1 năm cầm quyền của ông Trump: Thành tựu đủ để người Mỹ bỏ qua sai lầm
Mặc dù ít nhất một nửa người dân Mỹ và phần lớn cộng đồng thế giới phản đối các chính sách và phương pháp trong thời gian gần đây của chính quyền, có thể nói Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một năm điều hành đất nước khá năng suất.
Dù phải chịu công kích nặng nề chưa từng thấy từ giới truyền thông, phạm phải nhiều sai lầm lớn, trở thành đề tài cho các tranh cãi không hồi kết giữa tình hình rối ren, ông Trump vẫn giữ và thực hiện nhiều cam kết ông từng tuyên bố từ khi còn tranh cử hơn một năm trước. Bất chấp hậu quả ra sao!
Ông Trump và Quốc hội do Đảng Cộng hòa chiếm đa số đã bị chỉ trích vì quá thiếu hiệu quả trong việc thông qua các dự luật. Nhiều người còn cho rằng Quốc hội thời cựu tổng thống Barack Obama còn năng suất hơn. Trên thực tế, dưới thời ông Trump, Quốc hội đã thông qua 46 dự luật riêng biệt, trong khi ông Obama chỉ thông qua 36 dự luật.
Vài người sẽ nghĩ những con số này là khá thấp. Có thể coi là vậy. Quốc hội Mỹ đã rơi vào tình trạng bế tắc trong suốt nhiều thập kỉ qua, khi phe chính trị đối lập ngăn cản các quyết định của số đông.
Dưới thời ông Trump, Quốc hội đã thông qua 46 dự luật riêng biệt. Ảnh: Pool/CNN
Sự bế tắc này đã buộc ông Obama phải sử dụng quyền hành pháp để hoàn thành các công việc mà không phải thông qua Quốc hội. Ông Trump cũng sử dụng chiến lược này để đảo ngược hầu hết những gì ông Obama đã làm, phá vỡ phần lớn di sản của người tiền nhiệm.
Nhiều nhà phân tích phàn nàn về cách sử dụng quyền tổng thống của cả ông Trump và ông Obama, cho rằng đây là hình thức can thiệp và ảnh hưởng xấu tới Quốc hội.
Người dân Mỹ dường như sẵn sàng chịu đựng mọi thứ miễn là nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ.
Các đời tổng thống rất lấy làm hãnh diện khi nền kinh tế khởi sắc dưới thời của họ dù trên lý thuyết, tổng thống không chịu trách nhiệm phát triển kinh tế, trừ việc thiết lập các giới hạn. Tuy nhiên, họ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng của đất nước.
Nếu nền kinh tế Mỹ không đi lên mạnh mẽ, ông Trump có thể đã gặp nhiều rắc rối hơn hiện tại. Nhưng trong một năm qua, nước Mỹ đã thực sự giàu mạnh hơn nhờ ông Trump.
Từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã đầu tư nhiều cho kinh tế, thúc đẩy các doanh nghiệp, cắt giảm thuế và xỏa bỏ nhiều quy định. Ông Trump đã thuyết phục các nước châu Á đầu tư 300 tỉ USD vào các doanh nghiệp của Mỹ.
Nhiều nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Mỹ sẽ giúp hạn chế thâm hụt thương mại của nước này với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa rõ bao nhiêu phần trong số đầu tư ấy sẽ được triển khai thực tế trong tương lai.
Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones (DJIA) đã tăng từ 19.732 điểm hồi tháng 1/2017 lên mức kỉ lục 25.534 vào tháng 1/2018. Tỉ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong 16 năm qua với 4.1%. GDP tăng trưởng 3% trong 2 quý gần nhất. Giá bất động sản tăng 3%.
Chỉ số DJIA đạt mức kỉ lục dưới thời ông Trump. Ảnh: Quartz
Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật thuế với mức cắt giảm chưa từng thấy từ dự luật thời Tổng thống Ronald Reagan hồi những năm 1980. Thuế doanh nghiệp giảm còn 21%, đưa Mỹ từ quốc gia trong top có mức thuế cao nhất xuống top đánh thuế thấp nhất.
Việc cắt giảm thuế thu nhập cá nhân cũng giúp người dân phải đóng cho ngân sách ít hơn. Nhưng những cải cách này cũng đi cùng rủi ro lớn: khoản nợ công 20 nghìn tỉ USD của Mỹ sẽ tăng thêm từ 1 – 1,5 nghìn tỉ nữa trong vòng 10 năm tới.
