Nhật Bản đối phó với cao điểm "mùa" học sinh tự tử
Theo số liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản vào năm 2015, từ năm 1972 đến 2013 những ca tự tử đối với thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tập trung chủ yếu xung quanh ngày 1.9 hằng năm.
Đây cũng chính là thời điểm nhiều trường học ở Nhật bắt đầu học kỳ mới sau kỳ nghỉ hè khá dài.
Tổ chức cung cấp tư vấn qua điện thoại Childline, đặt trụ sở tại Tokyo, dự tính kéo dài thời gian làm việc trong giai đoạn cuối tháng 8 và đầu tháng 9 nhằm hỗ trợ những học sinh đang lo lắng việc tựu trường ở tám tỉnh thành trên khắp đất nước.
Đồng thời, tổ chức này cũng dự định đưa vào hoạt động tư vấn online trong chín ngày bắt đầu từ 29/8.
Học sinh phải đối mặt với nhiều áp lực khi quay lại trường sau một kỳ nghỉ dài. Ảnh: Tổ chức bảo vệ quyền trẻ em Humanium
“Dịch vụ tư vấn một nhân viên – một học sinh sẽ hoàn toàn miễn phí và có thể sử dụng trên điện thoại thông minh hay máy tính. Sẽ không cần thiết phải nhận diện người gọi hay trường học của họ. Chúng tôi sẽ giữ bí mật”, người đại diện tổ chức Childline chia sẻ trên Japan Times.
Một tổ chức phi lợi nhuận khác cũng đang có kế hoạch mở ra các trụ sở giành cho những đứa trẻ không muốn đi học vào cuối kỳ nghỉ hè tại sáu tỉnh thành ở Nhật Bản.
“Chúng tôi muốn càng nhiều trẻ biết rằng họ có cơ hội khác bên cạnh việc đi học, và rằng có cách để vượt qua chuyện này” - lãnh đạo tổ chức này, Hiroyuki Matsushima, giải thích.
Ngoài ra, Tổ chức Khuyến khích Trưởng thành Toàn diện của Trẻ em đã phối hợp với 4.600 trung tâm trên khắp nước Nhật để phối hợp và tiếp nhận những trẻ đang có nguy cơ tự tử.
“Vào thời điểm này của năm, khi mà nguy cơ trẻ tự tử là cao nhất, chúng tôi muốn người lớn phải đặc biệt cẩn trọng và không bỏ lỡ một dấu hiệu kêu cứu nào từ các em”, Hironobu Koguma, lãnh đạo tạp chí phi lợi nhuận cho trẻ Zenkoku Futoko Shimbunsha, chia sẻ.
Một mùa cao điểm khác rơi vào tháng Tư và tháng Năm, sau kỳ nghỉ Tuần lễ vàng. Điều này cho thấy khó khăn của học sinh trong việc quay lại trường sau một kỳ nghỉ dài, đặc biệt là đối với những đứa trẻ bị uy hiếp, bắt nạt.
Tự tử là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của thanh thiếu niên dưới 18 tuổi tại Nhật Bản. Ảnh: BBC
Vào năm 2015, Tokyo đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, trường học và gia đình có những hướng giải quyết chủ động hơn sau những kỳ nghỉ dài, khẳng định rằng “trẻ nhỏ sau một kỳ nghỉ dài thường bị gia tăng áp lực và mất tinh thần.”
Theo số liệu năm 2015, số người tự tử tại Nhật Bản cao hơn 60% so với số liệu trung bình trên toàn cầu.
Tự tử là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi tại Nhật Bản.
Theo Tuổi trẻ