ASEAN cảnh giác và cứng rắn trước hạn chót đàm phán COC với Trung Quốc
Thông tin từ SCMP cho hay, các nước thành viên ASEAN đang tăng cường cảnh giác và có những động thái phối hợp mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hạn chót để đàm phán Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc đang đến gần.
Malaysia đã có động thái cứng rắn khi Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah gọi đường 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vẽ ra nhằm yêu sách phần lớn diện tích Biển Đông là một thứ "nực cười".
Hồi đầu tháng 12, Malaysia cũng đã đệ trình hồ sơ giới hạn vùng thềm lục địa kéo dài hơn 200 hải lý của nước này lên Ủy ban Giới hạn vùng thềm lục địa của Liên Hợp Quốc.
Malaysia tuyên bố hồ sơ mới đệ trình là những gì xứng đáng thuộc về nước này và sẽ bảo vệ tuyên bố về vùng thềm lục địa đến cùng, bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc.
Tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông. (Ảnh: Xinhua) |
Về phía Philippines, bất chấp lập trường gần gũi với Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Duterte, chính quyền nước này cũng đã công bố kế hoạch tham vọng nhằm mở rộng lực lượng phòng vệ bờ biển.
Theo Inquirer, Manila mong muốn tăng cường 10.000 binh sĩ cho lực lực này cho đến cuối năm 2020, và mục tiêu cho đến hết năm 2025 là tăng thêm 45.000 nhân lực cho lực lượng bảo vệ bờ biển.
Trong khi đó, vào hồi tháng 10, Việt Nam cũng đã công bố Sách trắng quốc phòng, lần đầu tiên kể từ năm 2009. Sách trắng quốc phòng của Việt Nam nêu lên quan ngại trước các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là các hành vi đơn phương vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam, cũng như đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Các chuyên gia quốc tế nhận định Trung Quốc sẽ khó có thể đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước các động thái mới đây từ phía các nước láng giềng. Bắc Kinh đang phải đối phó với áp lực quốc tế liên quan tới vấn đề Tân Cương, cuộc biểu tình tại Hong Kong, cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, đi cùng với nền kinh tế giảm tốc gây ra sức ép về đối nội.