WWF khảo sát nhu cầu người dân và doanh nghiệp trồng rừng trước hiệp định VPA/FLEGT
Đàm phán VPA/FLEGT bắt đầu thực hiện từ tháng 11 năm 2010. Bên cạnh khối lượng lớn các nội dung cần đàm phán, tiến trình này bị kéo dài do tồn tại những khác biệt giữa Việt Nam và EU trong một số vấn đề liên quan đến việc xác minh nguồn gốc gỗ nhập khẩu và quy trình cấp phép FLEGT. Tuy vậy, với quyết tâm và nỗ lực của các bên tham gia, Việt Nam và EU, đến thời điểm này, đã có những giải pháp cho những khác biệt để đi đến thống nhất các nội dung trên.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng đoàn đàm phán cấp cao của Việt Nam cho biết, kết thúc phiên đàm phán cấp cao lần thứ 5, hai bên cơ bản đã đạt được tiến triển quan trọng nhất đối với các vấn đề mấu chốt của Hiệp định. “Phiên đàm phán cấp cao lần thứ 5 cũng đã chuẩn bị cơ sở nền tảng cho việc kết thúc đàm phán Hiệp định theo tinh thần mà lãnh đạo cao cấp hai bên đã tuyên bố”.
Đoàn cán bộ WWF và các phóng viên, nhà báo tại xã Ayun, huyện Mangyang, tỉnh Gia Lai
Trong thời gian diễn ra tiến trình đàm phán, WWF đã có nhiều hoạt động, dự án kết hợp cùng Tổng cục Lâm nghiệp nhằm đưa ra các khuyến nghị nhằm xác minh tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ từ các nguồn khác nhau cũng như các giải pháp cho quy trình cấp phép FLEGT. Đây là bước chuẩn bị cần thiết cho phiên đàm phán cấp cao mà tại đó lãnh đạo của hai bên sẽ xem xét để đi đến thống nhất và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong lần đàm phán cuối cùng.
“WWF tổ chức hoạt động này với mục đích tập trung vào việc chia sẻ, tuyên truyền các bài học kinh nghiệm trong tiến trình đàm phán Hiệp định, chúng tôi mong muốn chuyến dã điền sẽ giúp các nhà báo hiểu rõ về tác động của VPA/FLEGT tới doanh nghiệp, người trồng rừng nhằm hạn chế những tác động tiêu cực mà Hiệp định có thể xảy ra đối với công việc sản xuất kinh doanh của các đối tượng này”, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng đoàn WWF cho biết.
Trong buổi dã điền tại Công ty TNHH Thanh Hòa (Bình Định), một công ty đã có gần 20 năm hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm gỗ, ông Trần Thiên, giám đốc công ty cho biết Việt Nam có nguồn tài nguyên rừng phong phú, các sản phẩm gỗ đưa vào sản xuất tương đối sạch tuy nhiên trên thị trường quốc tế, sản phẩm của chúng ta chưa được đánh giá cao, chưa có thương hiệu lớn. “Sau khi được cấp chứng nhận FLEGT, gỗ Việt Nam sẽ có vị thế trên thị trường lớn EU, đáp ứng mọi quy định nghiêm ngặt về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đây là cơ hội cho người trồng rừng, doanh nghiệp sản xuất gỗ”.
Ông Trần Thiên, Giám đốc công ty Thanh Hòa (Bình Định)
Bên cạnh những cơ hội, ông Thiên đưa ra nhận định doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi thực thi Hiệp định, điều này đòi hỏi cần có sự chuẩn bị, thống nhất từ các cấp, ngành quản lý tới địa phương.
“Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết sẽ là cơ hội rất tốt cho Việt Nam, tất nhiên người trồng rừng và doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị, đáp ứng các quy định nghiêm ngặt nhằm đưa gỗ Việt ra thị trường lớn, tăng giá trị và ổn định lâu dài. Hy vọng các cấp, ngành, đặc biệt là Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Gỗ sẽ kết hợp cùng các tổ chức phi chính phủ giám sát, truyền thông việc thực thi Hiệp định đạt hiệu quả cao nhất”, ông Thiên nói.
Để thực hiện việc này, WWF sẽ tiếp tục tiến hành hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng đề án phân loại doanh nghiệp, tập huấn về hệ thống phân loại doanh nghiệp cho các hiệp hội và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, WWF tổ chức các hội thảo tham vấn, diễn đàn để tập hợp các ý kiến đóng góp từ các bên liên quan như cộng đồng, doanh nghiệp. Các ý kiến được gửi cho đoàn đàm phán của Việt Nam sử dụng trong quá trình đàm phán.
Hoàng Vũ