Xem phim để thêm hiểu về mảnh đất ngàn năm văn hiến
Bất cứ ai muốn hiểu hơn về mảnh đất, con người nơi đây cũng nên dành thời gian thưởng thức những tác phẩm này.
"Long Thành cầm giả ca" – hồn cốt Thăng Long xưa
Đây là bộ phim được thực hiện nhân sự kiện kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Phim dựa theo ý tưởng của bài thơ “Long thành cầm giả ca" của đại thi hào Nguyễn Du.
Phim tái hiện những vẻ đẹp đã mất của Thăng Long xưa
“Long thành cầm giả” ca xoay quanh cuộc đời và mối lương duyên của 2 nhân vật chính: Tố Như (Quách Ngọc Ngoan đóng) và Cầm (ca sĩ Nhật Kim Anh thủ vai), trải dài từ thuở mới lớn cho đến tuổi trung niên. Cầm là cô gái xuất thân trong gia đình có mẹ và dì đều là ca kỹ. Lớn lên, cô được gửi lên Long thành học đàn. Trên đường đến Long thành, Cầm tình cờ gặp và quen với tân khoa Tố Như khi anh đi thi về. Cuộc gặp gỡ tình cờ với cô bé có nốt ruồi nơi khóe miệng làm xao động tâm hồn Tố Như, dù rằng anh đã có vợ ở quê nhà.
“Chúng tôi phải tạo dựng không khí một thành Thăng Long 200 năm trước đầy biến loạn, ly tán nhưng vẫn phải tìm ra được những vẻ đẹp đã mất, tìm lại tâm hồn Việt xưa”, đạo diễn Đào Bá Sơn bày tỏ.
Mảnh đất này là nơi gửi gắm nhiều tâm sự của những trí thức, nghệ sĩ tài hoa...
Trên nền kịch bản giàu chất thơ của tác giả Văn Lê, đạo diễn dựng lên hồn cốt Thăng Long thông qua những điều rất riêng trong ứng xử, thể hiện tình cảm của các nhân vật hay nhiều cảnh quay có sự lựa chọn kỹ về bối cảnh, phục trang ở giai đoạn đất nước phải trải qua nhiều biến loạn.
“Long thành cầm giả ca” tái hiện một Thăng Long không phải của vua chúa, triều chính với người anh hùng mà là mảnh đất của những trí thức đau đời như Nguyễn Du, của người nghệ sĩ mong manh như cô Cầm. Đạo diễn Đào Bá Sơn “phục dựng” Kinh kỳ với vẻ đẹp đã mất, nơi có những kẻ sĩ chỉ xuất hiện ở mảnh đất văn hiến này. Ngay cả người ca kỹ cũng chỉ có thể đàn và hát thật hay khi còn ở Long Thành: “Mẹ bảo con là thuộc về nơi ấy, về Long Thành” (lời thoại trong phim của nhân vật Cầm).
Ta cũng bắt gặp tâm hồn Việt xưa ở những nhân vật: Tố Như, ca kỹ Cầm...
Trong phim, đạo diễn Đào Bá Sơn còn có nhiều cảnh quay đặc tả: những cô gái được thầy dạy đàn hát luyện âm trong chum, ngâm tay trong thuốc Bắc hay màn hát văn, lên đồng của ca nữ khiến quân xâm lược dù chẳng hiểu chữ tiếng Việt nào cũng bị khuất phục, để tạo nét văn hóa rất riêng biệt của mảnh đất Long Thành một thủa. Vì thế, tâm sự đau đáu của tác giả kịch bản Văn Lê: “Các triều đại có thể bị phế truất, thay đổi nhưng văn hóa dân tộc thì mãi mãi trường tồn” khi viết kịch bản này được đạo diễn Đào Bá Sơn “đọc” ra và thể hiện thành công.
Phim từng giành 3 giải Cánh Diều Vàng 2010 cho Phim truyện nhựa xuất sắc nhất, Biên kịch phim truyện nhựa xuất sắc nhất và Họa sĩ phim truyện nhựa xuất sắc nhất.
“Khát vọng Thăng Long” của Lý Thái Tổ
“Khát vọng Thăng Long” lấy bối cảnh là nước Đại Cồ Việt cuối thế kỷ X. Phim kể về cuộc đời của Lý Công Uẩn và Lê Long Đĩnh từ lúc nhỏ cho đến khi Lý Công Uẩn lên làm vua và ban Chiếu dời đô.
