1/5 trẻ em ở các nước phát triển đang sống trong đói nghèo
Trẻ em Mỹ có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội
Báo cáo cho thấy: gần 13% trẻ em ở các nước nói trên không có đủ thức ăn an toàn và bổ dưỡng. Tại Mỹ và Anh, 2 quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, con số này còn lên tới 20% - báo cáo nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo, cùng với tỷ lệ béo phì ở thanh niên, số trẻ em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần đang ngày càng gia tăng ở hầu hết các nước được khảo sát.
Bà Sarah Cook, Giám đốc Văn phòng nghiên cứu Innocenti của UNICEF - cơ quan công bố nghiên cứu, cho biết: "Thu nhập cao không tự động dẫn tới kết quả tốt hơn đối với tất cả trẻ em mà còn có thể làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Chính phủ các nước cần phải hành động".
Báo cáo được đưa ra dựa trên các yếu tố như giáo dục, sức khỏe tâm thần, lạm dụng rượu, triển vọng kinh tế và môi trường để xếp hạng 41 quốc gia mà người dân có thu nhập cao, nhằm nâng cao phúc lợi cho trẻ em nói chung.
Tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử ở New Zealand là cao nhất thế giới
Đức và các nước Bắc Âu đứng đầu danh sách, trong khi Romania, Bulgaria và Chile xếp hạng thấp nhất. Vị trí của New Zealand và Mỹ tương ứng là 34 và 37.
Mỹ bị xếp hạng tương đối thấp vì vấn đề thiếu thốn, đói ăn, y tế, giáo dục và bất bình đẳng ở trẻ em. Trong khi đó, sức khỏe tâm thần vị thành niên là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở New Zealand, nơi có tỷ lệ người 15-19 tuổi tự sát cao nhất thế giới, cao gấp 3 lần mức trung bình của 41 quốc gia được khảo sát.
Khi được hỏi, Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần học New Zealand Quentin Abraham phát biểu: "Số liệu thống kê vẽ nên hình ảnh của nhiều người trẻ bị bỏ rơi tại một quốc gia đủ khả năng chu cấp cho tất cả mọi người. Chúng ta phải hành động để đảm bảo rằng trẻ em và thanh thiếu niên có được cuộc sống đầy đủ, tích cực".
Nhóm Hành động vì trẻ em đói nghèo (CPAG) cho biết trợ cấp chăm sóc trẻ em ở New Zealand sẽ chấm dứt khi các em bước vào tuổi 13, giai đoạn trẻ dễ bị tổn thương. "Mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần của trẻ và nghèo đói là không thể bỏ qua" - người phát ngôn CPAG, Giáo sư nhi khoa Innes Ashes, nhấn mạnh.
Hồng Anh