4 bước chuẩn bị cho việc ‘chốt’ danh sách bầu cử
Ảnh minh họa
Hôm nay chốt danh sách ứng cử, đề cử bổ sung
Do việc đề cử, ứng cử bổ sung có kết quả sớm hơn dự kiến trong chương trình đại hội nên hôm nay, các ĐB đã đề cử và những người được đề cử có thêm thời gian để cân nhắc việc rút đề cử, từ chối đề cử. Cũng như vậy, Đoàn Chủ tịch đại hội sẽ có nhiều thời gian hơn để xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử, ứng cử bổ sung.
Sau khi có đầy đủ thông tin, theo chương trình, chiều nay đại hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Đoàn Chủ tịch báo cáo chính thức về danh sách ứng cử, đề cử bổ sung và các thông tin về việc rút đề cử, từ chối nhận đề cử. Sau đó, đại hội sẽ thực hiện quy trình biểu quyết để quyết định về các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử bổ sung, cũng như bỏ phiếu để chốt lại số ứng viên bổ sung đảm bảo số dư ở mức tối đa 30% nêu trên.
Theo Quy chế bầu cử đại hội cũng như Quy chế bầu cử 244 của Trung ương khóa XI thì những ủy viên Trung ương khóa XI không nằm trong danh sách tiến cử của Trung ương thì không được nhận đề cử bổ sung. Tất cả ủy viên Trung ương khóa XI - ĐB đương nhiên tham dự đại hội - cũng không được đề cử ai ngoài danh sách mà chính mình đã trực tiếp tham gia xây dựng này.
Nếu tính cả con số 221 ứng viên do Trung ương khóa XI giới thiệu, cộng cả số được đề cử bổ sung tại các đoàn ĐB trong hôm qua, tổng số dư so với số ủy viên BCH Trung ương khóa XII cần được bầu (200 người - bao gồm cả chính thức và dự khuyết) đã lên tới 41,5%, cao hơn mức số dư tối đa 30% mà đại hội đã chốt trong quy chế bầu cử, được thông qua phiên họp trù bị hôm 20/1.
Tình huống này, như giải thích của Thượng tướng Võ Tiến Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại hội sẽ làm thủ tục bỏ phiếu kín với các nhân sự được giới thiệu thêm, dựa vào tỉ lệ ủng hộ với từng người, lấy kết quả từ cao xuống thấp cho đến khi đưa về tỉ lệ số dư 30%.
Bốn bước chuẩn bị
Trước đó, trong ngày làm việc 24/1, các đại biểu tiếp tục thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; nghiên cứu danh sách đề cử của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết); ghi phiếu ứng cử, đề cử; tiểu ban nhân sự nhận báo cáo của các đoàn về việc ứng cử, đề cử.
Thông tin mà Pháp Luật TP.HCM nhận được từ nhiều nguồn khác nhau là đã có tổng số 62 đảng viên được đề cử bổ sung, bao gồm cả những người là ủy viên trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI và cả những người là đảng viên thường. Trong số này có người là ĐB dự đại hội và có những người không phải là ĐB.
Trả lời báo chí ngay sau khi các đại biểu Đại hội tiến hành đề cử nhân sự bổ sung vào danh sách giới thiệu bầu Uỷ viên BCH Trung ương khoá XII (ngoài danh sách do BCH Trung ương khoá XI giới thiệu), chiều 24/1, ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, số dư đã vượt quá 30% theo quy định. Ông cũng Vĩnh khẳng định: “Tất cả các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư không được Trung ương giới thiệu đã rút hết. Vì ý thức Đảng của các đồng chí ấy rất cao và các đồng chí bày tỏ ý nguyện từ lâu rồi (từ Hội nghị Trung ương). Còn cho rút hay không do Đại hội quyết định”. Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng... được đề nghị tái cử nhưng đều xin rút.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Trọng Kim còn cho biết về nguyên tắc, đến lúc này thì mọi vụ việc, đơn thư liên quan đến nhân sự đã được Trung ương xem xét thấu đáo. 221 người trong danh sách của Trung ương được coi là trong sáng, đủ điều kiện giới thiệu ứng cử vào khóa tới. Tuy nhiên, nếu ĐB nào đó có thắc mắc thì họ sẽ trực tiếp tới Tiểu ban Nhân sự của Trung ương để yêu cầu giải đáp.
Về việc này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng nhiều khóa, từng là Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết tới mỗi kỳ đại hội, Ủy ban Kiểm tra phải xác minh và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ các vụ việc, đơn thư liên quan tới các ứng viên. Tinh thần là tại đại hội, có bất cứ thắc mắc gì thì đều có thể rút hồ sơ ra trả lời.
Đến cuối giờ chiều 24/1, 68 trưởng đoàn cũng đã báo cáo Đoàn chủ tịch về danh sách nhân sự xin rút.
Để chuẩn bị cho việc “chốt” danh sách bầu cử, Đoàn chủ tịch thực hiện bốn bước theo quy trình công tác nhân sự tại đại hội.
Bước một: nghe 68 trưởng đoàn báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử được các đại biểu ghi vào phiếu tại mỗi đoàn (nằm ngoài danh sách “cứng” 221 người do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu).
Bước hai: thông báo tổng hợp danh sách bổ sung này đến 68 đoàn. Đại biểu ghi phiếu xin rút (nếu có).
Bước ba: họp để xem xét các trường hợp xin rút. Theo quy chế bầu cử tại đại hội, Đoàn chủ tịch lấy phiếu xin ý kiến đại hội đồng ý hoặc không đồng ý để các ứng cử viên xin rút.
Bước bốn: báo cáo đại hội về việc bầu cử, danh sách ứng cử viên và các trường hợp xin rút.
Phương án bốn chức danh chủ chốt của Trung ương khóa XI Ông Vũ Trọng Kim đã xác nhận với báo chí thông tin về ứng viên cho ba vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội (QH) nhiệm kỳ tới. Theo đó, ngoài phương án Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử vào chức danh Tổng Bí thư khóa XII, Trung ương còn đề xuất phương án ông Trần Đại Quang - Bộ trưởng Công an ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ ứng cử vào chức danh Thủ tướng Chính phủ; bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch QH ứng cử vào chức danh Chủ tịch QH. Theo ông Kim, phương án nhân sự chủ chốt này đã được Bộ Chính trị, rồi BCH Trung ương khóa XI chuẩn bị kỹ. Trước mắt là giới thiệu để đại hội ủng hộ cho ba vị tái cử vào Trung ương khóa XII. Sau đó, BCH Trung ương khóa XII tiếp tục nghiên cứu và nếu ủng hộ thì sẽ chính thức đề cử ra QH để ứng cử vào ba chức danh chủ chốt của Nhà nước. Hiện tại công tác chuẩn bị cho bầu cử QH và HĐND các cấp đang được tiến hành và nếu không có gì bất thường thì ngày 22/5 tới sẽ bầu cử trong cả nước. Theo Hiến pháp, QH khóa mới tại kỳ họp đầu tiên sẽ bầu ra những người đứng đầu trong bộ máy nhà nước, trong đó có ba vị trí chủ chốt nêu trên. |
T.Đại