Xem xét thu hồi dự án nhà hàng bến du thuyền của ông Vũ “nhôm” tại Đà Nẵng
Theo đó, UBND TP.Đà Nẵng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Xây dựng nghiên cứu kỹ các thủ tục pháp lý thu hồi dự án, đảm bảo quy định pháp luật; báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định làm cơ sở trình xin ý kiến Thường trực Thành ủy.
Dự án bến du thuyền phía nam cảng Sông Hàn của ông Vũ “nhôm”. Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.Đà Nẵng khẳng định, dự án nhà hàng bến du thuyền tại khu vực phía nam cảng sông Hàn không có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết 1/2000 của thành phố Đà Nẵng. Trước đây, khi làm quy hoạch lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiên quyết không cấp phép cho những dự án che chắn tầm nhìn trên sông Hàn.
Nhà hàng và bến du thuyền trồi ra giữa dòng sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Thành.
Theo Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, các cơ quan chức năng thành phố nên thương lượng với nhà đầu tư về chủ trương thu hồi dự án này: “Việc đã lỡ, không làm đúng theo quy hoạch được duyệt, rất cần sự thông cảm của nhà đầu tư. Thành phố phải đền tiền, họ đầu tư bao nhiêu thì phải đền bù bấy nhiêu, vì mục tiêu phục vụ cho cộng đồng thì phải hy sinh, tháo dỡ”.
Kỹ sư Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Đà Nẵng, hiện là thành viên Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.Đà Nẵng cho rằng, cùng với du thuyền DHC ở bờ Đông Sông Hàn, dự án này cũng gây cản trở dòng chảy sông Hàn, khó thoát lũ trong mùa mưa.
Sông Hàn quan trọng đối với cảnh quan TP.Đà Nẵng. Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, dự án nhà hàng bến du thuyền tại khu vực phía nam cảng sông Hàn ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan sông Hàn: “Dự án này được thi công trên hệ cọc ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan sông Hàn. Với sông Hàn, quan trọng nhất là cảnh quan, không có sông Hàn thì không có thành phố Đà Nẵng đẹp như thế này. Chúng ta phải cố gắng giữ”.
Mắt trước hướng ra sông Hàn của nhà hàng và bến du thuyền. Ảnh: N.T
Mới đây, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị làm việc với chủ đầu tư, vận động thu hồi dự án, nghiên cứu chuyển đổi công năng theo hướng gắn kết với hoạt động của di tích Thành Điện Hải, khai thác mục đích công cộng...
Sông Hàn quan trọng với cảnh quan TP.Đà Nẵng. Ảnh: VOV
Ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP.Đà Nẵng cho biết, Sở đang chờ sự chỉ đạo cụ thể của UBND Thành phố nên chưa có kế hoạch, đề án cụ thể.
“Nếu tiến hành chuyển đổi thì không làm bảo tàng chung chung mà chỉ trưng bày những gì liên quan đến di tích quốc gia thành Điện Hải gồm, tài liệu, hiện vật, có thể làm những sa bàn mô hình, Trung tâm diễn giải lịch sử bằng công nghệ hiện đại (3D,4D). Sẽ chỉ giới thiệu những gì liên quan đến cuộc chiến 1858-1860. Đây mới chỉ là ý định chứ chưa có đề án, chưa có kế hoạch cụ thể”.
Nhà hàng và bến du thuyền trồi ra giữa dòng sông Hàn. Dự án có diện tích hơn 4.000m2 (diện tích đất hơn 2.100m2, diện tích đất có mặt nước là hơn 1.900m2). Từ năm 2008, dự án này được thành phố Đà Nẵng đồng ý cho Công ty TNHH I.V.C lập dự án đầu tư tại vị trí bờ Tây Sông Hàn (khu vực trước trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng). Năm 2009, UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt hồ sơ ranh giới sử dụng đất dự án. Theo đó, tổng diện tịch sử dụng đất là 6.800 m2 (trong đó có phần diện tích sử dụng đất phần mặt nước là 3.500m2). Sau đó, TP.Đà Nẵng đã giao đất không qua đấu giá cho Cty TNHH I.V.C sử dụng. Dự án này sau đó không được lãnh đạo TP.Đà Nẵng cho triển khai nên được chuyển về khu vực bờ Tây sông Hàn (đối diện trụ sở Hải quan Đà Nẵng). Tuy nhiên, một lần nữa dự án này vẫn không được lãnh đạo thành phố chấp thuận. Năm 2015, UBND Thành phố đồng ý chủ trương theo đề xuất của Sở xây dựng về việc chọn địa điểm di dời công trình nhà hàng của Cty TNHH I.V.C tại khu vực phía Nam dự án bãi đỗ du thuyền kết hợp Thương mại dịch vụ tại cảng sông Hàn. Dự án sau đó được triển khai, đến nay đã hoàn thành phần xây dựng. UBND TP.Đà Nẵng cho công ty TNHH I.V.C thuê đất để xây dựng nhà hàng và bến du thuyền tại khu vực phía Nam cảng sông Hàn (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) với diện tích 3.000m2 (trong đó hơn 1.600 m2 đất, hơn 1.300m2 đất có mặt nước) thời hạn 50 năm và trả tiền thuê đất hàng năm. Đến năm 2016, UBND TP.Đà Nẵng điều chỉnh diện tích thuê đất từ 3.000m2 lên hơn 4.000m2 (diện tích đất hơn 2.100m2, diện tích đất có mặt nước là hơn 1.900m2). |
V.H (t/h)