12 năm CUCA: Những dấu ấn trong lòng công chúng
Với nhiều người ái mộ triết học, cái tên Bùi Văn Nam Sơn không còn xa lạ gì, nhưng không xa lạ ở đây chỉ là nói về học thuật, chứ còn gặp gỡ trực tiếp thì vẫn ngàn trùng xa cách. Và đây cũng chính là nội dung của bài viết này, khi chúng tôi không nói về Bùi Văn Nam Sơn mà chỉ nói về CUCA, ở một góc độ nào đó, nói một cách hết sức khiêm nhường thì hoạt động của CUCA đúng là những nhịp cầu ý nghĩa trong hoạt động tri thức nói chung.
Sở dĩ cần nhấn mạnh như vậy vì trong quá trình khảo sát để thực hiện bài viết này, với nhiều người ý nghĩa của việc được trò chuyện trực tiếp với những tượng đài như Bùi Văn Nam Sơn đôi khi còn nổi trội hơn những gì họ học hỏi được từ ông. Nói vậy để hình dung rằng ảnh hưởng cũng như vai trò kết nối của CUCA ở đây, đôi khi, nằm ngoài cả những suy nghĩ của chính CUCA.
Nghệ sỹ thị giác Phạm Diệu Hương và nhà văn Nhật Chiêu tại buổi sinh hoạt khoa học: Nghệ thuật và sự thanh lọc tâm hồn. |
CUCA thành lập vào tháng 9 năm 2012 bởi Nghệ sỹ thị giác Phạm Diệu Hương và họa sỹ Bùi Duy Trung. Nếu ngoài việc tính sinh nhật CUCA, mốc thời gian này chắc không đọng lại với bất kỳ ai. Tuy nhiên, nếu chúng ta tạm dừng những suy nghĩ cho ngày hôm nay để ngược dòng về quá khứ thì mới thấy chỉ cách đây chừng ý năm thôi, năm 2024 này đã là cả một trời khác biệt về khung cảnh xã hội, hiểu theo nghĩa rộng nhất.
Thời điểm đó, dù không còn là ốc đảo nhưng nghệ thuật đương đại Việt Nam vẫn còn khá biệt lập với bên ngoài. Để nói chi tiết biệt lập thế nào thì cũng dài dòng nhưng tổng thể là rất ít kênh tiếp xúc với thế giới để cộng đồng có thể từ đó tìm hiểu, học hỏi và cao hơn nữa là nghiên cứu.
Hoạ sĩ Bùi Duy Trung (bên trái) và hoạ sĩ Hùng Khuynh trong buổi Art Talk Hùng Khuynh: 40 năm Hành trình sáng tạo do CUCA tổ chức vào tháng 9/2024. |
Với công chúng, nghệ thuật và nghệ thuật đương đại ở những đô thị lớn của Việt Nam, ví dụ Hà Nội với những định chế như Đại học Mỹ thuật hoặc Bảo tàng Mỹ thuật…vẫn là một cái gì đó xa xôi và lạnh lẽo. Những hoạt động khác như sách báo về nghệ thuật nói chung, dù là nguyên bản tiếng nước ngoài chứ đừng nói đã được chuyển ngữ, cũng rất ít ỏi ở Việt Nam. Thực tế này để lại hệ quả là gì, là rất nhiều người trước hết là tò mò, sau đó là yêu nghệ thuật không có cơ hội dù giản đơn là để biết, rồi học hỏi, sau đó là tiếp xúc với những gì đang diễn ra bên ngoài, cho dù đó là những gì cơ bản nhất, nền tảng nhất của nghệ thuật và văn hoá phương Tây. Tâm thế chung là rất bơ vơ và lạc lõng!
Cần phác qua như vậy chỉ để nói rằng ý nghĩa về sự có mặt của CUCA trong bối cảnh đó là rất khác nếu so sánh với thời điểm hiện giờ. “Một cộng đồng nghệ thuật phong phú và đa dạng” là một trong nhiều mục tiêu của những người sáng lập CUCA. Và, trong suốt 12 năm hoạt động, từ những hạt mầm ban đầu, từ những bước đi đầu tiên, theo CUCA là “các lớp học nghệ thuật du kích, dã chiến, tinh gọn, đề cao tính phù hợp và hiệu quả theo mục tiêu của từng giai đoạn…” đã được tổ chức.
