Apple đang dần thất trận?
Theo hãng tin CNN, Apple đã thất bại trong việc giữ vững vị thế của mình trước các đối thủ tại những thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và thậm chí là Châu Á, nơi có mức độ tăng trưởng doanh số bán điện thoại thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
"Nếu nhìn vào những thị trường Phương Tây, rõ ràng chúng đã vào giai đoạn bão hòa khi hầu như ai cũng có smartphone", chuyên gia phân tích Kkiranjeet Kaur của hãng nghiên cứu IDC nhận định. Thêm vào đó, khách hàng của các nước đã phát triển cũng chờ lâu hơn trước khi mua mới.
Ngược lại, những thị trường mới nổi và đang phát triển lại là miếng bánh béo bở cho Apple khi nhu cầu sử dụng điện thoại và mua mới smartphone là rất lớn. Hàng triệu người tại đây chưa bao giờ có smartphone nhưng có vẻ Apple đang bỏ lỡ mất cơ hội này.
Thống kê mới nhất cho thấy Apple chỉ chiếm 2% doanh số bán điện thoại tại Ấn Độ và khoảng 8-10% tại Trung Quốc, những thị trường smartphone tiềm năng nhất thế giới. Số liệu của IDC cũng cho thấy Apple chiếm thị phần khá nhỏ tại nhiều nước Châu Á khác như 5% doanh số tại Việt Nam, 8% tại Thái Lan và chỉ 1% ở Indonesia.
Thế lực Trung Quốc
Ngoài đối thủ truyền kiếp Samsung, Apple hiện đang phải đối mặt với hàng loạt nhà cạnh tranh mới đến từ Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo hay Xiaomi.
Số liệu của Canalys cho thấy những đối thủ này đều đã vượt Apple và kiểm soát tổng cộng 80% thị trường Trung Quốc. Tồi tệ hơn, Huawei đánh bật Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới sau Samsung.
Lý do chính của tình trạng này là sự bùng nổ công nghệ mới từ các hãng Trung Quốc đã làm thay đổi thị trường di động cấp cao. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể khiến Apple gặp khó hơn nữa khi lượng smartphone tiêu thụ trong quý i/2018 giảm mạnh kỷ lục.
Thị trường Ấn Độ
Mức giá quá cao của Apple đang gây cản trở cho hãng này ở thị trường Ấn Độ, nơi có đến 800 triệu người chưa từng dùng Internet và rất nhiều khả năng họ sẽ trải nghiệm chúng thông qua smartphone.
Số liệu thống kê cho thấy mức giá iPhone ở đây thuộc hàng cao nhất thế giới khi những khoản thuế đẩy giá lên tới 1.700 USD cho mỗi chiếc iPhone X.
Con số này nằm ngoài tầm với của hầu hết người dân Ấn Độ khi họ có mức thu nhập bình quân chưa đến 2.000 USD/năm. Thậm chí nhiều người còn không dám chi tiêu quá nhiều cho truyền hình cáp hay những nhu yếu phẩm hàng ngày thì làm sao có thể mua một chiếc điện thoại đắt đỏ như iPhone.
Năm 2017, Apple đã mở một nhà máy tại Bangalore để sản xuất những bộ phận công nghệ thấp nhằm tránh thuế và hạ giá thành. Dẫu vậy những dòng sản phẩm chủ lực như iPhoen X hay iPhone 8 vẫn được nhập khẩu từ nước ngoài.
Trái ngược lại, Samsung và Xiaomi hầu như sản xuất điện thoại của họ tại các nhà máy Ấn Độ cho thị trường này. Hiệu quả là trong những tháng gần đây, các nhà máy của họ phải tăng gấp 2, gấp 3 lần công suất để đáp ứng nhu cầu và nghiễm nhiên thống trị thị trường.
Thậm chí tại phân khúc khách hàng siêu giàu, Apple cũng mất vị thế vào tay OnePlus của Trung Quốc. Đây là điều đáng báo động khi giới nhà giàu Ấn Độ tăng trưởng 20%/năm, cao hơn nhiều mức 13% trên toàn cầu và là thị trường đầy hứa hẹn cho các hãng smartphone.
Rõ ràng, việc từ bỏ phân khúc giá rẻ và tầm trung là một chiến lược mạo hiểm khi nhiều khách hàng thích iPhone nhưng không sẵn sàng bỏ ra quá nhiều tiền đến vậy. Trong khi đó, cuộc chiến ở phân khúc hạng sang cũng chưa chắc đem đến thắng lợi hoàn toàn cho Apple.
"Việc bỏ mặc những phân khúc này có lẽ không phải là quyết định khôn ngoan nhất", chuyên gia Kaur của IDC nhận định.
AB