World Vision-Mavin: Trao “cần câu cá” cho nông dân bằng heo giống
Ngày 25/9, tại Hà Nội, tổ chức Tầm nhìn Thế giới và Tập đoàn Mavin đã ký kết Thoả thuận hợp tác về hỗ trợ sinh kế cho người nghèo tại Việt Nam. Hai bên sẽ hợp tác thông qua một dự án 3 năm để hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình thuộc các nhóm nông nghiệp tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Tầm nhìn Thế giới - Mavin hợp tác trao "cần câu cá" cho người nghèo tại Thanh Hoá.
Tặng "cần câu" chứ không tặng "con cá"
Với mong muốn “tặng cần câu chứ không tặng con cá”, dự án sẽ hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ nhằm tạo ra thu nhập và cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình và cộng đồng địa phương. Bước đầu dự án thực hiện với mô hình nuôi lợn.
Có hợp phần sinh kế tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới nhận thấy những hộ gia đình tại đây từng nuôi lợn và họ phù hợp với hình thức nuôi lợn. Tuy nhiên, những hộ gia đình nuôi lợn trước đây rất ít, quy mô nhỏ. Họ cũng chưa bao giờ áp dụng kỹ thuật bài bản nên năng suất và chất lượng thịt không cao.
Với lợi thế hoạt động theo chuỗi giá trị khép kín “từ nông trại đến bàn ăn”, Tập đoàn Mavin sẽ hỗ trợ tạo sinh kế bền vững cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ thoát nghèo và cải thiện cuộc sống.
Theo đó, hàng chục hộ nông dân nghèo sẽ được cấp con giống lợn (8-10 con/hộ) và được hỗ trợ đầy đủ về thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và kỹ thuật chăn nuôi cho tới khi xuất bán. Tập đoàn Mavin cũng sẽ cam kết hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi tham gia chương trình này. Kết quả của giai đoạn 1 sẽ được đánh giá để làm cơ sở nhân rộng mô hình trên quy mô lớn hơn trên toàn quốc.
Tập đoàn Mavin sẽ cung cấp lợn giống và thức ăn chăn nuôi cho người dân. Ảnh Mavin.
Ông David John Whitehead, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Mavin cho biết, thay vì hỗ trợ tài chính để người dân nghèo vượt qua khó khăn trước mắt thì việc hỗ trợ tạo sinh kế mang tính bền vững sẽ giúp họ biết và làm chủ được một nghề có thể tạo ra thu nhập ổn định và từ đó làm giàu. Đó là ý tưởng chủ đạo của các dự án an sinh xã hội của Tập đoàn Mavin.
“Bằng cách này, chúng tôi vừa giúp người nông dân thoát nghèo, vừa giúp họ tiếp cận cách chăn nuôi hiệu quả với sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời cũng đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông David John Whitehead nói.
Những thay đổi lâu dài
Bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam nhận định: Cũng nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để đảm bảo đầu ra bao tiêu, sẽ không chỉ tăng thu nhập đơn thuần cho người dân mà còn trao quyền cho họ, giúp họ chủ động trong việc định hướng về sinh kế của gia đình. Người dân sẽ có cách nhìn tổng thể giữa việc sản xuất với việc tiêu thụ như thế nào và có sự phối hợp, hợp tác với nhau trong cộng đồng để cùng gia tăng sản xuất. Đồng thời, người dân cũng có cơ hội tiếp cận với những giống mới, kỹ thuật mới có thể áp dụng tại địa phương, phù hợp với hoàn cảnh của họ.
“Với sự thay đổi tư duy về sinh kế, sẽ giúp cộng đồng, đặc biệt người dân tộc thiểu số tăng thu nhập thì con em của họ sẽ có đời sống tốt hơn. Chúng tôi hy vọng với sự hợp tác này, sẽ giúp cho trẻ em Việt Nam có cuộc sống tốt hơn, mang lại những thay đổi lâu dài, tích cực cho trẻ em ở những vùng quê xa xôi”, bà Trần Thu Huyền chia sẻ.
Theo bà Huyền, chiến lược chung của Tầm nhìn Thế giới là hỗ trợ những trẻ dễ bị tổn thương nhất. Tổ chức này có những tiêu chí đa chiều để xác định những trẻ bị tổn thương và thường những trẻ này đến từ những gia đình rất nghèo của các bà mẹ có hoàn cảnh đặc biệt như đơn thân, bệnh tật.
“Khi tôi đến nhiều vùng quê ở Thanh Hóa thì những người chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn thường là phụ nữ. Người mẹ có trách nhiệm rất lớn trong việc chăm sóc con cái; do đó, tôi tin rằng số phụ nữ sẽ tham gia vào dự án này sẽ rất nhiều”, bà Huyền nhấn mạnh.
Thùy Linh