Bác Hồ và lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ địa kháng Pháp
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại "Phủ Chủ tịch" Việt Bắc năm 1952 Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đập tan chính quyền của thực dân phong kiến, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân ta từ địa vị nô lệ trở thành người chủ thực sự của đất nước. Nhưng Pháp ngoan cố quay lại quyết tâm cướp nước ta, buộc nhân dân ta phải cầm vũ khí đứng lên giữ vững nền độc lập tự do vừa giành được. Những thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước 14/9 không được phía Pháp tôn trọng. Trung tuần tháng 11/1946, sau một buổi làm việc của Hội đồng Chính phủ, sau khi hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp về khả năng giữ Hà Nội, các thành phố và nông thôn nếu chiến tranh xảy ra, Bác Hồ suy nghĩ rồi quyết định trở lại Tân Trào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại "Phủ Chủ tịch" Việt Bắc năm 1952
Công việc lựa chọn Việt Bắc làm an toàn khu (ATK) để quay lại hoạt động cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh suy nghĩ và chuẩn bị từ trước. Trong điều kiện so sánh lực lượng của ta và địch hết sức chênh lệch, chúng ta không thể đem toàn lực dốc vào một vài trận để phân thắng bại mà phải tổ chức kháng chiến lâu dài.
Điều kiện cơ bản để kháng chiến lâu dài là phải bảo toàn và phát triển lực lượng, đồng thời xây dựng căn cứ địa vững chắc, không chỉ thuận lợi về địa hình mà phong trào và cơ sở quần chúng phải mạnh. Với những suy tính thấu đáo về diễn biến tình hình, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại một thời gian để củng cố khu căn cứ. Cuối tháng 10/1946, sau khi ở Pháp về, Bác phái đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc để chỉ đạo việc chuẩn bị các mặt cho kháng chiến, đặc biệt là vận chuyển hàng chục nghìn tấn muối từ Nam Định lên chiến khu. Tháng 11/1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, nghiên cứu di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Sau đó, đội công tác của đồng chí Trần Đăng Ninh đã lên Việt Bắc để “làm trong sạch” vùng ATK trong nhiều đợt.
Bác Hồ trên đường đi công tác. Ảnh tư liệu
Việt Bắc là một vùng núi hiểm trở gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, trong đó các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Chợ Đồn, Chợ Rã đã được chọn làm ATK. Việt Bắc có đủ các điều kiện thuận lợi về địa lý, lịch sử, kinh tế, nhân dân để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Về lịch sử, “Việt Bắc là gốc tích tổ tiên Hùng Vương ta dựng nước, là nền tảng chống ngoại xâm của ông cha ta, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nùng Trí Cao. Là căn cứ chống Pháp của tiên liệt ta như cụ Hoàng Hoa Thám. Là căn cứ địa của cuộc dân tộc giải phóng, chống Pháp, chống Nhật. Là quê hương của giải phóng quân ta, anh cả của Vệ quốc quân”.
Về địa thế, căn cứ địa Việt Bắc được xây dựng trên một vùng rộng lớn, chủ yếu là núi rừng. Rừng rậm bạt ngàn, các dãy núi trùng điệp. Địa thế hiểm trở đã giúp giữ bí mật công tác xây dựng lực lượng cách mạng, trở thành địa bàn thuận lợi cho lực lượng vũ trang đánh du kích lâu dài, tiêu hao lực lượng địch và dễ dàng duy trì, phát triển lực lượng. Phía bắc, Việt Bắc giáp Trung Quốc, có thể liên lạc với phong trào cộng sản quốc tế. Việt Bắc lại là cửa ngõ của miền xuôi nên vẫn tranh thủ được sự giúp đỡ của miền xuôi. Từ Thái Nguyên về Hà Nội không xa, khoảng 80-90 km. Khi có thời cơ thuận lợi, lực lượng vũ trang có thể tiến nhanh phát huy thắng lợi, nếu gặp khó khăn có thể kịp thời lui về bảo toàn lực lượng. Tóm lại, Việt Bắc có vị trí cơ động, theo Bác Hồ, là nơi “tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ).
Nhân dân các dân tộc Việt Bắc có lòng nồng nàn yêu nước, đoàn kết, cần cù trong lao động, thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945 đã sớm nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ giương cao ngọn cờ đấu tranh, nay lại có thể góp phần tích cực vào cuộc kháng chiến. “Đồng bào Việt Bắc gồm có Kinh, Thổ, Nùng, Thái..., phong tục tập quán tuy có khác nhau ít nhiều nhưng lòng nồng nàn yêu nước, lòng căm hờn thực dân thì muôn người như một. Lòng yêu nước của đồng bào nhập với hình thế hiểm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch". Trong các lý do để Bác lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, có lẽ lý do rất quan là sự ủng hộ của lòng dân Việt Bắc. Theo Người, sống giữa đồng bào tức là được bảo vệ an toàn nhất.
