Xe ô tô trượt địa hình bằng động cơ máy bay của Liên Xô – như viễn tưởng mà hóa ra là có thật
Trong cái lạnh lên đến âm 45-50 °C, những chiếc "Sever-2" vẫn vun vút phóng đi trên tuyết và mặt băng dọc theo bờ sông Amur cho đến tận bờ sông Lena, Ob và Pechora để phục vụ việc chuyên chở hành khách và giao thư tín cho người dân vùng Viễn Đông của Nga, Siberia, và Kazakhstan.
Năm 1959, cục thiết kế máy bay trực thăng N.I. Kamov đã phát triển mẫu xe "Sever-2". Sau một thời gian dài thiếu hụt phương tiện giao thông đặc chủng cho vùng khí hậu băng giá vì chiến tranh thì sự xuất hiện của mẫu xe trượt mới vào năm 1959 quả thật là niềm vui khó nói thành lời với người dân. Những chiếc xe trượt tuyết "Sever-2" đầu tiên có cấu tạo gồm phần thân lấy từ xe ô tô Pobeda được gắn lên 4 ván trượt và sử dụng động cơ máy bay có công suất 260 mã lực.
Bình quân một chiếc xe trượt tuyết "Sever-2" làm nhiệm vụ chuyển phát bưu chính đi được quãng đường 12.000-15.000 km mỗi năm với tốc độ trung bình là 30-35 km/h.
Vậy là, chiếc xe hơi Pobeda đặt lên ván trượt và gắn động cơ máy bay AI-14 260 mã lực đã biến thành một phương tiện giao thông địa hình tốc độ cao đặc chủng dành riêng cho những khu vực lạnh giá quanh năm tuyết phủ ở phía bắc nước Nga.
Trong 2 năm từ 1960 đến 1961, 100 chiếc xe trượt tuyết bằng động cơ cánh quạt "Sever-2" đã được sản xuất và bán ra thị trường. Tuy nhiên, việc tạo ra những cỗ máy lai giữa xe hơi và máy bay này hóa ra lại là một thử nghiệm "hao tiền tốn của" mà tương lai thất bại đã được nhìn thấy từ trước.
Vấn đề là: ý tưởng "sử dụng thân xe hơi bằng thép tấm mỏng để làm thành xe trượt tuyết" quá điên rồ.
Cần biết rằng, thân của chiếc xe trượt tuyết bay phải chịu tải trọng động lớn hơn từ 5 đến 7 lần so với tải trọng mà một chiếc xe hơi phải chịu khi chạy trên đường bằng.
Các nhà thiết kế chỉ nhận ra điều này chỉ sau khi đã "đốt" hàng chục ngàn rúp.
PnM