Bất thường Doji huy động vàng trả lãi
Lãi suất từ 0,5-1%/năm
Anh H., trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, anh vừa bán căn nhà sâu trong ngõ để tìm mua chung cư. Tuy nhiên, vì căn hộ phải tới cuối năm mới bàn giao nên anh H. quyết định dùng tiền bán nhà đi mua vàng. Anh H. tìm đến Trung tâm Vàng bạc đá quý (VBĐQ) của Tập đoàn Doji (Doji) tại 27B Phan Đình Phùng (Hà Nội). Biết được điều kiện, hoàn cảnh anh H., nhân viên bán vàng giới thiệu Doji nhận giữ vàng cho khách và còn trả lãi. Tuy nhiên, được biết NHNN đã dừng huy động, cho vay vàng từ 1/5/2011 nên anh H. chia sẻ băn khoăn với PV Báo Giao thông về tính pháp lý của hoạt động này.
Để làm rõ thông tin bạn đọc, trong vai khách mua vàng, PV Báo Giao thông đã đến Trung tâm VBĐQ củaDoji tại 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội.
Sau khi nghe chúng tôi trình bày vừa bán nhà và định đầu tư vào vàng trong lúc chờ mua nhà mới, cửa hàng trưởng tên Hoan hướng dẫn, để khỏi mất công, không an toàn khi mang cả bọc tiền đi ngoài đường, khách hàng chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản của DOJI. “Bao giờ tiền vào tài khoản thì bên em chốt giá. Khi đó, anh chị chỉ cần đi người không, cầm theo giấy nộp tiền đến đây là anh chị cầm vàng về”, cửa hàng trưởng tên Hoan nói và cho biết thêm: “Muốn giao dịch nhanh, tốt nhất anh chị chuyển khoản sang ngân hàng TienPhong Bank - là ngân hàng của nhà em. Em có thể yêu cầu bên nhà em lên hệ thống vớt cái lệnh thành công của anh thì sẽ nhanh hơn chuyển qua ngân hàng khác”.
Trong lúc chúng tôi bày tỏ băn khoăn đang ở nhà thuê, chưa biết giữ vàng sao cho an toàn, cả nhân viên bán vàng và cửa hàng trưởng lập tức ngắt lời: “À, em hiểu. Thế thì bên em nhận gửi hợp đồng luôn. Tức là anh không cần cầm vàng về mà chỉ cầm hợp đồng về, bọn em giữ vàng cho anh và anh còn có lãi suất”.
“Có lãi suất cơ á?”, chúng tôi hỏi lại. “Vâng, khác ngân hàng ở chỗ, anh gửi vàng vào đó còn phải mất tiền (trả phí - PV). Khi nào cần bán, anh chỉ cần mang hợp đồng ra, bọn em sẽ trả tiền cho anh mà anh không cần phải mang vàng đi, về. Đấy nó tiện như thế”.
Trước lo lắng về tính pháp lý của hoạt động này, chị Hoan khẳng định: “Bọn em có hợp đồng chứ, có dấu má đàng hoàng. Gọi là hợp đồng vay vàng. Anh chị cứ yên tâm, hợp đồng vay vàng này bọn em làm rất lâu rồi. Nhiều khách hàng mua số lượng lớn họ toàn làm thế cả”.
Cũng theo giới thiệu của nhân viên, Doji chỉ nhận huy động từ 5 lượng vàng trở lên. Lãi suất được chia thành 6 kỳ hạn, từ 1-12 tháng, tương ứng từ 0,042%/tháng (0,5%/năm) đến cao nhất 0,1%/tháng (1,2%/năm).
Nhân viên nói có, giám đốc bảo không
Cũng theo nhân viên của Doji, khác với gửi tiền tiết kiệm, khách hàng không được rút ra trước hạn ít nhất 1 tháng, khi đến hạn mà khách không đến đổi sổ, thì lãi sẽ không nhập gốc. Còn lại, về cơ bản, việc huy động và trả lãi vàng cũng tương tự như huy động và trả lãi đối với gửi tiền.
“Gửi tiền vào ngân hàng có sổ tiết kiệm. Nhưng gửi vào DOJI, khi chúng tôi có nhu cầu rút thì lấy gì làm bằng?”, PV đặt câu hỏi.
“Thì bên em có hợp đồng mà. Coi như bọn em vay vàng của anh chị”, cô nhân viên nói và nhấn mạnh: “Em biết anh chị cũng đang lăn tăn khi gửi một tài sản lớn. Anh chị cứ về tìm hiểu thêm cũng được, DOJI bên em là một tập đoàn lớn, hoạt động hơn 20 năm trong nhiều lĩnh vực. Tổng giám đốc bên em cũng là Tổng giám đốc bên TienPhong Bank, nên anh chị yên tâm”.
PV Báo Giao thông tiếp tục đặt câu hỏi: “Khoản tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng được Nhà nước bảo lãnh, còn gửi vào DOJI lấy gì bảo đảm?”.
“Tất cả những cái này bọn em đều đã được Nhà nước cấp phép thì mới làm. Và khi Nhà nước đã cấp phép thì tức là Nhà nước cũng phải có trách nhiệm trong ấy rồi. Thế nên, anh chị cứ yên tâm”, cô nhân viên khẳng định và cho biết thêm, có rất nhiều khách hàng mua vàng gửi tại DOJI như hình thức kể trên. “Riêng một cửa hàng như bọn em có đến mấy nghìn lượng vàng khách hàng gửi, trong đó có người gửi từ năm 2010 đến bây giờ cũng chưa lấy ra. Bọn em thỉnh thoảng còn phải gọi điện hỏi có tất toán không nhưng khách hàng đều bảo không có nhu cầu”, cửa hàng trưởng tên Hoan trấn an.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông chiều 21/3, Giám đốc kinh doanh vàng của Tập đoàn DOJI Trần Như My khẳng định, doanh nghiệp đã ngừng hoạt động huy động vàng và trả lãi từ 2-3 năm nay. “Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng có quyền huy động phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song thời điểm hiện nay, chúng tôi không còn nhu cầu nên đã dừng từ 2-3 năm nay”, bà My nói.
Tuy nhiên, theo tài liệu của Báo Giao thông thu thập, hoạt động huy động vàng và trả lãi là chủ trương của Tập đoàn DOJI và được thực hiện tại các điểm giao dịch trong hệ thống.
Theo báo Giao Thông