6 lý do Chính phủ đề nghị Quốc hội 'cho phép' đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành
Nội dung Tờ trình của Chính phủ cho biết, đến nay căn cứ vào các quy định của pháp luật và tình hình triển khai dự án cho thấy cần thiết phải tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án thành dự án thành phần để thực hiện trước khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm sớm triển khai dự án vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, theo quy định của Luật xây dựng năm 2014, việc phân chia dự án thành phần phải được quy định trong nội dung quyết định đầu tư. Bên cạnh đó theo quy định của Luật đầu tư 2014, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư quan trọng quốc gia sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Theo nghị quyết 94, báo cáo nội dung khả thi sẽ do Quốc hội chấp thuận thông qua. Như vậy Thủ tướng Chính phủ chỉ có thể quyết định việc tách nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, do công tác lập công báo cáo nghiên cứu khả thi chưa hoàn thành nên Chính phủ chưa thể trình Quốc hội để xem xét thông qua.
Thứ 2, Dự án này là dự án quan trọng của Quốc gia, nội dung thu hồi lớn đã có quy hoạch từ năm 2015, ảnh hưởng đến đời sống, tình hình kinh tế xã hội của cộng đồng dân cư địa phương. Việc người dân sống trong vùng dự án không thể đầu tư sản xuất kinh doanh lâu dài, không được xây dựng nhà ở kiên cố, tách hộ do quyền sử dụng đất bị hạn chế bởi quy hoạch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không được đầu tư, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Do vậy việc sớm thực hiện hạng mục thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư của dự án không những để ổn định cuộc sống đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi đồng thời còn để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện dự án.
Thứ 3, theo tiến độ dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019. Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh cần khoảng thời gian ít nhất 3 năm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án, bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện các hạng mục của dự án. Trong trường hợp Quốc hội cho phép tách dự án trước khi thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức công tác giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo các giai đoạn cụ thể và ưu tiên vào khu cần thiết để xây dựng hạ tầng.
Theo tiến độ hiện nay, dự kiến nếu Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2019 thì sớm nhất năm 2020 địa phương mới có thể bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai các bước tiếp theo phù hợp với tiến độ đưa cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác từ năm 2025 theo Nghị quyết 94 của Quốc hội.
Trường hợp không được tách trước báo cáo nghiên cứu khả thi thì sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt dự kiến vào năm 2019 thì tỉnh Đồng Nai mới đủ cơ sở pháp lý để triển khai thu hồi đất giải phóng mặt bằng để thực hiện xây dựng các khu tái định cư và sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 5.000 ha đất, khi đó việc triển khai thi công sẽ phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng.
Nên có thể kéo dài thời gian thực hiện dự án khoảng từ 2-3 năm chưa kể kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng thêm do giá thị trường xung quanh dự án liên tục tăng đồng thời tình trạng đời sống của người dân và học tập, làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp trong vùng dự án thêm nhiều khó khăn. Như vậy việc tách nội dung hạng mục bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư của dự án tại thời điểm này trước khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ giúp dự án đảm bảo tiến độ đề ra trong nghị quyết 94 của Quốc hội. Đồng thời tiết kiệm kinh phí, sớm ổn định đời sống của người dân trong vùng dự án.
Thứ 4, vì dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, việc giao cho địa phương chủ động thực hiện độc lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giúp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, quản lý hiệu quả đất được thu hồi, tránh phát sinh khiếu nại không đáng có liên quan trong quá trình triển khai dự án.
Thứ 5, Về việc huy động và bố trí vốn cho công tác GPMB, bồi thường của dự án: Ngày 10/6/2016, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết 26 về kế hoạch vốn trung hạn trong đó bố trí vốn cho dự án cảng hàng không Long Thành là 5.000 tỷ đồng để thực hiện công tác GPMB. Vì vậy các thủ tục thực hiện giải ngân, vốn đã được Quốc hội thực hiện phê duyệt đáp ứng tiến độ dự án là cần thiết.
Trên cơ sở thông tin điều tra, cập nhật sơ bộ và đơn giá mới nhất của UBND tỉnh Đồng Nai cho thấy tổng kinh phí khái toán của công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 23.000 tỷ đồng trong đó 5.030 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư. Với 5.000 tỷ đồng vốn trung hạn đã được Quốc hội thông qua dành cho công tác GPMB trước mắt tập trung thực hiện việc bồi thường GPMB và xây dựng khu tái định cư. Tiếp theo sẽ tiến hành các trình tự để bồi thường tái định cư để GPMB để triển khai dự án.
Với quy mô 5.000 ha đất với 1.520 ha đất cho quốc phòng, 1.200 ha đất cho hạng mục phụ trợ công nghiệp hàng không và phụ trợ. Trước mắt để giải phóng 1 lần thì cần sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để sử dụng vì thực tế công tác GPMB khó có thể huy động từ nguồn vốn ODA cũng như kêu gọi xã hội hóa. Tuy nhiên có thể hoàn trả 1 phần tiền sử dụng đất từ đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng các công trình thương mại, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, nguồn thu từ việc cho thuê đất ngắn hạn đối với các khu vực chưa triển khai dự án và các hạng mục công trình triển khai. Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội việc xem xét bổ sung, cân đối vốn cho dự án.
Thứ 6, công tác hỗ trợ tái định cư ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện chung của dự án. Với các lý do trên, việc tách nội dung để thực hiện các dự án thành phần và giao cho UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện đối với hạng mục bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án trước khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi là cần thiết.
Thảo Nguyên