Bất cập về tiền lương hiện nay dẫn đến hệ luỵ tha hoá công chức
Vậy chính sách tiền lương cần được thiết kế cụ thể như thế nào để đạt được mục đích này, làm thế nào để tiền lương là nguồn thu nhập quan trọng giúp người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến cho công việc. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với PV xung quanh vấn đề tiền lương.
Thưa ông, lương khởi điểm của cán bộ khoảng 3 triệu đồng/tháng, rất khó có thể trang trải đủ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Rồi lương vụ trưởng của các ban Đảng cao hơn lương Thứ trưởng. Phụ cấp và thưởng cao hơn lương và trở thành nguồn thu nhập chính của người lao động. Người làm nhiều thì có mức lương như người làm ít. Vậy những thực tế này đã phản ánh những bất cập gì trong chính sách tiền lương của chúng ta hiện nay?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Căn nguyên sâu xa của những vấn đề mà chúng ta cho rằng bất cập là do chúng ta chưa vận hành chính sách tiền lương theo đúng bản chất và nguyên tắc của nó. Người hưởng lương không sống bằng lương mà lại bằng các nguồn thu nhập khác.
Điều đáng lưu ý bao gồm cả tiền lương chính đáng và loại tiền lương không chính đáng nhưng lại có nguồn thu từ ngân sách. Tiền lương lại không có tác dụng để tạo động lực nâng cao hiệu quả, hiệu suất lao động và cũng không phản ánh chính xác giá trị thực của lao động.
Trả lương theo thang lương, bản lương, theo hệ số là chúng ta đã che mờ bản chất thực sự của tiền lương. Tất cả những bất cập này nó đều dẫn đến hệ lụy là tha hoá đội ngũ công chức hành chính và làm suy yếu bộ máy quản lý nhà nước của chúng ta.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Thế mới có câu chuyện luẩn quẩn mất hợp lý là ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống. Lương không đủ sống nhưng nhiều người lại có thể sống một cách ung dung. Có vẻ như chúng ta đi làm không bằng lương và sống cũng không bằng lương?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Còn phải nói thêm, mặc dù tốc độ tăng tiền lương của chúng ta trong nhiều năm qua luôn cao hơn tốc độ kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động. Song thực chất, đời sống của người được hưởng lương vẫn chưa được đảm bảo.
Tôi cho rằng, tình trạng lương không phải nguồn thu nhập chính của người lao động, nhất là khu vực công chính là căn nguyên của mọi bất cập. Và đây là một bài toán mấu chốt, một “boongke” mà lần cải cách chính sách tiền lương này chúng ta phải giải quyết một cách căn cơ.
Theo ông, mặc dù chính sách tiền lương của chúng ta đã qua 4 lần cải cách, nhưng tại sao những bất cập này lại không sớm được nhận ra thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Không phải là chúng ta không nhận thức được bất cập này. Thậm chí, những bất cập này chúng ta nhận thấy rất rõ ràng từ hằng chục năm trước đây. Có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, cả nhận thức và quyết tâm chính trị của chúng ta.
Tôi nhớ rằng, có lẽ Chính phủ đã ba lần lỡ hẹn với cải cách tiền lương cho cán bộ công chức và người lao động. Và cũng phải nói một điều hết sức khách quan đó là bối cảnh kinh tế xã hội khiến cho cải cách tiền lương giai đoạn trước của chúng ta không có đủ điều kiện để đi đến cùng và quan trọng nhất là nguồn lực của chúng ta không có. Với lần cải cách này chúng ta đã có điều kiện vô cùng thuận lợi, chín muồi và hứa hẹn cho thành công của cải cách.
Tiền đề đầu tiên là trên cơ sở chúng ta đã tổng kết 30 năm đổi mới và nhận thức đầy đủ về vấn đề cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Và đường lối cải cách tiền lương chúng ta được khẳng định rất mạnh mẽ và thể hiện quyết tâm chính trị ngay trong cương lĩnh năm 2011 và Nghị quyết Đại hội XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Thứ hai là Trung ương đã xem xét cải cách tiền lương sau khi có Nghị quyết về cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6.
