mức độ đe dọa mà chúng có thể mang lại cho các lực lượng Mỹ khi hoạt động trong điều kiện tác chiến thực.
Ukraine – quốc gia thuộc Liên Xô cũ, hiện vẫn đang duy trì và sản xuất nhiều hệ thống khác nhau thời Liên Xô – đã trở thành nguồn cung cấp ngày càng có giá trị đối với Mỹ.
Tháng 9/2018, có thông tin cho biết quân đội Mỹ đã tiếp nhận radar phòng không 36D6M1-1 từ Ukraine – hệ thống vốn được tích hợp vào tổ hợp tên lửa đất-đối-không S-300.
Các phiên bản của S-300 vẫn đang phục vụ trong biên chế quân đội Nga và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những đối thủ tiềm tàng của Mỹ - như Iran. The Drive cho rằng, hệ thống radar mà Ukraine mới chuyển giao cũng có thể tương tự như trên.
Hệ thống radar 36D6M1-1 của Ukraine.
Nếu radar này được đưa tới căn cứ Hill, gần như chắc chắn nó sẽ được chuyển tới Khu Huấn luyện và Thử nghiệm Utah (UTTR) gần đó. Song, cũng có thể nó sẽ được chuyển tới hai khu huấn luyện tại Nevada hoặc xuất hiện ở nhiều căn cứ khác nhau, tùy thuộc vào hợp đồng của Không quân Mỹ.
Dù thế nào thì có một điều chắc chắn là Không quân Mỹ sẽ muốn thử nghiệm khả năng hoạt động của nhiều loại máy bay trước radar này, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35A. Điều đó sẽ mang lại cho họ cơ hội kiểm nghiệm xem hệ thống radar có thể phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu khác nhau hiệu quả tới mức nào.
Đây cũng là cơ hội để xem các hệ thống tác chiến và phòng vệ trên chiến đấu cơ Mỹ có thể đối phó với mối đe dọa tới đâu.
Hill [một trong những căn cứ của F-35] kết hợp với khu huấn luyện UTTR sẽ là địa điểm lý tưởng để thử nghiệm hệ thống radar mới và khả năng hoạt động của các loại máy bay Mỹ khi phải đối mặt với nó.
-
Thị uy, đòi đánh chìm tàu sân bay Mỹ: Quân đội Trung Quốc "lên gân" ngay dịp đầu năm mới
Không quân Mỹ, cũng như các quân chủng khác, có lẽ sẽ muốn thử nghiệm cả khả năng đối phó của các loại máy bay phi tàng hình khác, như máy bay áp chế/phá hủy hệ thống phòng không đối phương (SEAD/DEAD) trước hệ thống radar này.
Nó có thể sẽ trở thành mục tiêu huấn luyện có giá trị để Không quân Mỹ thực hành khả năng tác chiến điện tử, trinh sát điện tử, và thử nghiệm khả năng tác chiến của các loại máy bay có/không có người lái.
Quan trọng hơn cả, các hệ thống quân sự nước ngoài như thế này sẽ trở thành kho thông tin tình báo quý báu đối với bất cứ lực lượng quân đội nào. Do đó, nhu cầu mua các trang thiết bị quân sự nước ngoài để phân tích luôn tăng cao, bất kể là họ có được nó thông qua con đường nào.
Tuy nhiên, việc quân đội Mỹ gần đây chuyển trọng tâm sang "các cuộc xung đột tiềm năng" với Nga hoặc Trung Quốc rõ ràng đã khiến họ ngày càng khao khát có được các hệ thống tương tự của những nước này.
Rất có khả năng chúng ta sẽ bắt gặp nhiều đợt chuyển giao tương tự từ Ukraine tới Mỹ trong tương lai gần, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Kiev và Moskva đã trở nên xấu đi.
Vy Lam