LGBT+: “Ước mơ vĩ đại nhất là được là chính mình”
Tâm lý tự ti, mặc cảm là “mẫu số” chung của người LGBT+
Kể từ khi Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, tiếp đến năm 2017 Bộ y tế cũng soạn thảo dự thảo luật chuyển đổi giới tính và công bố sẽ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để trưng cầu dân ý thì đến nay, mọi việc vẫn đang nằm trên giấy tờ.
Theo thống kê không đầy đủ thì Việt Nam có khoảng 500.000 người mong muốn chuyển giới, con số thực về cộng đồng này còn nhiều hơn thế. Đây chỉ là 1 trong các nhóm thuộc cộng đồng LGBT+ (gồm đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, nhóm chưa xác định giới tính), trong đó nhóm chuyển giới là nhóm dễ nhận ra nhất do tính đặc trưng (cử chỉ, cách ăn vận, lời nói…), các nhóm còn lại thường có biểu hiện rất kín đáo, khó đoán biết là người dị tính hay người LGBT+.
Người LGBT+ rất vui mừng vì những tín hiệu tích cực từ Quốc hội trong việc sửa đổi, bổ sung luật cho người chuyển giới.
Đức (vũ công, sống tại Hà Nội) cho biết, bản thân anh là người chuyển giới nữ, như bao bạn cùng cộng đồng chuyển giới, anh khao khát được trở thành phụ nữ về mặt hình thể, bởi tâm hồn anh từ khi sinh ra đã là phụ nữ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà anh không dám công khai giới tính một cách thẳng thắn.
Đức là con trai duy nhất trong gia đình, tuy mưu sinh ở Hà Nội nhưng anh sinh ra và lớn lên ở một vùng quê chậm phát triển và không có nhiều kiến thức về người LGBT+, vì thế Đức cũng như nhiều người bạn trong nhóm chuyển giới thường là mục tiêu chế nhạo, giễu cợt của bạn học , hàng xóm vì tính cách ẻo lả, không giống con trai của mình. “Nhiều lúc không muốn về quê vì quá áp lực, lần nào về cũng phải gồng lên để chịu đựng những ánh nhìn soi mói và giễu cợt như thế mình là một cái gì đó không cùng đẳng cấp, môi sinh với họ vậy”.
Lựa chọn xa quê và lập nghiệp ở Hà Nội, một thành phố nhộn nhịp và đa sắc, thế nhưng sự kì thị về cộng đồng LGBT+ vẫn còn, Đức cũng như nhiều người trong nhóm chuyển giới (nhóm dễ lộ diện nhất) đều phải cố gắng gấp năm gấp mười người khác để được ghi nhận trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.
Tự ti, nhạy cảm và mặc cảm là những cảm xúc chung mà nhóm chuyển giới nói riêng, người LGBT+ nói chung luôn nhắc đến. Sự tổn thương về mặt tâm lý khi nhận ra mình “khác thường”, sự kì thị của gia đình, bạn bè, xã hội khiến họ cảm thấy bản thân không được tôn trọng, không được thừa nhận. Thậm chí, nhóm chuyển giới còn trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, rất nhiều câu chuyện về bạo lực học đường được chia sẻ trên mạng xã hội đã cho thấy thực trạng này vẫn luôn luôn tồn tại.
Tài chính là gánh nặng của người LGBT+
Để có thể trở thành người phụ nữ thực thụ, Đức và các chị em trong nhóm chuyển giới cần phải có một khoản tiền lên đến cả tỷ đồng để trở về là chính mính. “Người bình thường thì có nhiều mong ước cao sang, vĩ đại, còn chúng tôi, ước mơ vĩ đại nhất là được là chính mình” – Đức chia sẻ ước mơ có một khoản tiền lớn để sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới.
Muốn có tài chính thì phải có việc làm, đó là điều ai cũng hiểu, thế nhưng với người LGBT+ thì việc đó không hề dễ dàng. Trong một buổi chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm xin việc cho người LGBT+, đã có không ít người chia sẻ những kinh nghiệm “đau thương” của mình khi đi xin việc và bị từ chối chỉ vì “hồn sâu xác bướm”.
Ngọc Dũng (Tú Lơ Khơ) đã comeout thành công, anh cũng đang hạnh phúc bên hôn thê của mình. Hai người đã kết hôn tại Mỹ và làm lễ cưới tại Việt Nam.
Tuy nhiên, những thành viên nổi bật trong cộng đồng LGBT+, nhóm chuyển giới như doanh nhân Ngọc Dũng (biệt danh Tú Lơ Khơ) cho biết, kỹ năng chuyên môn là quan trọng nhất trong một cuộc tuyển dụng. Nhà tuyển dụng bao giờ cũng cần người có kinh nghiệm làm việc, có chuyên môn và các kỹ năng mềm tốt. Giao tiếp tự tin và sẵn sàng trả lời các câu hỏi về giới tính một cách rõ ràng, nghiêm túc, bạn sẽ được đánh giá cao hơn sự rụt rè, né tránh.
"Come out"
Đây là thuật ngữ để chỉ những người LGBT+ đã công khai giới tính thật của mình với xã hội. “Come out” là cả một quá trình đấu tranh về tâm lý để đối diện với bản thân, vượt qua nỗi sợ hãi bị kì thị, không được đón nhận để dám được là chính mình.
Tại Việt Nam, nhất là các thành phố lớn, thế hệ 8x, 9x đã có nhiều cuộc “come out” thành công và thay đổi nếp nghĩ cũ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và xã hội khi dám sống với giới tính thật, con người thật của mình. Nhiều người sau khi “come out” đã trở thành người truyền cảm hứng cho cộng đồng chuyển giới và đi đầu trong các phong trào về quyền bình đẳng cho người LGBT+.
Vân Trang