Bất thường bệnh sởi đến sớm hơn mọi năm
Số ca mắc bệnh sởi tăng bất thường
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân mắc sởi có dấu hiệu tăng trong những tuần gần đây
Tại khu điều trị sởi, khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc sởi có dấu hiệu tăng lên trong những tuần gần đây. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 12 bệnh nhân nhi, phần lớn ở độ tuổi dưới một tuổi, chủ yếu đã bị biến chứng sang viêm phổi.
TS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Tính riêng 2 tháng gần đây, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân mắc sởi, chủ yếu ở độ tuổi dưới 9 tháng, chưa đến tuổi tiêm phòng bệnh sởi. Từ đầu năm đến nay, đã có 61 ca mắc bệnh và nhập viện, trong đó có 24 ca ở Hà Nội, còn lại là ở rải rác các tỉnh miền Bắc”.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Lâm, hiện tại chưa phải mùa của bệnh sởi nhưng những tuần gần đây số bệnh nhân đã có dấu hiệu tăng lên bất thường, cần phải đề phòng, tránh lây lan thành dịch. Tuy sởi là bệnh lành tính, diễn biến nặng hay nhẹ tùy từng bệnh nhân, nhưng người dân không nên chủ quan; bởi biến chứng sau sởi rất nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong… Đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, khi gặp biến chứng như viêm phổi sau sởi sẽ rất nguy hiểm.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần vừa qua, trên địa bàn thành phố cũng đã ghi nhận 12 trường hợp mắc sởi. Lũy tích từ đầu năm đến nay Hà Nội đã có 168 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 43 trường hợp dương tính với sởi, 1 trường hợp tử vong. Trường hợp tử vong là bệnh nhân nhi Hoàng B.A. (8 tháng tuổi, ở Đan Phượng, Hà Nội). Bệnh nhân này chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi do chưa đến tuổi tiêm.
Phối hợp để phòng bệnh hiệu quả
Để ngăn chặn bệnh sởi diễn biến thành dịch, Sở Y tế Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị thực hiện các biện pháp như: Vệ sinh môi trường; tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh sởi đã ghi nhận; chỉ đạo các bệnh viện của Hà Nội tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng bệnh nhân để đảm bảo công tác cấp cứu điều trị kịp thời bệnh nhân sởi và các dịch bệnh khác.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã cũng thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn (kể cả bệnh viện tuyến trung ương) để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu cho các cấp về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời triển khai công tác tuyên truyền cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch và hướng dẫn người dân tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để phòng bệnh.
Tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vaccine sởi để phòng bệnh hiệu quả.
Người dân cần thường xuyên nghe thông báo của ngành Y tế về diễn biến của bệnh đồng thời có thể tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và nghi bị bệnh; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh; tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B. Ngoài ra, đối với các gia đình có trẻ nhỏ, phụ huynh cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện các biểu hiện bệnh, đưa trẻ đi khám cũng như thực hiện tiêm phòng đầy đủ 2 mũi cho trẻ để phòng bệnh đạt hiệu quả.
Anh Nhàn (t/h)