4 quốc gia Đông Nam Á lọt vào Top 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất năm 2017
GDP của đất nước châu Phi này được dự đoán sẽ tăng trưởng 8,3% vào năm 2017. Ngược lại, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ là 2,7%. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Ethiopia là nhờ chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, việc vay mượn để cấp tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng lớn của Ethiopia đã dẫn đến gia tăng nợ công hơn 10% GDP trong giai đoạn 2014 – 2016, và hiện tại đã vượt quá 50% GDP của nước này.
Nhiều nền kinh tế đang phát triển có mức nợ công cao, và World Bank quan ngại về vấn đề này vì nó có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng lâu dài.
Triển vọng của nền kinh tế thế giới
Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,7% nhờ sự gia tăng trong công nghiệp sản xuất và thương mại, niềm tin được cải thiện của thị trường và sự phục hồi của giá cả hàng hóa. Thương mại tăng khoảng 4% trong năm 2017, con số này năm 2016 chỉ là 2,4%.
(Nguồn: World Bank)
Tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển
Phần lớn châu Á và châu Phi (màu xanh nhạt trong bản đồ) đang trải qua quá trình tăng trưởng nhanh chóng. Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,1% - nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến.
(Nguồn: World Bank)
Các nền kinh tế phát triển nhanh nhất
Uzbekistan có nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới với mức tăng trưởng dự kiến là 7,6% nhờ giá dầu tăng, tình hình tài chính toàn cầu ổn định, tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực đồng Euro và các chính sách hỗ trợ nói chung giữa các chính phủ của nhiều quốc gia lớn trong khu vực.
Ở vị trí tiếp theo là Nepal với con số được dự báo là 7,5%. Theo World Bank, tăng trưởng của Nepal đã hồi phục mạnh mẽ sau một đợt gió mùa tốt, những nỗ lực tái thiết sau trận động đất năm 2015 và bình thường hóa thương mại với Ấn Độ.
Người hàng xóm của Nepal, Ấn Độ, đứng ở vị trí thứ tư với tốc độ tăng trưởng được dự đoán là 7,2%, một phần là nhờ xuất khẩu tăng và gia tăng chi tiêu của chính phủ.
Trong top 10 còn có các quốc gia khác như Djibouti và Lào (7%) và Campuchia, Philippines và Myanmar (6,9%).
Dù trải qua thời kỳ trì trệ và chuyển đổi kinh tế, Trung Quốc vẫn xếp thứ 16 với mức tăng trưởng 6,5% nhờ tiêu dùng mạnh mẽ và sự phục hồi của xuất khẩu.
(Nguồn: World Bank)
Các nền kinh tế đã phát triển
Các nền kinh tế đã phát triển cũng đang tăng trưởng. Theo World Bank, tăng trưởng của các quốc gia đã phát triển sẽ tăng lên 1,9% vào năm 2017.
Châu Âu đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và tăng trưởng của Mỹ dự kiến sẽ được phục hồi vào năm 2017 và tiếp tục phát triển với tốc độ vừa phải vào năm 2018. Nhật Bản cũng phát triển mạnh mẽ vào đầu năm 2017.
(Nguồn: World Bank)
Sự phục hồi mong manh
Tuy nhiên, World Bank cảnh báo rằng sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu là rất mong manh.
Những hạn chế thương mại mới như lời hứa của tổng thống Donald Trump có thể cản trở thương mại toàn cầu cũng như tình trạng không rõ ràng của các chính sách cũng có thể cản trở đầu tư.
Gia tăng nợ công cũng là một mối quan tâm của World Bank vì điều kiện vay vốn – chẳng hạn như lãi suất – có thể trở nên khó khăn hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia. Nợ chính phủ toàn cầu đã tăng gấp gần 4 lần, từ 12% GDP từ năm 2007 lên 47% GDP vào năm 2016.
Cuối năm 2016, nợ chính phủ đã vượt mức năm 2007 hơn 10% GDP ở hơn 1/2 các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Tình hình cân bằng tài chính – khả năng của một quốc gia để đối phó với sự gia tăng chi phí tài chính – cũng đã tăng hơn 5% GDP so với năm 2007 ở 1/3 các quốc gia này.
(Nguồn: World Bank)
World Bank cho biết các quốc gia hiện nay cần tiến hành cải cách thể chế và thị trường để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. Điều nay sẽ giúp duy trì tăng trưởng dài hạn.
Chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank nói rằng: “Có một tín hiệu đáng mừng là thương mại đang hồi phục. Mối lo ngại chính bây giờ là đầu tư vẫn còn yếu. Để đối phó với vấn đề này, chúng tôi đang chuyển các ưu tiên cho vay của mình sang các dự án có thể khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư kế tiếp.”
Những “cạm bẫy” của việc sử dụng GDP
GDP đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm để đo sự tiến bộ của nền kinh tế. Nhưng nhiều người cho rằng đây không phải là một chỉ số hữu ích. Nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel Joseph Stiglitz, người đứng đầu IMF Christine Lagarde và giáo sư MIT Erik Brynjolfsson đều nói rằng GDP là một chỉ số tồi để đánh giá sự phát triển và tranh luận rằng cần có một sự thay đổi trong cách chúng ta đánh giá sự phát triển kinh tế xã hội.
GDP bỏ qua các yếu tố quan trọng như phúc lợi, sức khỏe và tác động của những vấn đề trọng yếu như thay đổi khí hậu.
K Nguyễn