Át chủ bài hồi sinh Venezuela
"Vị cứu tinh" không có thật
Tọa lạc trên một vùng đất hoang sơ ở trung tâm đất nước, Atapirire là thị trấn duy nhất trong khu vực mà chính phủ Venezuela khẳng định có tới 5 tỉ thùng dầu đang "ngủ yên". Chính quyền nước này đã gọi lượng dự trữ dầu ấy là cơ sở cho đồng tiền ảo có tên "petro" mà ông Maduro đã cho ra mắt vào hồi tháng 2.
Trong tháng 8, tổng thống Maduro cam kết đồng petro sẽ là "cứu tinh" - chìa khóa cho kế hoạch phục hồi nền kinh tế chịu vô số khủng hoảng của đất nước Venezuela.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên Reuters, cư dân Atapirire cho biết chính phủ chưa có bất kì động thái nào trong việc xử lí khối dầu mỏ khổng lồ kia. Người dân cũng chẳng mấy hi vọng sẽ trở thành thị trấn đầu tiên chứng kiến cuộc cách mạng tài chính.
Một máy bơm dầu ngừng hoạt động từ lâu tại Atapirire, Venezuela. Ảnh: Reuters
"Không có dấu hiệu nào của đồng petro ảo," bà nội trợ Igdalia Diaz nói. Sau đó, bà tiếp tục than vãn về những ngôi trường tồi tàn trong thị trấn, những con đường gồ ghề, cảnh mất điện thường xuyên và nạn đói hoành hành không biết bao giờ mới chấm dứt.
Suốt 4 tháng tìm hiểu, phóng viên Reuters dường như chưa gặp người dân Venezuela nào biết tới sự tồn tại của đồng tiền ảo petro. Gặp những chuyên gia về tiền ảo, tới các khu dự trữ dầu mỏ theo như chính quyền cam kết, tham khảo dữ liệu giao dịch tiền ảo cũng không đem lại nhiều dấu hiệu khả quan.
Theo đó, đồng tiền này không được bán trên bất kì kênh giao dịch lớn nào. Không cửa hàng nào chấp nhận tiền petro.
Trong khi đó, các quan chức chính phủ Venezuela liên tiếp đưa ra những tuyên bố trái ngược. Tổng thống Maduro khẳng định tổng giá trị bán ra của đồng petro đã đạt mức 3.3 tỉ USD và đồng tiền này đang được sử dụng để mua hàng nhập khẩu.
Nhưng Hugbel Roa, Bộ trưởng liên quan tới dự án tiền ảo, cho biết công nghệ phát triển đồng petro vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện và "chưa ai có thể sử dụng đồng tiền này".
Xe cứu thương xịt lốp trước, mất bánh sau, không ai sử dụng. Ảnh: Reuters
Bộ phận Giám sát Tài sản Ảo của chính phủ Venezuela cũng là một bí ẩn khác. Mới đây, khi tới Bộ Tài chính Venezuela - nơi được cho là có văn phòng của Bộ phận Giám sát - phóng viên Reuters nhận được câu trả lời rằng cơ quan "chưa có sự hiện diện tại đây".
Cung lúc, lãnh đạo bộ phận Joselit Ramirez không trả lời tin nhắn được gửi tới thông qua các kênh. Các cuộc gọi tới Bộ Công nghiệp Venezuela và email tới Bộ thông tin Venezuela cũng không có lời hồi đáp.
Hoài nghi về tiền ảo
Đầu tháng này, ông Maduro tuyên bố rằng tiền lương, lương hưu và tỉ lệ giao dịch của đồng Bolivar cũ sẽ gắn liền với đồng petro. Động thái này khiến người dân Venezuela, các nhà kinh tế học và những chuyên gia tiền ảo bối rối bởi mối liên kết petro - bolivar là điều bất khả thi.