Dự luật thuế cũng loại bỏ các điểm chính trong Đạo luật Obamacare - chương trình bảo hiểm y tế quốc gia đầy tính tranh cãi và không hoạt động hiệu quả. Người Mỹ sẽ không nhất thiết phải mua bảo hiểm y tế nữa.
Ông Trump "tuyên chiến" với Đạo luật Obamacare. Ảnh: CNN
Trước đây, ông Trump đã thất bại trong việc xóa bỏ toàn bộ Obamacare, nhưng ông đã có công trong việc đưa đạo luật này ra thảo luận, loại bỏ những trách nhiệm cá nhân bắt buộc.
Nhà Trắng thông báo đã tiết kiệm được một khoản 8 tỉ USD trong năm 2017 sau khi cắt giảm các quy định chính phủ và dự tính sẽ tiết kiệm được thêm 9 tỉ USD nữa trong năm 2018. Với mỗi một quy định mới, ông Trump lại xóa bỏ 22 quy định cũ.
Theo quan điểm của ông Trump, thành công đồng nghĩa với việc "khuấy đảo" cả thế giới để đảm bảo quyền lợi cho nước Mỹ. Tuy vậy, một vài "thành công" lại gây tổn hại trực tiếp cho quốc gia này.
Rút khỏi các thỏa thuận tự do thương mại trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ông Trump coi là một thành tích lớn.
Dù TPP có thể đem lại lợi ích không nhỏ cho những quốc gia như Việt Nam, ông Trump lại tin gói thỏa thuận này sẽ gây bất lợi cho Mỹ. Vì lẽ đó, ông Trump muốn tái đàm phán TPP thành các thỏa thuận song phương riêng biệt.
Dường như Tổng thống Trump không nhận ra rằng giao thương là chìa khóa then chốt để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ cũng như đặc biệt quan trọng cho nền an ninh quốc gia. Trung Quốc luôn sẵn sàng lấp chỗ trống nước Mỹ để lại. Nhưng, ông Trump đã hứa, và đã thực hiện những dự định của mình.
Ông Trump chính thức rút Mỹ khỏi sân chơi TPP. Ảnh: AP
Trước đó, ông Trump cũng công kích thỏa thuận quốc phòng chung của khối NATO với các nước châu Âu, cho rằng phía châu Âu chưa đóng góp đủ cho hệ thống quốc phòng mà chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.
Lời đe dọa của ông Trump đã có hiệu quả rõ rệt. 25 trong số 29 nước NATO đã ngay lập tức tăng ngân sách quốc phòng của họ.
Ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un đã liên tục khẩu chiến quanh chương trình phát triển vũ khí hạt nhân nhắm vào đất Mỹ của phía Bình Nhưỡng. Ông Kim tuyên bố có nút hạt nhân trên bàn làm việc, ông Trump đáp có nút ấn to hơn của ông Kim.
Nhiều quan sát viên e ngại rằng hình thức đối đáp thù địch này có thể dẫn tới một vụ thảm sát hạt nhân. Rõ ràng họ đã sai lầm: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây thông báo hai quốc gia bán đảo đã tổ chức thành công các cuộc đối thoại hòa bình. Ông Moon còn cho rằng ông Trump có công lớn trong bước ngoặt này.
Ông Trump không ưa giải pháp mềm mỏng với Cuba của ông Obama. Ông Obama khá cởi mở trong giao thương và luôn mở rộng các mối quan hệ ngoại giao.
Sau khi nhậm chức, ông Trump đảo ngược chiến lược với Cuba của người tiền nhiệm, trục xuất các nhà ngoại giao Cuba và cáo buộc Cuba sử dụng vũ khí âm thanh để làm tổn hại nhân viên Đại sứ quán Mỹ.
Gần đây, ông Trump một lần nữa làm chấn động thế giới khi tuyên bố sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Ông Trump nói rằng ông chỉ thừa nhận sự thật Jerusalem là thủ đô của Israel.
Ông Trump muốn làm nóng lại những đàm phán hòa bình giữa Israel-Palestine đang trong tình trạng nguội lạnh hàng thập kỉ qua. Đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), trừ 30 đại diện không bỏ phiếu, đã đồng thuận phản đối hành động của ông Trump. Để đáp lại, ông Trump cắt giảm 250 triệu USD tiền tài trợ cho LHQ.