Thứ 3 là tiềm lực của nền kinh tế sau một thập kỷ chúng ta bị ảnh hưởng bởi suy thoái, đến nay chúng ta có bước tiến khả quan và tạo được dư địa cho cải cách tiền lương.
Thay đổi lớn nhất trong Đề án chính sách cải cách thay đổi tiền lương lần này là ban hành hệ thống bảng lương mới đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Những căn cứ này đã thể hiện và phản ánh đủ, đúng giá trị sức lao động của người lao động hay chưa và nó có phải là cơ sở để tính lương một cách khách quan và công bằng hay không?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi cho rằng, thời gian này còn quá sớm để trả lời bảng lương mới phản ánh đúng và đủ sức lao động hay chưa? Vì nó liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, cần được bàn thảo và đánh giá rất kỹ trên các tham số của cân đối nền kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, điều chúng ta có thể mạnh mẽ khẳng định là việc chuyển từ bảng lương theo hệ số sang bảng lương tính bằng giá trị tuyệt đối là thay đổi căn cơ về tiền lương. Điều đó cũng có nghĩa là thang bảng lương mới đã xử lý mối tương quan giữa người có chức vụ với người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giữa đội ngũ cán bộ công chức với lực lượng vũ trang để làm sao đảm bảo tính công bằng tương đối và khách quan của trả lương.
Theo cách tính lương hiện nay thì những người làm việc lâu năm thường được hưởng lương cao hơn những người làm việc ít năm mà không tính đến mức độ cống hiến cho công việc. Đó là tình trạng “sống lâu” nên “lão làng”. Trong cải cách lần này, thâm niên công tác có được tính đến thế nào và có là căn cứ để ưu tiên không?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Hệ thống chính sách tiền lương của chúng ta hiện nay đang thiết kế kết hợp giữa mô hình vị trí việc làm và mô hình chức nghiệp nên yếu tố thâm niên vẫn là một tham số để trả lương.
Tuy nhiên, yếu tố đổi mới nằm ở chỗ là việc nâng lương phải cải cách theo hướng linh hoạt để người có năng lực đem công sức, chuyên môn, trình độ của mình cống hiến tốt nhất và có thể được nâng lương nhanh hơn, thậm chí được vượt cấp, tạo động lực cho người lao động.
Tôi nghĩ, tiền lương không chỉ để tăng thêm thu nhập mà đó chính là động lực tăng năng suất lao động, tăng điều kiện để thăng tiến. Có như vậy chúng ta mới lựa chọn được đội ngũ cán bộ thực tâm và là công bộc đối với dân.
Hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở. Ông có thể phân tích những hiệu quả và hệ lụy nếu có của cách thức quy định này.
Ông Bùi Sỹ Lợi: Hiệu quả đầu tiên chính là minh bạch. Lâu nay chúng ta tính lương bằng hệ số lương nhân với mức lương cơ bản và các loại phụ cấp. Mà phụ cấp có đến 20 loại phụ cấp. Cho nên có những người tính lương không rõ, nhưng lần này chúng ta thấy rằng bằng số tuyệt đối sẽ minh bạch, công khai, người lao động nhận lương người ta sẽ biết ngay số tiền được bao nhiêu và quan trọng nhất là trong kết cấu tiền lương của chúng ta phân định rất rõ.
Tiền lương có tính chất bản chất lương chính chiếm 70%, còn lại phụ cấp có 30%. Trong quỹ lương của chúng ta có tối đa 10% từ quỹ tiền lương sang quỹ tiền thưởng. Đây chính là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, khuyến khích người ta tạo động lực phát triển. Người ta nói rằng: “một đồng tiền thưởng bằng 100 đồng tiền lương”.
Thực ra hệ lụy cũng có thể có. Bởi, chúng ta đang xếp theo hệ số, bằng cấp, đào tạo, trình độ chuyên môn, kỹ thuật,…nhân với tiền lương tối thiểu. Hiện có những người cùng trình độ chuyên môn, thâm niên, điều kiện, bậc lương khác nhau,… giờ chúng ta dồn tất cả mọi người cùng vị trí, vào số tuyệt đối thì phải tính cẩn thận để tiền lương thể hiện được bản chất của người có đóng góp và cống hiến.
Xin cảm ơn ông!
Theo VOV