Website của Cục NTBD không cấp phép cho ca khúc nào của Văn Cao?
Chưa bao giờ chủ đề "cấp phép lưu hành các ca khúc" lại được quan tâm nhiều như thời gian gần đây. Đơn vị quyết định việc cấp phép lưu hành các tác phẩm nghệ thuật là Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch.
Để tiện cho việc quản lý và phổ biến thông tin, 2 đơn vị nói trên đã cho đăng tải danh sách các ca khúc được phép lưu hành trên website chính thức của đơn vị.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong danh sách các ca khúc được cấp phép lưu hành của 2 đơn vị nói trên lại có sự chênh lệch khá lớn.
9 ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép lưu hành.
Đơn cử với các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao, nếu tìm kiếm trên website của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch với từ khóa "Văn Cao" sẽ trả về kết quả 9 tác phẩm được phép lưu hành là: Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Quốc ca, Chiều buồn trên bến Bạch Đằng, Cung đàn xưa, Trương Chi, Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai, Buồn tàn thu.
Ngoài 2 ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịchvà Quốc ca được cấp phép vào năm 2009 thì cả 7 tác phẩm còn lại đều được cấp phép lưu hành từ tháng 10 năm 1989.
Tuy nhiên, nếu tìm kiếm bằng từ khóa "Văn Cao", trên website của Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ không trả về bất cứ tác phẩm nào nằm trong danh sách các ca khúc được phép lưu hành.
Danh mục các ca khúc được phép lưu hành của Cục Nghệ thuật Biểu diễn không có tác phẩm nào của nhạc sĩ Văn Cao.
Thế nhưng, trong danh sách "Các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến" của Cục Nghệ thuật Biểu diễn có 7 ca khúc được biết tới là tác phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao, song lại được Cục cấp phép lưu hành với tên tác giả là Văn Chung.
Sự chênh lệch giữa số lượng ca khúc được cấp phép lưu hành và tên tác giả sáng tác giữa 2 đơn vị nắm quyền quản lý đã khiến khán giả yêu nhạc Văn Cao tỏ ra khó hiểu.
Hiện tại, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vẫn chưa đưa ra lời giải đáp cho sự việc kể trên.
Phong Lữ