Có lẽ thành tích lớn nhất ông Trump đạt được là tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq. Năm 2013, IS bắt đầu xây dựng vương triều Hồi giáo bằng cách chiếm đoạt một phần lãnh thổ lớn thuộc chủ quyền của Syria và Iraq, khiến hàng triệu người mất nhà cửa, phải đi tị nạn và khoảng 400.000 người khác thiệt mạng.
Lính Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Wikimedia Commons/Defense.gov
Nếu cựu tổng thống Barack Obama mất 4 năm chần chừ vì không muốn can thiệp quá sâu vào Trung Đông thì ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã gửi thêm quân tới vùng này và cho phép quân đội truy quét các băng nhóm khủng bố. Với sự hợp lực từ Iraq, các nhóm nổi dậy và nhiều đồng minh khác, Mỹ đã góp sức đưa IS đến ngày tàn vào tháng 11/2017.
Ông Trump cũng bắt đầu xây dựng lại lực lượng tại Afghanistan. Trước đó, ông Obama đã rút quá nhiều quân về nước, khiến các băng nhóm Taliban quay lại chiếm quyền kiểm soát. Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Trump đang rơi vào cái bẫy giống như ông Obama đã mắc phải: bị sa lầy ở Trung Đông.
Nếu xét về những ảnh hưởng dài hạn, ông Trump đã thành công trong việc bổ nhiệm một số thẩm phán Tòa án Tối cao và tòa án liên bang. Ông Antonin Scalia, vị thẩm phán chủ chốt thuộc phe bảo thủ của Tòa án Tối cao gồm 9 thành viên, đã bất ngờ qua đời vào năm 2016.
Ông Obama đã tận dụng cơ hội này để đề cử một thẩm phán khác thuộc phe tự do để thay thế ông Scalia.
Thượng viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát, từ chối bổ nhiệm người thay thế mà thay vào đó, chờ tới khi ông Trump nhậm chức. Không ngoài dự đoán, ông Trump đã đưa một thẩm phán phe bảo thủ lên giữ chức, duy trì sự cân bằng cho tòa án.
Trong năm đầu nhậm chức, ông Trump bổ nhiệm được 12 thẩm phán liên bang trong khi con số này với ông Obama chỉ là 3 người. Các thẩm phán liên bang đặc biệt quan trọng.
Ông Trump đọc lời tuyên thệ trong lễ nhậm chức. Nguồn: ABC News
Thẩm phán thuộc phe tự do đã cản trở một cách có hệ thống rất nhiều chính sách của ông Trump, bao gồm lệnh cấm những người nhập cư từ các quốc gia với người Hồi giáo chiếm đa số; chính sách yêu cầu các "thành phố trú ẩn" giao nộp tội phạm, những người nước ngoài cư trú trái phép cho các cơ quan liên bang; và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp đã được cho phép ở lại Mỹ dưới thời ông Obama.
Bên cạnh các sắc lệnh hành pháp của tổng thống, tòa án là một công cụ đầy sức mạnh khác để qua mặt Quốc hội, đặt các quyết sách vào tay của những thẩm phán liên bang không do người dân bầu lên.
Đối với ông Trump, các quy định liên quan tới biến đổi khí hậu đã tiêu tốn quá nhiều chi phí của doanh nghiệp, khiến Mỹ gặp bất lợi khi cạnh tranh với các quốc gia ô nhiễm khác.
Ông Trump đã làm thế giới sửng sốt khi rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu – thỏa thuận giữa những quốc gia tình nguyện cắt giảm hiệu ứng nhà kính và giảm thiểu xả thải khí CO2.
Ông Trump lo ngại rằng Trung Quốc - quốc gia ô nhiễm nhất thế giới - có thể trì hoãn việc kiểm soát khí hậu trong nhiều năm khi vẫn phát triển kinh tế nhờ vào điện năng từ than và dầu mỏ.
Mỉa mai thay, Mỹ là quốc gia duy nhất có nền kinh tế tiên tiến, đảm bảo được tăng trưởng trong khi giảm thiểu được việc xả thải.
Ông Trump cũng xóa bỏ các quy định môi trường ảnh hưởng tới các doanh nghiệp của Mỹ. "Kế hoạch Năng lượng Sạch" nổi tiếng của ông Obama nhằm kiểm soát điện năng tạo từ than và dầu mỏ đang trong giai đoạn bị hủy bỏ.
