Báo Nga: Mỹ giúp Việt Nam phóng nhiều vệ tinh quân sự tối tân
Gần đây, tờ Bình luận Quân sự độc lập (Independent Military Review) của Nga cho rằng Mỹ có ý định tăng cường tầm ảnh hưởng ở ĐNÁ, tiếp tục thúc đẩy kế hoạch trở lại Philippin, nhằm tìm kiếm điểm dừng chân tại vịnh Subic và phát triển quan hệ với các nước Việt Nam, Lào và Campuchia, mục đích là "cân bằng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực".
Theo đó, trọng tâm hợp tác quân sự của Mỹ với những nước này không phải là bán vũ khí, mà là để giúp những nước này thông qua việc giao lưu huấn luyện, như việc Mỹ và Lào thiết lập cơ quan chuyên trách quốc phòng tại mỗi nước, trao đổi tùy viên, nhờ đó, bất cứ lúc nào Mỹ cũng có thể nắm được động thái quân sự của Lào và các nước Đông Nam Á.
Căn cứ vào kế hoạch của Mỹ, việc huấn luyện quân đội các quốc gia Đông Nam Á chủ yếu được nước này tiến hành thông qua các cuộc tập trận chung bằng cách chủ động tổ chức lực lượng tác chiến liên hợp, cùng tiến hành các khoa mục diễn tập.
Xe thông tin vệ tinh giữ vững liên lạc cho Quân đội trong mọi tình huống. Ảnh: Truyền hình QPVN.
Kế hoạch huấn luyện này của Mỹ được gọi là "Vai kề vai", nội dung chủ yếu là hội thảo, huấn luyện chéo, diễn tập dã chiến, trong đó trọng điểm của huấn luyện chéo là luyện tập chiến thuật, kỹ thuật và trình tự tác chiến có thể gặp phải khi tác chiến hiệp đồng.
Ngoài ra, Quân đội Mỹ còn chỉ đạo huấn luyện hỗ trợ hậu cần cho các nước Đông Nam Á, những huấn luyện này bao gồm chỉ huy, bảo đảm kỹ thuật, quy trình hành động an toàn, chăm sóc y tế và sơ tán, xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ yếu là đường sá liên quan đến hỗ trợ hậu cần và diễn tập quân sự.
Quân đội Mỹ cũng có kế hoạch giúp các nước xây dựng quân đội hiện đại nhằm thu hút những nước này mua sắn vũ khí trang bị của Mỹ.
Trong đó phải kể đến kế hoạch hỗ trợ Việt Nam phóng nhiều vệ tinh quân sự trên nền tảng vệ tinh thông tin liên lạc lưỡng dụng quân sự và dân sự trong 2 – 3 năm tới.
Trước đó, vệ tinh thông tin liên lạc lưỡng dụng đầu tiên của Việt Nam do Công ty Lockheed Martin của Mỹ thiết kế và sản xuất hiện cũng đã được đưa vào vận hành sử dụng, qua đó cải thiện đáng kể hiệu quả thông tin liên lạc của Quân đội Việt Nam.
Do vậy, với nền tảng kỹ thuật tiên tiến đã được kiểm chứng và thiện chí của Mỹ, trong tương lai Việt Nam có thể vẫn sẽ đặt mua thêm nhiều vệ tinh thông tin liên lạc do Công ty này chế tạo.
Tổng Giám đốc Lookheed Martin Commercial Space System (Mỹ) ông Joe Rickers bàn giao giấy Chứng nhận sở hữu vệ tinh VINASAT-2 cho Việt Nam. Ảnh: Ngọc Ninh/VNPT.
Tạp chí Jane's Defence Weekly của Anh cho rằng vệ tinh VINASAT-2 của Việt Nam chủ yếu dùng để giám sát vùng biển. Sau khi có thêm nhiều vệ tinh mới, Việt Nam có thể có khả năng giám sát, kiểm soát toàn diện trên biển, đồng thời có thể đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trên biển cho Mỹ.
VINASAT-2 được phát triển dựa trên nền tảng vệ tinh A2100 của Công ty Lockheed Martin, có 24 kênh băng Ku, 8 thiết bị chuyển phát băng C.
Khang Minh