Bài cuối: “Hổ tướng" Nguyễn Văn Nhơn và hai lần lĩnh ấn Tổng trấn
Vĩnh An vốn là một huyện của tỉnh An Giang thời Nguyễn (nay thuộc Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Nơi đất ấy, trong các nhân vật nổi danh của tỉnh, “Đại Nam nhất thống chí” phần An Giang tỉnh có ghi lại trước nhất tên tuổi của Nguyễn Văn Nhơn (Nhân), danh tướng thời Nguyễn sơ, được xưng tụng trong “Gia Định ngũ hổ tướng”.
Sinh ra nơi đất Vĩnh An, Nguyễn Văn Nhơn theo “Gia Định xưa” của Huỳnh Minh, vốn con của ông Nguyễn Quang, có tước Minh Đức hầu. Việc ông gia nhập đoàn quân nghĩa của chúa Nguyễn, được cho là khi Nhơn ở tuổi 22 dạo Tây Sơn mới nổi dậy. Việc ấy, xem “Đại Nam liệt truyện” phần ghi về tiểu sử, công nghiệp của ông, vẫn còn đó.
Từ buổi đầu bôn ba dựng nghiệp
Theo đó vào đầu năm Giáp Ngọ (1774) khi quân Tây Sơn đánh chiếm đất Xích Lam thuộc Biên Hòa, lúc này thế lực nhà Nguyễn chúa đã cùng tận rồi. Để đương đầu với Tây Sơn, Lưu thủ Long Hồ là Tống Phúc Hợp, Cai bạ Nguyễn Khoa Thuyên làm hịch mộ quân cần vương. Nguyễn Văn Nhơn được tin ấy, kẻ đầu xanh tuổi trẻ liền ứng mộ theo về, được giao làm đội trưởng, ở dưới sự điều khiển của Nguyễn Khoa Thuyên. Dạo ấy, vẫn đang ở thời chúa Nguyễn, còn Nguyễn Ánh chưa xuất đầu lộ diện mà đối địch với Tây Sơn đâu.
Vua Minh Mạng trọng tài tướng Nguyễn Văn Nhơn
Bước chân Nguyễn Văn Nhơn theo về với Nguyễn Ánh, được xác định dạo Nguyễn Ánh khởi binh ở đất Long Xuyên, Nguyễn Văn Nhơn đã ứng mộ làm nghĩa binh ở Sa Đéc dưới quyền viên điều khiển Dương Công Trừng, trở thành một trong những chiến tướng sớm có mặt dưới cờ phục hưng của Gia Long Nguyễn Ánh và liền liền lập nên nhiều công trạng.
Xem qua ghi chép về ông nơi “Liệt truyện” hoặc “Thực lục” ta có thể điểm dăm nét về hoạt động của vị tướng họ Nguyễn khi cùng chúa Nguyễn đối chiến với Tây Sơn để lập nên vương triều sau này. Tỉ như năm Mậu Tuất (1778) bắt tên Ốc nha Cao Miên là Suất làm phản; hay năm Ất Tỵ (1785) vượt biển theo vua, rồi cùng nhau giữ đất Long Xuyên; hoặc năm Quý Sửu (1793) theo đường biển đánh Tây Sơn ở Lại Dương lấy được nhiều chiến thuyền,…
Có lần như năm Kỷ Mùi (1799) khi Nguyễn Ánh đem quân đi đánh Qui Nhơn, Nguyễn Văn Nhơn lúc ấy là Chưởng cơ, ở lại trấn giữ Gia Định cùng Hoàng tử Hy, ông đã đem hết tâm sức để làm yên lòng chúa nơi phương xa mà cụ thể là “đi tuần các huyện, ấp, khuyên dân cày cấy, cho kho chứa được nhiều, nghiêm cấm uống rượu, trong hạt yên ổn”. Khi Trấn Biên bị nạn lụt, dân phần nhiều thiếu đói, ông tâu với Hoàng tử Hy mở kho thóc cứu đói cho dân.
Một điểm đáng quý nữa ở vị tướng này là thất học từ nhỏ, đến tuổi 50 mới mời thầy dạy. Nhưng không vì thế mà biếng lười, cứ lúc nào việc công rỗi rãi, Nhơn lại đọc sách trau dồi kiến thức. Nhờ đó mà về sau kinh sử đều biết, để không phụ lòng tin yêu của bề trên, không mang tiếng là kẻ hữu dũng vô mưu.
Những đề xuất mới mẻ
Thời Nguyễn sơ nối hai đời vua Gia Long và Minh Mạng, để quản lý miệt đất phương Nam của Tổ quốc, Gia Định thành được lập nên với chức Tổng trấn đứng đầu cai quản, có quyền uy rất lớn. Và vị Tổng trấn đầu tiên của Gia Định thành, chính là Nguyễn Văn Nhơn. Điều đó cho thấy, vua Gia Long tỏ ra rất tin cẩn ở vị tướng tài này, nên giao trọng trách lớn cho ông. Và thân ông, hai lần giữ ấn Tổng trấn Gia Định thành. Ấy là khi Phiên An được đổi sang Gia Định thành năm Mậu Thìn (1808), ông nắm quyền Tổng trấn trong 5 năm, kiêm lãnh hai trấn Bình Thuận, Hà Tiên.
