7 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý
Cụ thể 7 nhóm đối tượng được TGPL gồm: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng; người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
Ngoài ra, nhóm người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính cũng được TGPL: người cao tuổi; người khuyết tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; người nhiễm chất độc da cam/dioxin; người nhiễm HIV/AIDS.
Nhiều đại biểu quan tâm đến việc mở rộng đối tượng TGPL. (Ảnh: Quốc hội)
Tại buổi làm việc sáng nay của kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về việc quy định các đối tượng được TGPL trong dự thảo Luật TGPL. Nhiều đại biểu cho rằng cần mở rộng thêm đối tượng TGPL, bởi 7 nhóm đối tượng được quy định trong dự thảo luật còn bị thu hẹp và chưa cụ thể như người khó khăn về tài chính; hay bỏ qua đối tượng yếu thế như hộ nghèo trong các vụ án hình sự không được TGPL...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc quy định 7 nhóm đối tượng được TGPL trong dự thảo luật đã được báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý các nội dung mà các đại biểu đã góp ý. Về phạm vi người được trợ giúp pháp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định diện người được TGPL cần phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tính khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu để có thể chỉnh sửa, hoàn thiện phù hợp hơn với yêu cầu của cuộc sống.
Minh Duy