5 loại bậc tam cấp giúp người dân Hà Nội, Sài Gòn không lấn chiếm vỉa hè hoạt động thế nào, giá cả ra sao?
Bậc tam cấp là gì?
Bậc tam cấp là bậc bắt đầu cho lối đi vào nhà, đây là một chi tiết rất quen thuộc và phổ biến trong kiến trúc nói chung ở Việt Nam, từ nhà truyền thống cho đến công trình hiện đại.
Theo quan niệm của người xưa, con người là một trong ba yếu tố quan trọng trong thuyết tam sinh: Thiên, Địa, Nhân. Muốn có cuộc sống hài hòa, không tai ương biến cố thì bậc vào nhà cũng phải hòa hợp theo thuyết tam sinh.
Do đó, bậc vào nhà làm theo ba cấp chính: Thiên, Địa, Nhân và được gọi là bậc tam cấp. Với những ngôi nhà có số bậc lớn hơn ba, người ta sẽ xây số bậc theo bội của ba (3,6,9,12...). Tuy nhiên, thường các hộ dân chỉ quan niệm số bậc thang phải là số lẻ, trong phong thủy số lẻ đại diện cho dương, số chẵn đại diện cho âm.
Người dân Hà Nội và những loại bậc tam cấp kiểu mới
Hàng loạt bậc tam cấp ở những tuyến phố chính bị phá bỏ để giành lại lối đi cho người đi bộ. (Ảnh: Định Nguyễn)
Gần hai tuần qua, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã ra quân tuyên truyền, lập biên bản xử phạt với các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hàng loạt bậc tam cấp ở những tuyến phố chính bị phá bỏ để giành lại lối đi cho người đi bộ.
Trong "cơn bão" lấy lại vỉa hè bị lấn chiếm, người dân Hà Nội đã và đang tạo những bậc tam cấp kiểu mới để tiện cho việc kinh doanh và đi lại. Bài viết này sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về cách thức lắp đặt, giá cả của các loại bậc tam cấp mới, từ thô sơ cho đến phức tạp.
Người Hà Nội và những phương án xây bậc tam cấp kiểu mới
Phương án 1: Xây bậc tam cấp mới lùi vào trong nhà
Hộ gia đình này đã nhanh chóng xây bậc tam cấp mới lùi vào trong nhà
Với loại bậc tam cấp này, chủ nhà nên lùi khoảng 1,5m - 2m làm nơi để xe cho khách hàng hoặc xe của gia đình. Khoảng lùi này tùy theo diện tích mà đẩy vào từ 0,8 - 1m.
Bậc tam cấp sẽ được thiết kế bên trong khoảng lùi để lên nhà. Cửa để ngăn bậc tam cấp với trong nhà nên là cửa kính, tạo không gian thoáng và có cảm giác nhà rộng hơn.
Đây là phương pháp truyền thống, sử dụng lâu dài nhưng với những hộ gia đình, ki ốt, cửa hàng có diện tích nhỏ hẹp sẽ không thực sự phù hợp, ngoài ra nếu cho xe máy vào trong nhà cần có đặt thêm ván hoặc bậc tam cấp di động.
Thời gian thi công bậc tam cấp mới lùi vào trong nhà khá nhanh, từ khi xây dựng đến lúc sử dụng được chỉ mất khoảng 1 - 2 ngày. Chi phí tùy theo diện tích, từ 400.000 - 800.000 đồng cả công thợ lẫn vật liệu.
Phương án 2: Bậc tam cấp rời
Bậc tam cấp rời tại một cửa hàng quần áo trên phố Xã Đàn, bên trong phải kê gạch để tránh xê dịch khi có người qua lại
Bậc tam cấp rời khá thô sơ và dễ sử dụng, di chuyển. Loại bậc tam cấp này thường được làm bằng sắt hộp hàn lại, bậc cấp làm bằng tôn. Rất phổ biến ở những thành phố lớn, nơi thềm nhà cao so với mặt đường mà diện tích lại chật hẹp.
Một chủ cửa hàng gò, hàn trên đường Nguyễn Huy Tưởng đang miêu tả cách làm một bậc tam cấp rời kiểu tam giác, có thể dắt xe lên xuống khá thuận tiện
Theo một số người dân, loại bậc tam cấp rời được sử dụng chủ yếu vì không tốn diện tích lại dễ cất vào nhà khi có lực lượng chức năng đi tuần tra. Điểm yếu của loại bậc tam cấp rời là không chắc chắn, dễ bị xê dịch khi dắt xe qua hoặc nhiều người qua lại, hơn nữa trong thời buổi "hở gì mất nấy", nếu không để ý bậc tam cấp rời có thể bị kẻ gian "tiễn" đến hàng nhôm đồng ve chai bất cứ lúc nào.
Bậc tam cấp rời tam giác, có thể đi lại, dắt xe lên xuống khá thuận tiện. Tuy nhiên, vì tính tạm bợ nên không thực sự chắc chắn
Chính vì sự đơn giản, chỉ cần đo chiều cao giữa thềm nhà và vỉa hè rồi đặt làm tại những hàng gò, hàn là có ngay bậc tam cấp rời. Chi phí khoảng 200.000 - 300.000 đồng cho một bậc tam cấp rời.
