Ba chị em dìu nhau vào giảng đường đại học
Những ngày đầu tháng 9, trời Huế buông nắng gắt. Trong căn phòng nhỏ, oi bức của ngôi nhà tình thương vốn sập xệ vì không được tô trét hoàn chỉnh, Võ Thị Huệ (21 tuổi) cùng 2 người em song sinh là Võ Thị Thanh và Võ Nhật Thiện (18 tuổi) vẫn miệt mài thêu từng đường kim, mũi chỉ lên những chiếc nón lá, kiếm tiền cho ngày đầu bước vào giảng đường đại học.
Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt hằn lên bao nỗi lo toan cho chặng đường dài phía trước, Huệ nhỏ nhẹ từng lời từ tốn khi nhắc lại quá khứ không niềm vui của mình cùng gia đình.
Huệ kể, gia đình không ruộng vườn, là hộ nghèo của làng Trúc Lâm (phường Hương Long, TP. Huế) nên bố mẹ em đã lấy nghề vác gỗ thuê và làm than để kiếm tiền nuôi 5 người con ăn học. Nhưng do lao động ở môi trường nặng nhọc nên không lâu sau ông Võ Nhật Thống (bố Huệ) bị thoái hóa cột sống, từ đó không thể lao động nặng được nữa.
Mọi chi tiêu trong gia đình đều dồn lên đôi vai người mẹ. Từ công việc làm than độc hại, bà Lê Thị Ty chuyển sang nghề buôn ve chai. Tuy nhiên, cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình 7 miệng ăn. Thương mẹ sớm tối vất vả, năm 2005, Huệ dừng việc học khi chương trình lớp 7 vẫn dở dang để lên thành phố, giúp việc nhà cho người ta với mong muốn kiếm tiền phụ giúp các em ăn học.
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng 3 chị em Huệ cùng vượt khó để đỗ vào đại học.
Ba năm làm công, tưởng chừng giấc mơ giảng đường đã không còn trong tâm trí của cô học trò. Nhưng nhìn thấy bè bạn được đến trường, Huệ bấy giờ chỉ biết khóc thầm và không ngừng nuôi ý nghĩ một ngày nào đó sẽ được trở lại trường.
"Không khi nào em thôi không nghĩ đến việc sẽ quay lại trường để tiếp tục được học", Huệ nhớ lại và cho biết, thời điểm em quyết định đi học tiếp, bố mẹ vẫn chưa đồng ý vì hoàn cảnh còn khó khăn. Nhưng may mắn em nhận được sự giúp đỡ của ông bà chủ (nơi Huệ làm thêm), xin cho Huệ có thể quay lại trường tiếp tục chương trình lớp 7, chung lớp với hai người em song sinh.
Dù bận rộn với bài vở nhưng ngoài giờ học, Huệ vẫn tranh thủ đạp xe cả chục cây số để đến chỗ làm công thêm một năm nữa. Nhiều lúc Huệ đến trường trong tình trạng sốt cao, chảy máu cam và ngất do kiệt sức nhưng chưa bao giờ em có ý định bỏ học.
Năm 2012, Huệ thi đỗ vào lớp chọn Địa lý, trường THPT chuyên Quốc học Huế. Nhiều thầy cô biết hoàn cảnh của Huệ nên thường xuyên thăm hỏi và động viên để em học tốt. Chính vì thế, Huệ luôn đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia môn Địa lý.
Ngoài thời gian học ở trường, Huệ tranh thủ học thêm cách thêu chỉ, cảnh vật lên nón lá Huế rồi dạy lại cho các em làm kiếm thêm thu nhập, phụ mẹ lo cho việc học của 5 người con. "Mỗi ngày, 3 chị em hì hục thêu được hơn 20 cái nón lá từ sớm đến chiều. Sau khi trừ tiền chỉ thêu cũng kiếm được gần 40.000 đồng tiền công", Huệ tâm sự.
Việc ngồi hàng giờ để xâu kim, thêu từng đường kim, mũi chỉ và áp lực từ việc học sao cho có nhiều thời gian rảnh nhất để cùng các em phụ giúp việc cho gia đình khiến đôi mắt của Huệ ngày một kém đi. Em không còn có thể tự xâu kim hay nhìn rõ mặt chữ như trước nữa. Mỗi lần bắt tay vào công việc thêu thùa, Huệ phải nhờ sự giúp sức của cậu em út đang học lớp 8 giúp luồn chỉ qua lỗ kim.
Huệ cẩn thận trong từng đường kim, mũi chỉ với mỗi chiếc nón trước khi giao hàng cho chủ.
Niềm vui đến cùng nỗi lo của gia đình nghèo khi cả 3 chị em đỗ vào đại học cùng lúc. Để không phải đóng học phí như người anh vừa tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán, Huệ dự thi khối D và đăng ký nguyện vọng vào khoa Địa lý của trường Đại học Sư phạm Huế với số điểm 22,5; cô em Thanh đỗ vào khoa Du lịch (Đại học Huế) với số điểm 23. Riêng người em trai song sinh cùng Thanh là Võ Nhật Thiện đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng với số điểm 23,25.
Để có tiền cho Thiện vào Đà Nẵng nhập học và lo chi phí ăn ở, vợ chồng ông Thống chạy vạy vay số tiền 5 triệu đồng cho con trong thời gian đầu xa nhà.
Về phần mình, dù đỗ vào ngành sư phạm nhưng Huệ vẫn tâm sự về ước mơ mà em từng ấp ủ là ngành Y đa khoa. Nhưng, một lần nữa người chị phải gạt đi ước mơ và chọn trường không phải đóng học phí để bớt, đi nỗi lo cho bố mẹ.
"Em sẽ cố gắng tìm việc làm thêm trong những tháng ngày là sinh viên để có thể phụ giúp gia đình, kiếm tiền lo cho các em", Huệ chia sẻ về dự định sắp tới của bản thân.
Nói về người bạn thân, nữ sinh Trần Thị Thủy Tiên (vừa đỗ ngành Y đa khoa, Đại học Y dược Huế) bộc bạch: "Huệ là một cô gái hiền lành, giàu nghị lực, học rất tốt các môn. Nhiều lần Huệ chia sẻ với bạn bè về mong muốn được theo đuổi nghề y. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình không cho phép nên Huệ đành phải lựa chọn sang một hướng khác. Bạn bè ai cũng cảm thấy tiếc cho bạn ấy".
Suốt những năm cấp 3, Võ Thị Huệ với thành tích học xuất sắc đã đạt được nhiều giải thưởng: giải khuyến khích Địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực duyên hải và Đồng bắc Bắc Bộ (năm lớp 10); 2 giải nhì kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia (năm lớp 11 và 12).
Theo VnExpress