Rồi năm Kỷ Mão (1819) khi Nguyễn Huỳnh Đức mất, ông làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai. Cai quản vùng đất trọng yếu của đất nước, hãy xem công lao của ông được “Đại Nam nhất thống chí” ghi lại ở lần giữ chức Tổng trấn đầu tiên: “Người Xiêm La xâm lấn nước Cao Mên, Nhân đem quân đi tuần hành ngoài biên, người Xiêm sợ không dám động”.
Khi vương triều mới tạo lập năm Nhâm Tuất (1802), tấm lòng với vua với nước của ông được thể hiện rạng rỡ ngay ở những ý kiến về việc nước mà ông dâng kín lên vua Gia Long, những mong cho nước được yên, dẫn vững lòng nơi vương triều mới. Xem trong “Đại Nam liệt truyện” 14 điều ấy đều là những lời gan ruột của tướng Nhơn cả. Thiết nghĩ, nên chép ra cho tỏ:
1. Định lại các thứ thuế khóa; 2. Cầu người hiền tài giúp nước; 3. Lập hương học; 4. Cử người hiếu liêm; 5. Cải cách phong tục; 6. Định phép khoa cử; 7. Cải cách hình phạt; 8. Định sắc phục kẻ trên người dưới; 9. Đặt phép cho nghiêm việc quan lại; 10. Phát chẩn cho dân nghèo; 11. Nêu khen người trinh tiết; 12. Thẩm định phép tắc; 13. Lập các nơi đồn trại; 14. Bỏ những thứ thuế tạp.
Những đề xuất ấy dâng lên vua, trong hiện tình vương triều vừa được lập, đất nước vừa khỏi chiến tranh, non sông vừa mới thống nhất, lòng người kẻ Nam người Bắc còn đang xáo trộn, ta thấy đều là những việc cần làm cả. Và sau này, nhiều đề xuất của ông trải qua thời gian, dù ít dù nhiều, được các đời vua Gia Long, Minh Mạng thực hiện như ban hành luật lệ, quy định phẩm phục, ban khen những phụ nữ trinh tiết, quy định lại thuế khóa,…
Công lao và nguồn gốc danh xưng "Quan lớn Sen"
Sau khi ông mất, ghi nhớ công lao của vị tướng họ Nguyễn, theo ghi chép trong “Đại Nam nhất thống chí” triều đình tặng ông tước Thiếu bảo, được thờ trong Thế miếu và miếu Trung hưng công thần. Vua Minh Mạng năm Tân Mão (1831) truy tặng ông là Thái bảo phong Kinh Môn quận công. Ngày nay, nơi bản quán của ông, có đình Tân Đông thuộc ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông thờ ông, gọi ông là “Quan lớn Sen”. Tên gọi dân gian dành xưng tụng ông, tương truyền bắt đầu từ dạo ông cùng chúa Nguyễn Ánh bôn ba khôi phục vương triều.
Đình Tân Đông thờ tướng Nguyễn Văn Nhơn
Trên “Nam Kỳ tuần báo” năm 1943, tác giả Khuông Việt đã chép lại câu chuyện ấy: “Chúa Nguyễn Ánh trong lúc bôn đào rày đây mai đó, phó thác việc hầu hạ mẹ cho tùy tướng Nguyễn Văn Nhơn. Những khi quốc mẫu mệt nhọc, thường dùng chè hột sen của Nhơn dưng lên. Lâu ngày quen miệng nên mỗi lúc cần đến món ăn bổ khỏe ấy, bà chỉ cần gọi “sen” là tự khắc có Nhơn đến. Vì thế mới có ba tiếng “quan lớn Sen” của người tặng riêng cho tướng Nguyễn Văn Nhơn”. Tên gọi ấy dân dã thế, mà tỏ ra bao cái nết tốt của vị công thần với thân mẫu của vua Gia Long.
Vị trí của ông trong lòng các vua nhà Nguyễn, có lẽ là rất đặc biệt. Đối với vua Gia Long, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh trong “Gia Định xưa” có đưa ra nhận định: “Ông là vị Tổng Trấn Gia Định thành mà vua Gia Long đã tỏ lòng hậu đãi hơn cả. Vì ông đã tận tâm phục vụ chúa Nguyễn hơn các hàng tướng sĩ”.
Trong khi ấy, vua Minh Mạng khi ông mất, đã tỏ lòng tiếc thương vô hạn khi nghỉ chầu ba ngày, sai các quan đến dụ tế, ban 1.000 quan tiền, 300 lạng bạc, 2 cây gấm thêu bằng kim tuyến, 3 cây gấm Tống và 30 tấm lụa để làm lễ tang. Nói về ông, qua ghi chép nơi “Gia Định xưa”, vua Minh Mạng đã có lời với Trịnh Hoài Đức rằng “Nhân là bậc huân cựu đại thần, trung thành cẩn hậu, chẳng may mất đi, trẫm rất cảm thương”.
Thời vua Thiệu Trị đã có thơ về ông. Còn Đốc phủ sứ Nguyễn Đăng Khoa trong bài thơ điếu vị tướng họ Nguyễn, đã có bài Đường luật được “Gia Định xưa” ghi lại, như một bản tổng kết về cuộc đời ông:
Cần vương giữ vẹn tiết trung thần,
Lửa đỏ đành đem gởi chút thân.
Gia Định cao thăng ngôi Tổng Trấn,
Nam Kỳ thống lãnh chức Trung Quân.
Kỳ Nam đáng đứng trong trời đất,
Liệt sĩ hầu lên nẻo thánh thần.
Nuốt đạn vùa tên không kể mạng,
Non sông âu cũng nhứt công ân.
Trần Đình Ba