Báo Anh nhận định kinh tế Việt Nam 'sáng bừng' khi toàn châu Á ảm đạm
Trong khi những nền kinh tế châu Á đang gặp nhiều khó khăn thì Việt Nam lại nổi lên như một điểm sáng. Nền kinh tế Việt Nam quý III/2018 tăng trưởng tới 6,9%.
Theo CNBC, nền kinh tế Việt Nam trở nên khác biệt trong bối cảnh các thị trường mới nổi khu vực gặp khó khăn do chiến tranh thương mại và đồng USD mạnh. Nền kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc vào xuất khẩu và sự gần gũi về vị trí địa lý với Trung Quốc, sự ổn định về chính trị và những mối quan hệ kinh tế khiến thị trường này thu được nhiều lợi ích từ chiến tranh thương mại.
Trước áp lực từ thuế quan của Mỹ, nhiều nhà máy Trung Quốc đã bắt đầu dịch chuyển sang những thị trường giá rẻ hơn như Việt Nam. Hiện chi phí sản xuất tại Việt Nam rẻ hơn khoảng 40% so với Trung Quốc và xu thế dịch chuyển trên đang giúp Việt Nam phát triển được ngành sản xuất suốt vài năm trở lại đây.
Con rồng mới ở châu Á?
Câu chuyện bắt đầu từ công cuộc đổi mới nền kinh tế năm 1986, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất châu Á. Ban đầu nhiều chuyên gia lầm tưởng Việt Nam cũng chỉ là "bản sao giá rẻ" của Trung Quốc với nguồn nhân công giá rẻ được đào tạo tốt, thích hợp cho các nhà máy sản xuất.
Tuy nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đổ về Việt Nam và trình độ chuyên môn được tăng cường, ngành sản xuất trong nước cũng dần đi lên trong chuỗi cung ứng.
Chuyên gia Eoin Treacy của Fullr Money nhận định Việt Nam đang hưởng lợi từ chính sách thương mại thân thiện của chính phủ cũng như quyết tâm phát triển từ một thị trường tiềm năng thành điểm đến cho các nhà đầu tư. Thời gian gần đây, chính phủ Việt Nam đang tích cực cổ phần hóa hàng loạt tập đoàn quốc doanh, qua đó mở cửa thị trường.
Dân số Việt Nam hiện khoảng hơn 90 triệu người với 70% số người trong độ tuổi 15-64, qua đó cung cấp một lực lượng lao động dồi dào cùng thị trường tiêu dùng lớn cho tương lai, một điểm hấp dẫn vô cùng lớn cho các nhà đầu tư.
Theo ước tính, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng từ 12 triệu năm 2012 lên 33 triệu năm 2020. Cùng với sự mở rộng của nhu cầu tiêu thụ, doanh số bán lẻ của Việt Nam đã tăng 10,9% trong năm ngoái, đạt 130 tỷ USD. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi Việt Nam thu hút được tới 17,5 tỷ USD nguồn vốn đầu tư nước ngoài năm 2017.
Tương tự, sức hấp dẫn và tiềm năng của nền kinh tế khiến các công ty quốc doanh cổ phần hóa với mức giá khá cao. Hãng sữa Vinamilk đang được giao dịch với hệ số giá trên thu nhập (P/E) cao gấp 23 lần, lớn hơn mức 17 lần của hãng sữa Donone của Pháp.
Hơn nữa, tờ Money Week cho rằng nếu hãng Morgan Stanley Capital International (MSCI) nâng thị trường Việt Nam từ hạng "tiềm năng" (Frontier Market) lên "mới nổi" (Emerging Market), nhiều dự báo cho thấy nền kinh tế này sẽ nhận được tới 10 tỷ USD tiền vốn đầu tư.
AB