8 dự án BOT cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 sẽ được đấu thầu
Các đại biểu quốc hội (ĐBQH) cơ bản tán thành đầu tư các đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông như Tờ trình của Chính phủ. Khẳng định đây là tuyến đường có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế đất nước, khi kết nối Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần lựa chọn phù hợp hình thức đầu tư đối với từng dự án thành phần.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án sẽ được chia thành 11 dự án thành phần và được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, với 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Trong Báo cáo thẩm tra về Dự án này, Ủy ban Kinh tế đã lưu ý, hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT còn nhiều hạn chế, bất cập; đồng thời, kiến nghị Chính phủ cần đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư các dự án thành phần theo hình thức này.
ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang). (Ảnh: ĐBND)
Theo các ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Đỗ Quang Thành (Cao Bằng), trong điều kiện ngân sách khó khăn, nhu cầu đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông rất lớn như hiện nay thì đầu tư theo hình thức BOT là phù hợp. Điều này sẽ góp phần giảm áp lực nợ công. Mặt khác, kết quả giám sát của UBTVQH đối với các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, cũng như thực tiễn tại 55 dự án đang triển khai sẽ là những kinh nghiệm quý giá, giúp khắc phục những tồn tại của hình thức đầu tư BOT để thực hiện các dự án thành phần một cách chặt chẽ, công khai và minh bạch. Bên cạnh hình thức đầu tư này, ĐB Đỗ Quang Thành cũng cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro, bảo đảm lợi nhuận nhà đầu tư, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tạo sự đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, theo báo cáo dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có 8/11 dự án thành phần triển khai theo hình thức BOT. Trước đó, UBTVQH vừa tiến hành giám sát và chỉ ra nhiều sai phạm trong hình thức hợp đồng này, Nghị quyết giám sát mới ban hành nên chưa thể hoàn thiện ngay cơ chế chính sách vì vậy đề nghị Chính phủ trình Quốc hội biện pháp khắc phục những sai sót mà UBTVQH đã chỉ ra. Các biện pháp đó cần phải bảo đảm rõ các tiêu chí để lựa chọn dự án BOT; tiêu chí đánh giá năng lực và lựa chọn nhà đầu tư; quy định BOT chỉ áp dụng với những tuyến đường mới nhằm bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân; đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu; quy định việc tham vấn để lấy ý kiến của người dân; quy định vị trí đặt trạm và công nghệ thu phí.
Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình ý kiến của các ĐBQH. (Ảnh: ĐBND)
Giải trình ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, do kinh phí có hạn nên Dự án được phân kỳ đầu tư và chia thành các dự án thành phần, trong đó ưu tiên những đoạn cao tốc có lưu lượng xe cao. Đối với 8 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ thực hiện đấu thầu toàn bộ các dự án này, nếu đấu thầu lần một không được thì sẽ tiến hành đấu thầu lần 2, lần 3 để có thể lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch.
Thuỳ Linh (t/h)