Xuất khẩu gạo tăng trưởng đầy bất ngờ
Theo số liệu mới đây của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/12/2017, khối lượng xuất khẩu gạo cả nước ta đã đạt 5,66 triệu tấn, giá trị gần 2,6 tỷ USD.
Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, khối lượng xuất khẩu đạt 4,68 triệu tấn và giá trị 2,1 tỷ USD. Và cả năm 2016, xuất khẩu gạo chỉ đạt 4,9 triệu tấn và trị giá 2,2 tỷ USD.
Có thể thấy đây là một sự đột phá của ngành gạo nước ta. Trong đó, đáng chú ý là sự tăng trưởng mạnh về mặt giá trị thay vì sản lượng xuất khẩu như trước đây. Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, có chất lượng và giá trị cao.
Ảnh minh họa
Theo dự báo, trong tháng cuối cùng của năm 2017 xuất khẩu gạo của nước ta sẽ đạt khoảng 400 – 450 nghìn tấn, qua đó đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2017 lên mức 5,9 – 6 triệu tấn gạo, tăng 1,1 – 1,2 triệu tấn gạo so với năm 2016.
Theo chuyên gia và các doanh nghiệp, xuất khẩu gạo năm nay tăng trưởng mạnh chủ yếu là do tác động của biến đổi khí hậu khiến nguồn cung gạo tại một số nước giảm. Qua đó, làm tăng nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường tiêu thụ chính như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc… Đặc biệt, việc mở rộng xuất khẩu gạo tới các thị trường mới như Bangladesh, Iraq… cũng góp phần đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh vượt kỳ vọng trong năm nay.
Hiện gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới 132 thị trường trên thế giới, trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất.
Theo các doanh nghiệp, trong thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Iraq…
Đáng chú ý, thông tin từ các doanh nghiệp cho biết, kể từ tháng 1/2018, Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với loại gạo nếp nhập từ Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu gạo nếp sang thị trường này trong thời gian tới.
Minh Anh