Phim kể về cuộc đời của Lý Công Uẩn từ lúc nhỏ cho đến khi lên làm vua và ban Chiếu dời đô
Phim từng giành giải Cánh Diều Bạc cho phim nhựa; 2 giải Cánh diều vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất (Lưu Trọng Ninh) và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất năm 2010.
Đặc biệt, “Khát vọng Thăng Long” cũng được chọn là phim đại diện cho Việt Nam tham dự Oscar lần thứ 84 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Các nhà làm phim dành nhiều tâm sức tìm hiểu kỹ về thời kỳ lịch sử này trước khi bắt tay thực hiện tác phẩm
Để đảm bảo tính chân thực của bộ phim lịch sử về vị vua có công lớn với đất nước như Lý Công Uẩn, các nhà làm phim hết sức cẩn thận, chu đáo trong giai đoạn tiền kỳ. Họ cất công tìm hiểu rất kỹ về tư liệu lịch sử thời kỳ này. Đó là nguồn thông tin lưu trữ trên khắp thế giới từ internet. Có khi, những trang tư liệu hình ảnh lịch sử hữu ích lại nằm trong thư viện điện tử thuộc... Bồ Đào Nha.
Bộ phim cố gắng tạo tính chân thật, thuần Việt từ phục trang đến khung cảnh
Không chỉ tự tìm kiếm, các nhà làm phim còn nhờ đến sự giúp đỡ bên ngoài từ cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Khán giả trên khắp mọi miền đất nước cũng như khắp nơi trên thế giới, đặc biệt, cộng đồng người Việt hậu duệ của nhà Lý tại Hàn Quốc phản hồi hơn hàng nghìn ý kiến thông tin cho bộ phận thiết kế của đoàn phim. Điều đó giúp tác phẩm đảm bảo được tính chân thật, thuần Việt nhất trong từng trang phục của dân thường, quan văn cũng như họa tiết trên mũ giáp binh khí của quân lính, tướng võ. Bởi vậy, hình ảnh Thăng Long xưa được tái hiện sống động.
"Sao tháng 8" – mốc lịch sử mở ra thời kỳ tự do
Khi đất nước vừa mới thống nhất, hòa bình (1976), đạo diễn Trần Đắc dành tâm huyết để làm bộ phim có giá trị lâu dài – “Sao tháng 8”. Bối cảnh lịch sử trong phim là từ tháng 2 đến tháng 8/1945 tại Hà Nội. Với sự đan cài khéo léo các tuyến nhân vật, chi tiết, bộ phim đầy hấp dẫn và đến nay vẫn còn rất hấp dẫn.
Phim tái hiện khung cảnh Hà Nội trong những tháng ngày sục sôi trước Cách mạng tháng 8/1945
Người xem thấy ở Hà Nội thời kỳ tiền khởi nghĩa nhiều loại nhân vật, từ người nông dân đến trí thức, người cách mạng đến những kẻ đang tâm câu kết với kẻ thù. Đáng nói nhất là cảnh các tầng lớp nhân dân ta đồng loạt nổi dậy chiếm phủ Khâm Sai. Kẻ thù rúm ró kinh sợ. Nông dân, thợ thuyền, trí thức và thậm chí cả binh lính cũng quăng súng nhập vào dòng người cách mạng đứng lên giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Việt Minh.
Người xem được sống lại những giờ phút trọng đại của lịch sử dân tộc
Cảnh lá cờ của quân cướp nước bị vứt xuống từ cột cờ trong dinh lũy cuối cùng của kẻ thù và thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng phấp phới, đánh dấu sự chấm hết của thời kỳ thuộc địa phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Đó là giờ phút trọng đại vào bậc nhất trong lịch sử của Hà Nội và cũng là của dân tộc. Giờ phút thiêng liêng và vinh quang được tái hiện trong phim như dấu ấn vĩ đại, bất tử.
Hình ảnh Bác trong “Hà Nội mùa đông 1946”
Đây cũng là phim ghi lại thời khắc lịch sử quan trọng của Hà Nội. Đó là vào mùa đông năm 1946, khi cuộc đàm phán tại Hội nghị Fontainebbeau (Pháp) thất bại, Hồ Chủ tịch ký tạm ước với Pháp để tranh thủ thời gian chuẩn bị đối phó với tình hình mới.
Những trăn trở của Bác về vận mệnh dân tộc được nhà làm phim khắc họa trong "Hà Nội mùa đông năm 1946"
Cả mùa đông năm 1946 là giai đoạn vô cùng căng thẳng, khi "chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết cướp nước ta một lần nữa".