Ông Trump quyết hồi sinh ngành công nghiệp than đá. Ảnh: The Register-Herald
Ông Trump đã cấp thẩm quyền cho việc thăm dò dầu tại Khu bảo tồn Hoang dã Quốc gia và vùng biển xa bờ của nước Mỹ. Ông Trump muốn nước Mỹ thoát khỏi lệ thuộc năng lượng vào các nhà cung cấp dầu mỏ Trung Đông và muốn khuyến khích nước Mỹ xuất khẩu cho các nước đồng minh.
Ông Trump cũng xóa bỏ quy định xử lí rác thải để "hồi sinh" ngành công nghiệp than đá.
Ông Trump đi ngược lại quyết định hạn chế việc sản xuất dầu của ông Obama bằng việc cho lưu thông dầu qua đường ống, loại bỏ các hàng rào pháp lí với Đường ống Dakota và Đường ống Keystone XL do người Canada sở hữu, qua đó mở rộng mạng lưới vận chuyển dầu vốn đã khổng lồ của nước Mỹ.
Ông Trump hiện kiểm soát chặt chẽ các thông tin khoa học và dữ liệu liên quan tới biến đổi khí hậu. Các nhà lập pháp cấp cao của ông Trump giảm các hoạt động thu thập và báo cáo dữ liệu, giảm tầm ảnh hưởng của các nhà khoa học khí hậu, đóng cửa các văn phòng nghiên cứu khí hậu và ngừng đầu tư cho các nghiên cứu môi trường.
Ông Trump đội mũ thợ đào than đá trong bài nói. Ảnh: Getty Images
Các nhà phân tích cho rằng chính sách của ông Trump về năng lượng và môi trường đang trì hoãn chuyện không thể tránh khỏi là từ bỏ than đá và dầu mỏ để để sử dụng năng lượng sạch.
Mặc dù ông Trump tranh chức Tổng thống với tư cách là đại diện của Đảng Cộng hòa, nhiều người tin rằng ông không phải là người Cộng hòa, hoặc có chăng chỉ là một thành viên "lạc loài".
Khi mới nhậm chức, ông Trump cố hạ thấp và thậm chí cản trở việc thành lập thiết chế của Đảng Cộng hòa.
Ông thường xuyên công kích các lãnh đạo, các Thượng Nghị sĩ và những thành viên Thượng Viện chủ chốt thuộc Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, ông Trump lại hỗ trợ và khen ngợi các đối thủ của Đảng Dân chủ. Ông thỏa thuận với phe Dân chủ mà không báo với Đảng Cộng hòa.
Thỉnh thoảng, ông cũng không thành công dưới vai trò lãnh đạo để phát triển và thông qua các dự luật ở Quốc hội. Ông thường công khai ủng hộ các chính sách, rồi sau đó tự hành động ngược lại lời nói của mình.
Quan trọng hơn cả, những dòng trạng thái và bình luận khiêu khích ông đăng tải trên Twitter, đánh giá thấp việc người Cộng hòa chạy đua trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018.
Phe Cộng hòa hiện đang chiếm đa số trong Thượng viện, nhưng chỉ hơn số quá bán đúng 1 ghế (51/100 ghế). Khoảng 5 Thượng Nghị sĩ Cộng hòa đã nhiều lần bỏ phiếu chống lại chương trình nghị sự của ông Trump.
Tại Hạ Viện, việc một số nghị sĩ Cộng hòa nghỉ hưu đã làm giảm tỷ lệ đa số của họ đến mức đảng Dân chủ có thể chiếm quyền kiểm soát. Ông Trump đang đứng trước nguy cơ có thể mất quyền kiểm soát ở Quốc hội trong 2 năm cuối nhiệm kì. Điều này cũng từng xảy ra với ông Obama khi ông không thể thông qua nhiều đạo luật trong một giai đoạn kéo dài 5-6 năm.
Câu hỏi lớn được đặt ra là: Liệu ông Trump có thực sự nắm quyền hành và thực hiện các chính sách ông cam kết khi bầu cử, hay ông sẽ tiếp tục những hành động thất thường, khó đoán và đầy rủi ro. Không ai biết được. Có thể chính ông Trump cũng không biết.
Dù các thành tựu trong năm vừa qua của ông Trump đã làm hài lòng những người ủng hộ ông, nhưng có thể sẽ không đủ để ông giữ vững quyền lực của mình.
* For English version, click here.
* Xem bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây.
Tiến sĩ Terry F. Buss