12 năm đóng tiền chưa một lần dùng thẻ BHYT
Ảnh minh họa
Lãng phí không?
Chị Nguyễn Minh Châu (Trung Hoà- Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: "Đã hơn 10 năm nay tôi đều đóng bảo hiểm y tế cho các con mình nhưng chưa một lần tôi sử dụng đến nó. Bởi vì thẻ BHYT bắt buộc thường khám chữa bệnh ban đầu tại các phòng khám trong phường nơi cư trú. Mà tôi lại rất ít khi cho các con đến các phòng khám này để khám chữa bệnh vì tôi muốn cho con khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội".
Mặc dù phải mua bảo hiểm y tế bắt buộc cho con tại trường học nhưng chị Chu Minh Thu (Quận Nam Từ Liêm- Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mua BHYT cho con là vì bắt buộc chứ tôi cũng không bao giờ phải dùng đến, vì tôi mua thẻ BHYT cho cả gia đình qua công ty bảo hiểm tư nhân để được đăng kí khám chữa bệnh ở những bệnh viện lớn như Vinmec, Hồng Ngọc. Giá như có thể chuyển đổi được các gói bảo hiểm này, không phải đóng ở trường thì đỡ lãng phí hơn”.
Cũng tương tự như chị Thu, chị Châu, chị Lê Hiên (Vĩnh Tuy) phân tích: "Tôi có hai con nhỏ đi học, tính ra đã mua tổng cộng 7 năm bảo hiểm y tế học sinh. Nhưng tôi chưa dùng đến thẻ bảo hiểm bao giờ. Một phần vì các cơ sở khám chữa bệnh theo hình thức bảo hiểm tôi thấy không yên tâm. Một phần, mỗi khi con ốm, tôi đều phải tranh thủ thời gian ngoài giờ đi khám bệnh tại các phòng khám tư, nơi có các bác sĩ có uy tín. Chứ cơ quan tôi quản lý khá chặt chẽ thời gian nơi công sở. Tôi nghĩ, nếu bảo hiểm linh hoạt hơn, có thể chấp nhận các gói bảo hiểm khác, miễn là các cháu được đảm bảo khám sức khỏe thì sẽ không bị lãng phí như bây giờ"
Anh Nguyễn Đức Hoà (Toà nhà T3 -Times city) là một người chuyên cung cấp thông dịch vụ khám chữa bệnh nước ngoài cho biết, gia đình anh mua bảo hiểm y tế ở BV Vimec nhưng: “Mua bảo hiểm y tế chỉ mong kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Năm nào tôi cũng đóng bảo hiểm y tế cho con ở trường học nhưng không bao giờ cháu mong "được" dùng tới nó hay mong "hồi vốn" cả. Tôi nghĩ không cần dùng tới nó là một điều may mắn và cái số tiền mình bỏ ra mua coi như là để san sẻ với những người không may mắn phải dùng tới nó".
Có thể thấy, việc mua bảo hiểm y tế của không ít gia đình là bắt buộc, nhưng hầu như họ không sử dụng đến. Hoặc đối với nhiều gia đình kinh tế không dư giả, những khoản thu đầu năm thường đã làm cho bố mẹ chật vật lo lắng nay số tiền mua BHYT lại tăng lên mà thường ít khi dùng khiến họ thấy hết sức lãng phí.
Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, đây là năm đầu tiên học sinh, sinh viên thực hiện theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật BHYT. Việc nâng mức đóng BHYT nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Theo bà Hương, khi đi khám chữa bệnh BHYT, học sinh vẫn được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh, đồng chi trả 20%, trừ nhóm thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Đây là nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% học sinh phải tự trả. Mức đóng này có thể giảm dần tùy theo sự hỗ trợ của địa phương.
“Đối với học sinh, sinh viên, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, quyền lợi của các em còn được hưởng hơn những người khác. Cụ thể, học sinh sinh viên được dùng một phần kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường. Các trường hợp thuộc hộ nghèo, đã tham gia BHYT theo hộ nghèo vẫn được cấp thẻ miễn phí. Hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70%” – Bà Hương cho biết.
Theo giải thích từ BHXH, số tiền tăng lên hơn là do mức thu cho 15 tháng, chứ không phải 12 tháng như mọi năm. Mọi năm, học sinh mua bảo hiểm y tế theo năm học, từ tháng 9 năm nay sang tháng 9 năm sau. Nhưng từ năm nay, cách đóng bảo hiểm y tế sẽ theo năm (từ 1/1 đến 31/12). Như vậy, các học sinh phải đóng cả 3 tháng còn lại của năm 2015 và thẻ bảo hiểm y tế sẽ có giá trị từ tháng 9/2015 đến tháng 12/2016.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi mức đóng đã tăng khoảng 150 nghìn, thì lẽ ra nên thu tách ra để người dân có điều kiện thuận lợi tham gia. Đằng này, vì muốn gọn nhẹ nên các đơn vị Bảo hiểm xã hội đã cho “thu gộp” 15 tháng liền gây khó khăn cho nhiều gia đình thu nhập hiện nay. Phải BHXH chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình mà chưa nghĩ đến thu nhập hạn chế của hầu hết người dân hiện nay?
Mỗi học sinh phải đóng 612 nghìn đồng cho một năm học nhưng đã được Nhà nước hỗ trợ 30%, nên chỉ còn phải nộp 70%, tức là còn 434.700 đồng. Tuy nhiên hiện nay mỗi trường lại có một giá thu khác nhau giao động từ 434.700 đồng lên đến 540.000 đồng/tháng. Liệu rằng BHXH đã lường tới tình huống này hay chưa?
Theo Infonet