"Không thể nào gắn giá trị tiền tệ vào một đồng tiền ảo không ai giao dịch, chính xác hơn bởi vì không có cách nào để biết cách định giá nó," Alejandro Machado, một nhà khoa học công nghệ máy tính và nhà tư vấn tiền ảo, đánh giá.
Tổng thống Maduro từng cam kết rằng tiền ảo - loại tiền cho phép các giao dịch thương mại được thực hiện trong bí mật - sẽ giúp Venezuela vượt qua cấm vận kinh tế Mỹ và tăng giá trị đồng tiền thật.
Chính phủ Venezuela gắn giá trị đồng petro với giá một thùng dầu - hiện đang ở mức 66 USD - và cam kết sẽ củng cố đồng tiền này với trữ lượng ở khu vực rộng 380 km2 bao quanh Atapirire. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 3 đã cấm người Mỹ mua bán và sử dụng đồng petro này.
Trại cá đã đóng cửa tại Atapirire. Ảnh: Reuters
Các nhà phân tích hoài nghi về lời tuyên bố của ông Maduro rằng đồng petro đã đem lại hàng tỉ USD tiền mặt.
"Chúng tôi không thấy bằng chứng về việc bất kì ai giao dịch đồng petro, hay nó đã được giao dịch trên bất kì sàn nào," Tom Robinson, một chuyên gia thuộc công ty tiền ảo tại London, cho biết.
Dầu mỏ là trụ cột của nền kinh tế Venezuela. Tuy nhiên, việc gắn liền đồng petro với dầu mỏ có sự khác biệt so với những vật chất khác.
Hồi năm 2017, công ty Royal Mint công bố đồng tiền ảo gắn liền với vàng có tên RMG. Một số tiền ảo gắn với kim cương khác cũng đã được đưa vào giao dịch. Những dạng vật chất này đều sẵn có và có tính thanh khoản cao. Trong khi đó, lượng dầu mỏ được cam kết bởi ông Maduro vẫn nằm sâu dưới lòng đất và chưa có dấu hiệu được khai thác.
Ngoài ra, cho dù vùng đất quanh Atapirire có chứa bao nhiêu dầu đi chăng nữa, thì chính quyền cũng thiếu những cơ sở hạ tầng thiết yếu để đưa dầu lên.
-
Venezuela giữa những "ngày tận thế": Thiếu điện, mất nước, đến thịt ôi thiu cũng cháy hàng
Francisco Monaldi, một giảng viên người Venezuela tại Đại học Rice (Houston), đánh giá:
"Không có kế hoạch đầu tư nào cho khu vực này và không có lí do gì để tin rằng nó sẽ phát triển trước những khu mỏ khác với điều kiện tốt hơn. Nơi này còn quá thiếu đường xá, đường ống dẫn và máy phát điện."
Trong khi đó ở Atapirire, cư dân nói họ cảm giác như đã bị quên lãng.
Một trại nuôi cá từng tạo việc làm cho nhiều người giờ đã bị bỏ hoang từ lâu. Trạm xá của thị trấn không có bác sĩ hay xe cứu thương nào hoạt động.
Đầm cá cạn khô sau đợt khủng hoảng kinh tế. Ảnh: Reuters
Cô giáo Rosa Alvarez cho biết một nửa số học sinh lớp 1 của cô đã không đi học nữa vì thiếu thực phẩm và trường học không còn cấp những bữa ăn theo diện trợ cấp chính phủ.
Cô cho biết chính quyền không còn lắng nghe lời yêu cầu của người dân. Nhưng hồi tháng 5, Bộ Giáo dục Venezuela yêu cầu các giáo viên giảng dạy về sự tiến bộ của đồng tiền ảo mới có tên petro.
Alvarez băn khoăn: "Tôi không biết phải giải thích như thế nào cho các em học sinh khi chẳng ai nói cho tôi petro là cái gì. Tôi mua petro bằng hình thức nào? Và bằng cái gì?"
Tất Đạt