Phương án 3: Bậc tam cấp di động, có thể gấp lên hạ xuống
Một hộ kinh doanh trên phố Ô Chợ Dừa lắp bậc tam cấp di động có thể gấp lên hạ xuống
Hệ thống bản lề bên trong bậc tam cấp di động
Kèm theo chốt chống dưới vỉa hè, khi tháo ra sẽ hạ sát xuống thềm nhà không gây lấn chiếm cũng như không "ngại" cơ quan chức năng đi kiểm tra (ảnh: Định Nguyễn)
Bậc tam cấp di động, có thể gấp lên hạ xuống phức tạp hơn bậc tam cấp rời ở hệ thống bản lề và thanh chốt sát vỉa hè. Về cơ bản vẫn là sắt hộp được đo đạc chính xác và hàn lại chắc chắn theo cấu trúc hộp chữ nhật hoặc hình vuông.
Bên dưới bậc được kèm theo hai chốt chống dưới vỉa hè có thể tháo lắp khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra hoặc không sử dụng đến, tránh được việc lấn chiểm vỉa hè. Chủ cửa hàng cho biết, bằng bậc tam cấp di động, trước mắt sẽ giải quyết được việc lên xuống cũng như tránh việc bậc thềm cao khiến khách hàng không muốn vào mua hàng.
Ưu điểm của loại bậc tam cấp này chính là tính di động, có thể "hô biến" bất cứ lúc nào mà vẫn đảm bảo không lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, điểm yếu lại nằm ở chốt chống vỉa hè, nếu không may làm mất những chốt này sẽ khá vất vả cho việc đi lại nếu thềm nhà cao.
Tùy vào loại sắt hộp và diện tích, bậc tam cấp di động có giá thành trung bình từ 300.000 - 500.000 đồng cả vật liệu lẫn công lắp đặt.
Phương án 4: Bậc tam cấp ngầm
Bậc tam cấp ngầm ở số nhà 271 Xã Đàn, có thể kéo ra đẩy vào rất linh hoạt và tiện dụng
Theo lời chia sẻ của chủ nhà số 271 Xã Đàn, loại bậc tam cấp ngầm này đã xuất hiện ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc, rất tiện dụng và văn minh nhưng do quá trình đô thị hóa, người dân lấn đất vô tội vạ nên bậc tam cấp ngầm đã bị xóa sổ. Bậc tam cấp ngầm tại nhà ông cũng đã sử dụng được 10 năm nay, tới khi lực lượng chức năng ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ mới có nhiều hộ gia đình cũng học tập làm theo cách này.
Bậc tam cấp sẽ được kết cấu bằng sắt, xây ngầm vào trong thềm nhà. Khi sử dụng, người lôi ra từ thềm, sử dụng xong lại đẩy lại vào bên trong. Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội thì phải lưu ý: bậc tam cấp ngầm chỉ dành cho những gia đình ít sử dụng xe. Đây là phương án phần nào đó gây cản trở cho người đi bộ trên vỉa hè.
Tiện lợi, tốn ít diện tích là ưu điểm của bậc tam cấp ngầm. Tuy nhiên, kết cấu phức tạp cũng như thi công khá mất thời gian lại là nhược điểm. Với bậc tam cấp ngầm sử dụng hệ thống ray trượt nếu để nước vào sẽ rất mau gỉ, gây kẹt cứng rất khó bảo dưỡng.
Thời gian thi công bậc tam cấp ngầm khoảng 2 - 3 ngày, chi phí phụ thuộc vào diện tích và độ phức tạp của kết cấu bên trong, khoảng 600.000 đến vài triệu đồng.
Phương án 5: Bậc tam cấp gấp ngược theo cách làm của người dân Sài Gòn
Ngoài những cách làm phổ biến hiện nay, một số người dân ở đường Tôn Thất Hiệp (quận 11) lại thiết kế bậc tam cấp kiểu bật nắp, gập ngược để đỡ tốn chi phí. Đây là cách làm khá hay và thông minh, đáng để người dân ở các địa phương khác học tập.
Bậc tam cấp ở đường Tôn Thất Hiệp (quận 1) được thiết kế gập ngược cũng khá tiện lợi. (ảnh Tứ Qúy)
Bậc tam cấp gấp ngược có thiết kế khá giống bậc tam cấp di động, nhưng không chia bậc mà có cấu trúc dốc rất thuật lợi cho việc dắt xe máy. Một đầu được gắn chặt vào thềm nhà bằng hệ thống bản lề, liện lợi cho việc gấp ngược lại cũng như chống trộm cắp. Tuy nhiên, nhược điểm là không dùng được với các loại cửa kéo và cửa cuốn.
Ông Đoàn Văn Thông (đường Tôn Thất Hiệp) chia sẻ, việc gập ngược lên xuống này cũng rất tiện lợi và đây là một giải pháp hiệu quả và lâu dài mà không ảnh hưởng gì đến vỉa hè. Theo ông Thông, bậc tam cấp bẻ ngược không ảnh hưởng gì đến việc ra vào nhà mà chi phí xây dựng cũng rẻ chỉ từ 400.000 - 800.000 đồng/bậc tam cấp.
Long.J