Bà Rịa – Vũng Tàu: Ai “chống lưng” cho DIC Corp bất chấp pháp luật?
Như Thời Đại đã thông tin trước đó, liên quan đến dự án Vũng Tàu Gateway, ngày 3/11/2017, Sở Xây dựng cũng đã có công văn số 3327/SXD-QHKT (công văn 3327) về việc điều chỉnh quy hoạch để lập dự án thành phần tổ hợp chung cư Vũng Tàu Gateway thuộc Khu Trung tâm Chí Linh tại phường 10, TP.Vũng Tàu gửi UBND TP.Vũng Tàu và được chuyển tới DIC Corp.
DIC Corp không phép trên diện tích cả chục ngàn m2 ngay giữa trung tâm TP.Vũng Tàu.
Theo công văn 3327 thì dự án Khu Trung tâm Chí Linh được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại Quyết định số 463/QĐ-UB ngày 14/4/1993 và đến nay dự án đã qua 7 lần điều chỉnh quy hoạch.
Trong đó, tại Quyết định số 6871/QĐ-UB ngày 21/7/2003 của UBND tỉnh BR-VT về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tổng mặt bằng Khu Trung tâm Chí Linh (điều chỉnh quy hoạch lần 3) thì vị trí lô B13 được điều chỉnh từ dịch vụ thương mại, bể bơi cao 2 tầng thành quy hoạch tổ hợp chung cư cao 18 tầng trên diện tích đất khoảng 18.064m2.
Cùng với đó, các lần điều chỉnh quy hoạch sau này (từ lần 4 đến lần 7) đều không có nội dung điều chỉnh quy hoạch lô B13. Như vậy, về pháp lý, cho đến nay dự án thành phần tổ hợp chung cư Vũng Tàu Gateway được xây dựng trên lô đất ký hiệu B13 với chiều cao công trình là 18 tầng.
Thế nhưng theo hồ sơ thiết kế công trình này nằm trên lô đất ký hiệu B13, diện tích lô đất khoảng 22,560m2, chiều cao công trình là 30 tầng là chưa phù hợp với các chỉ tiêu sử dụng đất, cụ thể là: Diện tích lô đất tăng từ 18.064m2 lên thành 22,560m2; chiều cao công trình tăng từ 18 tầng lên thành 30 tầng.
Công văn số 3327/SXD-QHKT ngày 3/11/2017 của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ có giá trị trên giấy?
Theo đó, Sở Xây dựng cũng đã chỉ rõ là đối với trường hợp này cần phải điều chỉnh quy hoạch trước khi lập các thủ tục về đầu tư xây dựng.
Ý kiến của Sở Xây dựng TP.Vũng Tàu đã rõ như thế, nhưng dường như DIC Corp “bỏ ngoài tai” tất cả, vẫn cố tình thực hiện triển khai thi công xây dựng dự án Vũng Tàu Gateway khi quy hoạch chưa được điều chỉnh và cũng chưa hoàn thành các thủ tục về đầu tư xây dựng. Hiện tại dự án đã xây dựng được khoảng 14 tầng.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM thì việc để ra sai phạm như trên là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng mà cụ thể là trách nhiệm của Sở Xây dựng và UBND TP.Vũng Tàu đã không kiểm tra và xử lý, để cho chủ đầu tư vi phạm, ngang nhiên hoạt động trong nhiều tháng nhưng lại không được xử lý dứt điểm.
Cũng theo luật sư Phượng thì để xử lý những trường hợp này, Sở Xây dựng, UBND TP.Vũng Tàu cần đình chỉ thi công và đề nghị chủ đầu tư phải có giấy tờ pháp lý về xây dựng trong thời hạn quy định, trường hợp quá thời hạn không xuất trình được thì phải tiến hành tháo dỡ công trình, cố ý không thực hiện thì bị cưỡng chế theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Trao đổi với PV Thời Đại, lãnh đạo Sở Xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Trước đó, Sở này đã tiến hành xử phạt, đình chỉ công trình, yêu cầu DIC Corp ngừng thi công. Theo đó, khi dự án xây dựng đến tầng 4 thì đã bị xử phạt và sau đó nhiều lần bị đình chỉ thi công. Thế nhưng không hiểu sao DIC Corp vẫn “cứng đầu” chưa chấp hành.
Vậy tại sao DIC Corp lại có thể vi phạm xây dựng không phép tại một dự án “siêu khủng” xây đến tầng 14 trên diện tích cả chục ngàn m2 ngay giữa trung tâm TP.Vũng Tàu? Thế lực nào đang đứng đằng sau “chống lưng” để DIC Corp có thể “ngồi xổm” trên pháp luật như vậy?
Để rộng đường dư luận, đề nghị cơ quan chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào cuộc xác minh làm rõ, xử lý nghiêm những dấu hiệu sai phạm và trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan đến dự án Vũng Tàu Gateway.
Báo Thời Đại sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Bài và ảnh Khánh Ngọc