Áo dài Việt - góc nhìn từ Hanbok
Tiến sĩ Phan Thanh Hải chia sẻ câu chuyện phát triển thương hiệu áo dài tại một hội thảo. |
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã so sánh việc phát triển thương hiệu quốc gia cho áo dài với Hanbok như thế trong câu chuyện tìm cách phục hưng và phát triển mạnh mẽ áo dài. Hơn thế là có thể đưa áo dài trở thành một sản phẩm tiêu biểu của ngành công nghiệp sáng tạo, văn hóa. Vừa trở về từ chuyến công tác Hàn Quốc sau khi tham dự sự kiện triển lãm Hanbok theo lời mời của Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc, ông Hải cho hay đã rất bất ngờ và ấn tượng về cách làm bài bản, chuyên nghiệp của họ.
Tại hội thảo “Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO và khả năng chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa ở Huế”, ông Hải kể lại, triển lãm đã thu hút hơn 100 công ty chuyên thiết kế loại hình trang phục này và các phụ kiện liên quan. Họ mang đến đó các sản phẩm hết sức đa dạng từ Hanbok kiểu truyền thống cho đến kiểu cách tân pha trộn truyền thống, kiểu cách tân hiện đại, các phụ kiện như mũ, khăn, giày dép, túi đeo, túi xách tay, trâm, kẹp cài tóc, đuôi tóc giả… Các sản phẩm này dành cho cả nam và nữ, từ trẻ em, thanh niên, trung niên cho đến người lớn tuổi.
Từ sự kiện này, ông Hải nhận định, người Hàn Quốc đã xem Hanbok như là niềm tự hào nên họ đã làm một cách bài bản để giáo dục truyền thống, quảng bá du lịch. Vì thế dù ít được sử dụng trong đời sống thường nhật như áo dài người Việt, nhưng Hanbok vẫn tạo dựng được thương hiệu nổi tiếng, trở thành hình ảnh ấn tượng trên trường quốc tế.
Áo dài Việt trong đời sống hiện nay. |
Quan trọng hơn, chính quyền Hàn Quốc hiểu rõ giá trị thương hiệu Hanbok và luôn hỗ trợ tích cực cho công cuộc phục hồi loại hình trang phục này, đồng thời chủ động xây dựng thương hiệu và quảng bá Hanbok. Họ khuyến khích và luôn đồng hành cùng các nhà thiết kế, đội ngũ nghệ nhân trong công cuộc phát triển Hanbok, luôn xem Hanbok là một sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc thù, là thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, họ luôn tận dụng tối đa thế mạnh công nghệ để hỗ trợ công cuộc phục hồi và lan tỏa Hanbok thông qua công nghệ số. Theo ông Hải, những gì “mắt thấy tai nghe” từ Hanbok của Hàn Quốc được xem như là bài học vô cùng quý giá trong việc đưa áo dài Việt trở thành một sản phẩm tiêu biểu của ngành công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa.
Trước mắt, ông Hải cho rằng, cần chính thức công nhận và vinh danh áo dài với tư cách là một di sản văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc, cần đưa áo dài vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với một số tiêu chí nổi bật. Liên quan đến việc này, ông Hải cho biết, đầu năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình hồ sơ lên Cục Di sản văn hóa để đề nghị ghi danh áo dài với hai tiêu chí: Nghề may đo áo dài ngũ thân và tập quán sử dụng áo dài của người Huế. “Về lâu dài, hoàn toàn có thể lập hồ sơ áo dài với một số tiêu chí đặc trưng, nổi bật để đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản phi vật thể đại diện. Nhưng trước hết, chúng ta cần chính thức vinh danh áo dài trong phạm vi quốc gia. Cũng cần nói thêm, vấn đề vinh danh áo dài đã được một số nhà nghiên cứu và cộng đồng quan tâm từ rất lâu”, ông Hải kiến nghị.
Nói thêm về đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” đang được triển khai với nhiều mục tiêu cụ thể và được đánh giá là “một mô hình văn hóa tiêu biểu”, rất đáng biểu dương, nhưng theo ông Hải rất cần một chính sách chung ở tầm quốc gia cho việc phục hưng và phát triển loại trang phục này.
“Cần phải xem áo dài là một di sản quý, là một thương hiệu quốc gia tiêu biểu như cách người Hàn Quốc đã làm với Hanbok, từ đó giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển, nghệ nhân, nguyên liệu, cũng như quảng bá, tổ chức các triển lãm, cuộc thi thiết kế, đẩy mạnh phát triển áo dài…”, ông Hải mong mỏi.
Tôn vinh áo dài Việt Nam tại Washington DC, Mỹ Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, vừa qua Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C đã tổ chức ngày hội “Áo dài – Tinh hoa văn hoá Việt” tại Nhà R – ngôi nhà Việt thân yêu tại Hoa Kỳ. Đây cũng là sự kiện định kỳ hàng tháng theo luân phiên trong khuôn khổ hoạt động của Hội Phu nhân Phu quân ASEAN tại Washington DC, Hoa Kỳ. |
Ấn tượng "Sắc thu Việt - Nhật": Tôn vinh vẻ đẹp áo dài và kimono Chiều 12/10/2023, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tổ chức sự kiện "Sắc thu Việt - Nhật" trình diễn, giao lưu áo dài Việt Nam và kimono Nhật Bản. |
Theo Báo Thừa Thiên Huế online
https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/ao-dai-viet-goc-nhin-tu-hanbok-134070.html