Học viên trong Workshop Cuốn Cuộn Ngấm Ngầm do CUCA Vietnam phối hợp cùng Moving Art Atelier đồng tổ chức. Workshop này do hai biên đạo múa Phạm Diệu Hương và Lê Mai Anh đồng hướng dẫn vào ngày 16/7/2024. |
Ở Việt Nam, CUCA là mô hình đầu tiên cung cấp các khóa học lý thuyết - thực hành đương đại. Theo nghệ sỹ thị giác Phạm Diệu Hương, vào thời điểm đó không gian để công chúng có thể trao đổi và đối thoại với tác giả, nhà phê bình “không nhiều”, giới công chúng đủ sự quan tâm và khả năng phê bình độc lập không nhiều. Mặt khác, khi các nền tảng lý thuyết và thẩm mỹ đương đại còn chưa phổ biến, giới phê bình - nghệ sĩ cũng khó cắt nghĩa và giải thích được các thực hành nghệ thuật của mình, khó đối thoại được với công chúng, gây nên hệ quả tất yếu là khung cảnh nghệ thuật thiếu vắng đi những tranh luận cần thiết để phát triển.
Đại diện CUCA thật khiêm nhường khi dùng từ “không nhiều”, có lẽ cần hiểu đây là một uyển ngữ khi CUCA đề cập đến bối cảnh khi đó. Bởi trong giai đoạn này, thực tế là không thể tìm thấy một hoạt động nào có tính chất và ảnh hưởng như vậy cả.
Và cũng rất tự nhiên, vì “hữu xạ” nên giới quan tâm dần biết đến CUCA, và rồi tần suất hoạt động cũng như lĩnh vực được đề cập mở rộng hơn. Theo đại diện CUCA, ban đầu tổ chức này chú trọng vào các hoạt động giáo dục đào tạo kiến thức nền tảng về nghệ thuật qua các nội dung như lý thuyết nghệ thuật đương đại, các chuỗi khóa học về lịch sử và cảm thụ nghệ thuật thị giác, cảm thụ âm nhạc, mỹ học; sau đó CUCA mở rộng ra nhiều chủ đề, lĩnh vực khác như tôn giáo, truyền thông, triết học, văn học, lịch sử; các hoạt động thực hành và thể nghiệm nghệ thuật đương đại, trình diễn múa đương đại, thực hành hội họa – sơn mài và triển lãm. Cùng với đó là các hoạt động nghiên cứu thực địa về nghệ thuật ở trong và ngoài nước, gặp gỡ nghệ sĩ – chuyên gia….
Chưa có một đánh giá sơ bộ nào về tác động trực tiếp của CUCA với học viên, cao hơn nữa là gián tiếp tới hoạt động chung của những lĩnh vực liên quan như xuất bản, học tập, nghiên cứu, sáng tác...Tuy nhiên, như những gì chúng tôi tự cảm nhận, đánh giá qua từng con người rất cụ thể thì những ảnh hưởng này là khá sâu đậm!
Cũng không tự nhiên mà có những người tự đi xe máy khoảng 40km đến những buổi học, cũng như có những học viên ở tận Hưng Yên đã sang đến Hà Nội rồi còn phải gửi xe ở một nơi sau đó đi grab đến “vì vào nội thành kiếm chỗ đỗ xe rất khó”! Vậy câu hỏi đặt ra là CUCA đã đem lại những gì để họ phải chịu khó lặn lội như vậy sau một ngày mệt mỏi với cuộc mưu sinh? Để có được câu trả lời đầy đủ sẽ mất khá nhiều thời gian, nhưng chắc chắn sẽ là một tổng kết đặc sắc và đầy bất ngờ.
Từ hoàn cảnh của mình, Bùi Văn Nam Sơn có lần bày tỏ nỗi cô đơn trong việc dịch sách triết học là “Bạn ít, đường xa, trời chiều, gối mỏi!”. Nhưng đó là nỗi niềm của một người 78 tuổi. Còn với CUCA thì tuổi 12 mới là thời điểm chuẩn bị sang trang lứa thanh niên, chặng đường phía trước còn dài và, vẫn nhiều người còn trông đợi vào CUCA!
-Các dịch phẩm của CUCA: 50 Câu Hỏi Mỹ Học Đương Đại (Marc Jimenez), Leonardo Da Vinci (Walter Isaacson), Van Gogh: The Life (Gregory White Smith và Steven Naifeh), Tọa độ : Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jorai (Jacques Dournes), Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt (Miles J. Unger).
- Chuỗi khóa học về Lý thuyết Nghệ thuật đương đại, Mỹ học, Lịch sử Nghệ thuật cùng giảng viên Phạm Diệu Hương; Workshop thực hành sơn mài tại Pháp, thực hành hội họa cùng họa sĩ sơn mài Hùng Khuynh và giảng viên Phạm Diệu Hương; Chuỗi khóa học về Cảm thụ âm nhạc cổ điển cùng Pianist Trang Trịnh; Các Art Tour khảo sát và nghiên cứu lịch sử - văn hóa - nghệ thuật trong và ngoài nước: Myanmar(2013), Huế (2014), Chăm-pa (2015), Phù Nam (2016) và Tây Nguyên (2017)…
|