Nội dung phim tập trung vào những hoạt động đối nội và đối ngoại đầy trí tuệ của Bác Hồ cùng các nhà lãnh đạo chính quyền cách mạng. Phim tái hiện những cảnh mang nhiều ý nghĩa lịch sử: Bác Hồ lặng lẽ suy nghĩ cân nhắc tình thế cách mạng; trong cuộc họp Chính phủ, Người hỏi vị tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang: "Có thể giữ Hà Nội được bao lâu?".
Người dân Thủ đô sẵn sàng cho cuộc chiến đấu của dân tộc
Và cuối phim, Bác và Trung ương, Chính phủ rời Thủ đô trở lại Việt Bắc lần thứ 2 trong cái đêm Hà Nội bắt đầu nổ súng, mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc 19/12/1946. Phía sau lưng Bác, cả một Hà Nội bốc cháy, bom đạn. Cảnh phim được tái hiện đầy bi hùng.
Giờ khắc người lãnh tụ vĩ đại mỗi bước mỗi rời xa Hà Nội, tâm hồn Người đầy xúc động, đầy quyết tâm. Bác ra đi là để trở về.
Tái hiện chân dung thế hệ “Sống mãi với Thủ đô”
“Sống mãi với Thủ đô” tái hiện hình ảnh Hà Nội năm 1946 do đạo diễn Lê Đức Tiến chỉ đạo thực hiện, ra mắt lần đầu năm 1996. Phim dựa theo tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” và “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Dù là trí thức, công nhân, học sinh... họ đều quyết tâm ở lại bảo vệ Thủ đô thân yêu
Năm 1946, thực dân Pháp không ngừng gia tăng khiêu khích nhằm kiếm cớ quay lại xâm lược Việt Nam. Chúng gây ra rất nhiều vụ sát hại đẫm máu để gây hấn. Đỉnh cao của sự kiện là chúng gửi tối hậu thư với nội dung trong vòng 24 giờ, ta phải giao nộp vũ khí và đầu hàng quân Pháp vô điều kiện. Biết không thể hòa hoãn thêm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Và từ đây, cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp bắt đầu…
Nhân vật chính trong phim là Trần Văn – một trí thức yêu nước, hiểu biết sâu sắc truyền thống lịch sử của dân tộc, khinh bỉ giàu sang, tự nguyện ở lại Hà Nội tham gia chiến đấu nhưng “tự đáy lòng, anh ghét chiến tranh, ghét cả cái tên của nó”.
"Sống mãi với Thủ đô" góp phần ca ngợi tình yêu nước của một thế hệ người Hà Nội
Cũng như Trần Văn, các học trò của anh trước giờ phút lâm nguy của Thủ đô, quyết sống chết không rời Hà Nội. Ta bắt gặp trong phim, hình ảnh những người Hà Nội trẻ sang trọng, lịch sự, dũng cảm. Dựng lại toàn bộ cuộc chiến đấu kéo dài 60 ngày đêm của quân dân Hà Nội, phim giàu tính nhân bản, ca ngợi lòng yêu nước và sự sống con người.
"Hà Nội 12 ngày đêm" – chiến thắng của Thủ đô anh dũng
Tác phẩm của đạo diễn Bùi Đình Hạc được thực hiện năm 2002 – 30 năm sau chiến thắng vĩ đại của trận Điện Biên Phủ trên không.
Lúc này, đạo diễn danh tiếng có độ lùi đáng kể về thời gian, với những suy tư, chiêm nghiệm, cùng nhiều điều kiện để áp dụng kỹ thuật hiện đại và đưa ra những cái nhìn mới về sự kiện to lớn của Thủ đô.
Như nhan đề, phim kể về cuộc chiến đấu 12 ngày đêm anh dũng của Hà Nội chống lại mưa bom từ kẻ thù
Đáng nói là “Hà Nội 12 ngày đêm” được sản xuất với chất liệu phim màu, và lần đầu tiên, sử dụng đến kỹ xảo vi tính tái hiện cuộc chiến tranh trên không. Hầu hết bối cảnh phim Việt Nam trước đây đều là dưới đất, thì ở đây, bối cảnh phim được mở rộng lên bầu trời với những khốc liệt, cam go và dữ dội của cuộc đối địch bằng không quân.
Lồng trong câu chuyện của đất nước, chuyện tình cảm của những người con Hà Nội đau thương mà anh dũng gây xúc động cho người xem
Bộ phim cũng phản ánh sự chiến đấu dũng cảm của những chiến sỹ tên lửa, chiến sỹ chiến đấu bằng không quân cùng với các lực lượng khác đầy quả cảm. Mối tình của tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân và cô giáo Hiền với những đau thương, mất mát để lại nhiều xúc động cho người xem. Hà Nội vốn là thế – anh dũng và cũng lãng mạn, nên thơ vô cùng.
