Bà Hồ Ngọc Lâm tham gia soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai với tư cách cá nhân hay đại diện Vingroup?
Ngày 14/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 2080/QĐ-BTNMT, thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia và ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Điều đáng chú ý, trong phụ lục kèm theo quyết định trên có bà Hồ Ngọc Lâm và được ghi rõ chức danh là Trưởng Ban pháp chế của Tập đoàn Vingroup tham gia trong nhóm chuyên gia soạn thảo dự án luật sửa đổi.
Chức danh của bà Hồ Ngọc Lâm được ghi rõ là trưởng ban pháp chế tập đoàn Vingroup tham gia xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. |
Theo Quyết định của Bộ Tài nguyên - Môi trường, nhóm chuyên gia nói trên có trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn ban soạn thảo, tổ biên tập và tham gia góp ý trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Ban soạn thảo, tổ biên tập có trách nhiệm phối hợp đơn vị được giao chủ trì soạn thảo và các đơn vị có liên quan để hoàn thành việc soạn thảo dự án luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ và các thủ tục do pháp luật quy định để trình Chính phủ và Quốc hội.
Tuy nhiên, vào ngày 20/8 đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, bà Hồ Ngọc Lâm tham gia với tư cách cá nhân, không đăng ký dưới tư cách đại diện Vingroup. Hiện tại, bà Hồ Ngọc Lâm cũng đã xin rút khỏi danh sách nhóm chuyên gia. Ở một diễn biến khác, trả lời trên báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định tư cách của bà Lâm là tư cách cho một doanh nghiệp. Cụ thể, ông Chính cho hay: "Vingroup nói bà Lâm tham gia với tư cách cá nhân là không đúng. Tư cách chuyên gia của bà Hồ Ngọc Lâm là tư cách cho một doanh nghiệp. Tôi cho là như thế cũng không có vấn đề gì. Vì Tổ chuyên gia chỉ tư vấn cho Ban soạn thảo và Tổ biên tập chứ họ không soạn thảo hay biên tập trong quá trình xây dựng luật".
Theo chia sẻ của một giám đốc công ty phân phối và phát triển bất động sản tại Hà Nội thì hàng trăm nghìn căn hộ khách sạn condotel, officetel... cùng rất nhiều các vấn đề chưa được tháo gỡ hiện nay đang trông chờ Luật Đất đai sửa đổi sẽ có tương lai rõ ràng hơn về pháp lý nên đó là nguồn thu cực lớn mang đến cho một số tập đoàn bất động sản. "Ở việc xây dựng một dự thảo luật thì bên cạnh việc Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu để đưa ra dự thảo cần phải xin ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các hiệp hội, doanh nghiệp… Việc lấy ý kiến như thế là bình thường tuy nhiên đại diện của Vingroup tham gia dù với tư cách cá nhân hay doanh nghiệp cũng khiến nhiều người nghi ngại về tính khách quan trong các ý kiến được đưa ra". Vị này cho biết thêm.