A-235 Nudol vô tình để lộ hạn chế dai dẳng của công nghệ tên lửa Nga
Hệ thống phòng không tầm xa A-235 Nudol là bước tiếp theo của người tiền nhiệm A-135 Amur đang được bố trí quanh Moskva nhằm bảo vệ trái tim nước Nga trước các cuộc tấn công đường không bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Tổ hợp A-235 Nudol sở hữu những tính năng rất ấn tượng như kết nối với đài radar cảnh giới Don-2NP được quản lý bởi hệ thống siêu máy tính Elbrus-3M, đủ khả năng phát hiện vật thể có kích thước chỉ bằng quả bóng golf từ cự ly 2.000 km.
Tên lửa đánh chặn trang bị cho A-235 bao gồm 4 loại, đó là đạn 51T6 tầm bắn lên tới 1.500 km và trần bay trên 800 km; đạn tên lửa 58R6 diệt được mục tiêu ở tầm xa 1.000 km và độ cao 120 km; bên cạnh đó là 2 loại đạn 53T6M và 45T6 tầm ngắn hơn, đánh chặn đối phương ở khoảng cách 350 km và độ cao 40 - 50 km.
Tất cả các loại tên lửa mà A-235 Nudol sử dụng đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để tăng xác suất tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa nhằm vào thủ đô Moskva, khiến nó trở thành loại vũ khí phòng không có sức hủy diệt cao nhất thế giới.
Các loại tên lửa đánh chặn trang bị cho tổ hợp phòng không A-235 Nudol
Tuy nhiên sau khi bước qua giai đoạn choáng ngợp, nếu nhìn kỹ lại thì A-235 Nudol có thực sự thần diệu như những gì người Nga từng công bố?
Đầu tiên, mặc dù kích thước thuộc hàng "siêu khủng" nhưng tầm bắn của tên lửa 51T6 vẫn thua xa SM-3 Block IIB, đạn đánh chặn của Mỹ vươn tới tầm xa 2.500 km, tốc độ 4,5 km/s (ở A-235 Nudol là 3 km/s) trong khi kích thước vô cùng nhỏ gọn, triển khai được từ bệ phóng thẳng đứng Mk 41 tiêu chuẩn, nó chỉ thua 51T6 ở tầm cao mà thôi.
Bí quyết giúp SM-3 Block IIB đạt được những thông số kỹ chiến thuật ấn tượng trên nằm ở công nghệ đánh chặn bằng động năng "hit to kill" nổi tiếng, giúp tên lửa không phải mang theo đầu đạn cỡ lớn mà vẫn đảm bảo tiêu diệt thành công tên lửa đạn đạo của kẻ địch.
Đài radar cảnh giới tầm siêu xa Don-2N
Công nghệ đánh chặn "hit to kill" đang được Nga cố gắng áp dụng trên hệ thống phòng không tầm xa S-500 thế hệ mới, nhưng tổ hợp sử dụng đạn 77N6-N/N1 này tỏ ra "nặng ký" còn hơn cả loại 9M82M trang bị cho Antey-2500, cho nên gần như chắc chắn nó vẫn phải mang theo đầu đạn nổ phá mảnh thông thường.
Đối với A-235 Nudol, hành động lắp đầu đạn hạt nhân cho tên lửa là minh chứng rõ ràng việc Nga vẫn chưa áp dụng công nghệ tiên tiến trên cho nó, mặc dù đảm bảo xác suất bắn rơi ICBM nhưng vẫn ẩn chứa nguy cơ vũ khí hạt nhân nổ ngay trên đất của mình, gây ra những tác hại khôn lường?
Rõ ràng kích thước lớn, cồng kềnh, độ chính xác kém do máy tính xử lý chưa đủ nhanh nhạy buộc phải mang theo đầu đạn hạt nhân chính là hạn chế dai dẳng của công nghệ tên lửa đánh chặn Nga khi so sánh với các nước thuộc khối NATO.
Một vụ thử nghiệm của hệ thống tên lửa phòng không A-135 Amur
Sao Đỏ