Xây dựng thế trận lòng dân nơi biên giới: Sức mạnh đoàn kết và chủ quyền
Xây dựng niềm tin
Điện Biên là tỉnh miền núi có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại chưa thuận tiện, 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Với phương châm “ba bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám nhân dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Điện Biên triển khai nhiều dự án, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, giúp dân thoát nghèo bền vững, chung sức giữ biên cương. Điểm nhấn của công tác này ở đây là phổ biến Luật BPVN. Đây là đạo luật có nội dung hết sức quan trọng với công tác bảo vệ biên giới, tuy nhiên để nắm bắt một cách đầy đủ, đặc biệt với bà con dân tộc thì không phải việc dễ dàng trong thời gian ngắn. Xuất phát từ thực tế đó, cán bộ chiến sỹ Biên phòng Điện Biên sáng tạo rất nhiều cách tuyên truyền, qua đó đưa Luật BPVN đến được với nhiều người ở khắp các thôn bản.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ được tăng cường đến địa phương bám bản đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và gần dân, hiểu dân, xông xáo, tận tụy với công việc để bà con tin yêu, giúp đỡ. Nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân thoát nghèo và giữ gìn an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xác định rõ mục tiêu, đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai và phân công tổ chức thực hiện hiệu quả. Với sự đồng lòng, bền tâm, vững chí của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Luông, diện mạo xã đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Đồng bào vùng cao phấn khởi khi được giới thiệu về Luật Biên phòng Việt Nam |
Nhiều năm qua các chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông tham gia cùng bà con phát quang, sửa đường dân sinh, tổ chức khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, thường xuyên hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Mái ấm tình thương nơi biên cương”, mô hình “Hũ gạo chiến sĩ”, tình quân dân thêm gắn bó, khăng khít.
Từ lâu, người dân nơi đây coi Đồn Biên phòng Thanh Luông là điểm tựa của dân bản, các cán bộ, chiến sĩ tận tụy hỗ trợ sinh kế, tuyên truyền vận động, tệ nạn ma túy dần được đẩy lùi, đời sống bà con ngày một khấm khá. Bên cạnh đó còn hướng dẫn người dân làm kinh tế để thoát nghèo.
So với các địa bàn khác trong tỉnh, Na Cô Sa là một trong những xã nghèo nhất của huyện nghèo Nậm Pồ, đường sá đi lại rất khó khăn, dân cư phân tán, chủ yếu là dân tộc Mông, hơn 70% số hộ là hộ nghèo, tập quán canh tác còn lạc hậu. Ðứng chân trên địa bàn xã, được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 17 km đường biên giới, những người lính Ðồn Biên phòng Na Cô Sa luôn nỗ lực từng ngày, vượt lên mọi gian khó hoàn thành tốt nhiệm vụ và tham mưu, đồng hành cùng địa phương triển khai nhiều mô hình thiết thực giúp dân thoát nghèo hiệu quả.
Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Chi đoàn Đồn phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã triển khai mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng, hỗ trợ điểm một hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tham gia góp vốn cùng gia đình mua con giống, cây trồng, sau khi đánh giá đạt hiệu quả sẽ huy động các nguồn vốn từ tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ nhân rộng.
Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cho biết, đơn vị đã cử 4 cán bộ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, 29 đồng chí tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã cùng 83 đảng viên của các đồn biên phòng thường xuyên sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản biên giới, 430 đảng viên các đồn phụ trách 1.640 hộ nghèo trên địa bàn biên giới là lực lượng nòng cốt nắm bắt tình hình, tuyên truyền pháp luật, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, bài trừ hủ tục, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, góp sức củng cố cơ sở chính trị ở địa phương, xây dựng cuộc sống mới no ấm, yên vui.
Cùng nhau thực thi Luật Biên phòng Việt Nam
Những người lính mang quân hàm xanh đã phổ biến Luật BPVN khắp các bản làng vùng cao. Nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, khẳng định tính hiệu quả trong thực tiễn như tổ chức hội nghị luân phiên các bản, trình chiếu slide với nhiều hình ảnh sinh động kết hợp mô hình loa kéo biên phòng với nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Dù đời sống khó khăn nhưng bà con vẫn kiên cường bám bản, không di cư, không theo tà đạo, tôn giáo lạ, không đốt rừng làm nương, khai thác lâm sản, không buôn bán, vận chuyển ma túy, không xuất nhập cảnh trái phép, chung tay cùng với Bộ đội Biên phòng giữ bình yên biên giới.
Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong trong tình hình mới” ngày càng lan tỏa sâu rộng, hoạt động của các tổ tự quản đường biên, mốc giới, tự quản an ninh trật tự thôn bản ngày càng nền nếp. Không chỉ tích cực tham gia tuần tra đường biên, bảo vệ cột mốc, bà con còn là “tai mắt” báo tin để Bộ đội Biên phòng đấu tranh, ngăn ngừa kịp thời nhiều vụ việc, răn đe các đối tượng.
Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ biên phòng còn ứng dụng khoa học công nghệ để tuyên truyền Luật Biên phòng đến với người dân. Việc sử dụng fanpage và mạng xã hội là một chiến lược tuyên truyền hiệu quả. Các bài đăng thường xuyên về hoạt động của đơn vị, đời sống sinh hoạt, và văn hóa thể thao giúp mọi người dễ tiếp thu thông tin và nâng cao nhận thức. Điều này đồng thời tạo cơ hội cho cộng đồng để chia sẻ thông điệp và kết nối.
Thông qua những biện pháp tích cực này, Bộ đội Biên phòng Điện Biên đã tạo ra một thế trận lòng dân vững chắc, làm tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước trước mọi thách thức. Sự đoàn kết và lòng dân đồng lòng với quân đội là chìa khóa quan trọng giữ vững chủ quyền và an ninh biên giới.