Áp lực của bài thi tổ hợp
Thậm chí có giáo viên cho thấy kẽ hở khi sử dụng một phiếu trả lời trắc nghiệm chung cho 3 môn.
Áp lực về thời gian
Nhận định về đề thi của bài tổ hợp khoa học tự nhiên lần đầu tiên áp dụng, các giáo viên đều có đánh giá cao về mức độ phân hóa của đề thi từng môn. Tuy nhiên, tất cả đều có chung một nhận xét là phải giải 40 câu hỏi trong thời gian 50 phút thực sự là một thử thách đối với thí sinh (TS). Trong đó có những câu hỏi rất dài, chỉ đọc đề thôi TS đã mất một phút.
Đây cũng là chia sẻ của không ít TS. Nguyễn Thúy Vy, Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM), cho biết: “Ở môn thi đầu tiên là môn lý, tiếc là không phải môn em xét ĐH, nên em làm chơi chơi, đợi đến môn hóa và sinh. Sau khi làm xong môn hóa thì em cảm thấy mệt, vì thế ảnh hưởng rất nhiều đến môn sinh. Em ước gì môn sinh là môn thi đầu tiên”.
Còn Trần Văn Sáng, học sinh Trường THPT Tân Phong (Q.7, TP.HCM), chia sẻ: “Em dự định xét tuyển 3 môn toán - hóa - sinh nên không chú tâm quá nhiều vào môn vật lý. Tuy nhiên khi làm bài em vẫn bị nhầm lẫn kiến thức của 2 môn vật lý và hóa học vì 2 môn này có nhiều kiến thức gần giống nhau”.
Về đề thi môn sinh, ông Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng với mức độ câu hỏi như vậy, mặc dù quen thuộc nhưng với áp lực thời gian chỉ trong 50 phút nếu TS không có cách thức phân bổ thời gian một cách hợp lý thì để giải quyết được 100% câu hỏi đúng không phải là dễ dàng đối với TS.
Với đề môn vật lý, một giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng cho rằng, do có sức ép về mặt thời gian hơn so với các năm trước nên TS xuất sắc mới có khả năng đảm bảo đủ thời gian, những TS ở mức thấp hơn sẽ phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành bài thi của mình.
Bà Phạm Thu Hằng, nguyên giáo viên môn sinh Trường THPT Tân Bình (TP.HCM), cũng công nhận, bài thi tổ hợp có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý TS ở chỗ, nếu môn đầu tiên làm không tốt, sẽ ảnh hưởng tâm lý làm bài môn thứ hai. Môn thứ hai tiếp tục làm không tốt thì môn thứ ba sẽ gặp nhiều khó khăn. “Thi tổ hợp giảm thời gian đi lại của TS và giảm công sức tổ chức, nhưng không có lợi về mặt sức khỏe và chuyên môn, không phát huy hết được năng lực của các em cho từng môn”, bà Hằng nhận định.
Tại điểm thi Trường THPT dân lập Văn Hiến (tỉnh Đồng Nai), ông Bạch Thanh Lụa, trưởng điểm thi, cho rằng việc thi tổ hợp 3 môn gây ra áp lực không nhỏ đối với TS. Khi thi môn sinh, một số TS đã có dấu hiệu mệt mỏi vì phải làm kiến thức cả 3 môn.
Tuy nhiên, ông Đỗ Thành Triết, nguyên Tổ trưởng tổ sinh học Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM), thì cho rằng những TS học khá sẽ thích cách thi này vì không phải căng thẳng chờ đợi từng buổi. Trong khi học sinh trung bình, dù có tổ chức mỗi môn thi một buổi, thì cũng không thay đổi được gì.
Nên có 3 phiếu trả lời thay vì một phiếu
Bất lợi nhất của cách thức thi bài tổ hợp như hiện nay, theo ông Đặng Văn Thành, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, là việc sử dụng chung một phiếu trả lời trắc nghiệm cho cả 3 môn. Điều này gây bất công cho TS thi môn cuối cùng để xét tuyển ĐH.
Ông Thành ví dụ: “Với những TS xét tuyển khối A, thì môn lý và hóa làm trước, sẽ có lợi rất nhiều. Đến môn sinh, TS chỉ cần làm nhanh để không bị điểm liệt. Thời gian còn lại, các em hoàn toàn có thể quay lại giải quyết mấy câu khó của 2 môn trước. Dù đề đã nộp, thì TS vẫn có thể nhớ, vì thường những câu khó các em sẽ nhớ rất rõ. Như vậy TS thi môn sinh để xét ĐH khối B sẽ rất thiệt thòi, vì là môn cuối cùng, tâm lý đã mệt mỏi, lại không còn thời gian để chỉnh sửa”.
Từ đó, ông Thành đề nghị mỗi môn có một phiếu trả lời riêng và thi xong môn nào sẽ nộp cả đề lẫn phiếu trả lời để đảm bảo công bằng cho tất cả TS.
7 mã đề vật lý phải đính chính
Trong buổi thi bài thi tổ hợp sáng 23.6, có 7 mã đề thi môn vật lý phải đính chính. Xung quanh vấn đề này, Bộ GD-ĐT giải thích: Theo quy trình, sau khi chuyển bản gốc của đề thi chính thức cho các ban in sao đề thi trong cả nước, tổ ra đề thi môn vật lý đã tiếp tục rà soát tất cả các đề thi và phát hiện một lỗi kỹ thuật ở 7/24 mã đề thi môn vật lý.
Ngay sau đó tổ ra đề thi đã gửi kèm bản đính chính cho tất cả các ban in sao đề thi để kịp in sao cùng với đề thi. Đề thi và đính chính được giám thị phát cho TS cùng một thời điểm. “Việc này không ảnh hưởng đến việc làm bài của TS, đồng thời không gây lãng phí và phức tạp trong việc in sao đề thi”, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định.
Theo Thanh Niên