"Em bé Hà Nội" – góc nhìn về chiến tranh của cô bé 12 tuổi
“Em bé Hà Nội” do Hãng phim Hà Nội sản xuất năm 1974, đạo diễn Hải Ninh thực hiện là tác phẩm thành công và để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí người xem khi đưa góc nhìn chiến tranh qua thân phận của em bé Ngọc Hà (NSND Lan Hương) mới 12 tuổi.
Chiến tranh được thể hiện qua góc nhìn của cô bé Hà Nội 12 tuổi
Sau Giáng sinh và đợt giội bom B52 của quân đội Mỹ, Ngọc Hà phải đi tìm bố mẹ cùng đứa em gái bị mất tích trong sự hoang tàn của thành phố. Cô bé chứng kiến cảnh những con phố thân quen, ngôi nhà, hàng cây, cảnh vật và con người bị phá hủy trong nỗi đau đớn tận cùng.
Qua những bước đi, tâm tư và cảnh ngộ của Ngọc Hà, tác giả gieo vào lòng người ấn tượng đau thương của chiến tranh. Cuối cùng, cô bé được những người lính tốt bụng giúp đỡ và hội ngộ em gái của mình. Bộ phim được sản xuất ngay những ngày đất nước còn chiến tranh, trong chia cắt và chỉ ngay sau khi trận giội bom khủng khiếp 12 ngày đêm của kẻ thù không xa.
Phim gây ấn tượng bởi diễn xuất sống động của dàn diễn viên
Với chất liệu phim đen trắng, cảnh vật như thật, diễn xuất sống động, đến tận bây giờ xem lại những thước phim này, chúng ta như có cảm giác được trở về với tháng ngày lịch sử đau thương mà hào hùng của Hà Nội thương yêu.
"Hà Nội mùa chim làm tổ" – hình ảnh Hà Thành thời còn gian khó
Bộ phim của đạo diễn Đức Hoàn là câu chuyện vừa đẹp vừa man mác buồn về Hà Nội và những người Tràng An ở thời còn nhiều gian khó.
Tác phẩm của đạo diễn Đức Hoàn kể câu chuyện về cuộc sống người Hà Nội những năm tháng còn gian khó sau khi đất nước thống nhất
“Hà Nội mùa chim làm tổ” xoay quanh câu chuyện của Nguyệt (Như Quỳnh đóng) có mối tình đẹp với Khánh (Trần Vân). Họ đang cùng mơ về ngày đẹp nhất trong đời mình thì những xung đột tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống giữa cha mẹ 2 bên, giữa chính họ đẩy cặp đôi dần xa nhau...
Với lối dẫn dắt nhẹ nhàng mà rất thấm, cách kể chuyện đầy nữ tính của đạo diễn Đức Hoàn, người xem sẽ lây cái buồn man mác của mối tình dang dở trong khi cùng sống lại không khí của thời Hà Nội còn lãng đãng với nhịp chầm chậm, thanh bình.
Người xem có thể cảm nhận nhịp sống chậm, thanh bình của Hà Nội xưa
Từ chính bộ phim này, ca khúc "Hoa sữa" của nhạc sĩ Hồng Đăng xuất hiện và có đời sống riêng trong lòng công chúng.
"Người Hà Nội" – cuộc sống thường nhật của Thủ đô những năm đầu Đổi mới
“Người Hà Nội” là bộ phim truyền hình dài tập do Hoàng Tích Chỉ và Đoàn Lê đạo diễn, ra mắt năm 1996. Chuyện phim dựa theo tiểu thuyết “Phố” của nhà văn Chu Lai. Phim gồm 3 tập: “Trở gió”, “Giấc mơ vàng” và “Người đàn bà xa lạ”.
Câu chuyện về "Người Hà Nội" lấy bối cảnh Thủ đô những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990
Lấy bối cảnh tại phố nhà binh những năm đầu Đổi mới, vào khoảng cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, phim xoay quanh cuộc sống đời thường của những người lính trở về sau chiến tranh.
Nội dung phim gần gũi, chân thực về cuộc sống đời thường của những người lính sau chiến tranh
Đã một thời, “Người Hà Nội” được các khán giả chờ đón từng tập phim bởi nội dung gần gũi, chân thực với cuộc sống đời thường nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
An Vinh