Ngôi nhà sàn đầu tiên Bác ở tại Vai Cày, Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh tư liệu
Chuyện kể rằng, có lần đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương đưa cố vấn công an Trung Quốc đi thực tế tại khu “Dinh Phủ Chủ tịch” ở ATK Định Hóa. Dinh Phủ Chủ tịch là một cái lán bằng tre nứa rộng khoảng 10 m2 chia 2 tầng, dưới là nền trống, có cái bàn nhỏ với ghế, thường khi cần Bác Hồ ngồi đánh máy hoặc đọc sách ở đó. Tầng trên là sàn bằng phên tre nứa. Mái lợp lá gồi. Phòng trống, không có giường, bàn, cũng chẳng có ghế, ngủ say trên sàn có chiếu trải. Vách trổ cửa trước, cửa sau, có thang tre để lên xuống.
Ngạc nhiên khi thấy Hồ Chủ tịch lại chấp nhận một cuộc sống quá giản dị như thế, đồng chí cố vấn nói với Bác: “Tầng dưới nơi Bác làm việc ban ngày thì trống rỗng giữa rừng, ngày mưa to, gió lớn hoặc trời nắng chói chang thì che chở thế nào?”. Bác bình tĩnh nói: “Đồng bào Việt Nam ngày nay rất tôn trọng Đảng Cộng sản Việt Nam... Chúng tôi rất tin cậy đồng bào chúng tôi một lòng sắt son theo Đảng, ủng hộ Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên. Đồng chí từ căn cứ của Nha Công an đến đây không thấy một trạm gác, không bị xét hỏi giấy tờ là chuyện không lạ vì đồng chí đi cùng với đồng chí Lê Giản, cho nên tất nhiên không bị xét hỏi đã đành, giả thử có kẻ xấu đến tấn công thì chắc nó chẳng thoát tay quần chúng bắt giữ”.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, do tình hình chiến sự diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn, Người thay đổi nhiều chỗ ở. Với niềm tin mạnh mẽ vào quần chúng, nơi Người ở “trên có núi; dưới có sông; có đất ta trồng; có bãi ta vui; tiện đường sang Bộ tổng; thuận lối tới Trung ương; nhà thoáng, ráo, kín mát” và dứt khoát không thể thiếu yếu tố quan trọng “gần dân, không gần đường”. Theo Người, “bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, ta phải liên lạc mật thiết với dân, phải làm cho dân mến, dân tin”.
Một bữa cơm của Bác với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh trong những ngày tháng ở Việt Bắc. Ảnh tư liệu
Với chỉ đạo nhanh chóng rút lực lượng lên ATK của Hồ Chủ tịch, cho đến đầu tháng 4/1947, việc dời chuyển các cơ quan Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc đã hoàn thành. Ngoài ra khoảng 40.000 tấn máy móc, thiết bị, nguyên liệu cũng đã dùng để xây dựng được 57 cơ sở sản xuất quân giới phục vụ kháng chiến. Ta cũng đã di chuyển cả các máy in báo, tiền, cơ sở vật chất của bệnh viện, trường học, đài phát thanh lên chiến khu an toàn. Bộ Tổng tham mưu chịu trách nhiệm phân chia các khu vực trong ATK cho các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Chủ tịch phủ, Bộ Tổng chỉ huy và các cơ quan đoàn thể khác.
Ngày 1/4/1947, Bác rời Phú Thọ di chuyển đến làng Xảo, Hợp Thành, Sơn Dương (thuộc châu Tự Do, Tuyên Quang), bắt đầu những năm tháng chỉ đạo cách mạng ở Thủ đô kháng chiến. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng về kháng chiến kiến quốc.
Trong những năm kháng chiến gian khổ, nhân dân Việt Bắc cùng với bộ đội đã hết lòng bảo vệ chiến khu, anh dũng chiến đấu với quân thù. Mỗi tên bản, tên núi, tên sông nơi đây đều gắn liền với những sự kiện, chiến công trong kháng chiến. “Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Với sự lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ địa, cuộc kháng chiến chống Pháp đã xây dựng được chỗ đứng chân vững chắc. Đó cũng là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ta thực hiện đường lối “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”. Vì thế, tiến trình của kháng chiến đã có thay đổi trong so sánh lực lượng giữa ta và địch: Ta dựa vào núi rừng Việt Bắc càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn và từng bước giành quyền chủ động; còn địch ngày càng bị động đối phó và càng thất bại. Nhờ vậy, cuộc kháng chiến đã kết thúc bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Hải Yến/Phó Giám đốc Khu Di tích tại Phủ Chủ tịch