Vươn khơi bám biển gặp khó vì thiếu hụt lao động
Cao Bằng: Nhức nhối vượt biên lao động "chui" Vượt biên lao động "chui": Những hậu hoạ khó lường Cao Bằng: Tình trạng công dân vượt biên qua biên giới lao động "chui" tăng theo từng năm |
Thu nhập thất thường khiến lao động không mặt mà với nghề
Có cửa biển nước sâu, khu neo đậu rộng hơn 60 ha và thuận lợi thông thương buôn bán nên cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng) được nhiều chủ tàu khu vực Trung bộ chọn làm bến đậu, lên hàng, bán cá và sửa soạn ra khơi.
Các tàu cá phải neo đậu tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) khi chưa tìm đủ bạn biển để vươn khơi. (Ảnh: Thảo Ngân). |
Nhưng cũng có những thời điểm cảng cá này trở nên vắng vẻ, bởi nhiều tàu phải nằm lại bờ vì thiếu lao động; trong đó, chủ yếu là các tàu chuyên đánh bắt xa bờ, đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Bình...
Anh Trần Minh Thọ, chủ tàu QNG 94483-TS, trú tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, do chưa có đủ bạn đi biển nên tàu anh đang phải nằm lại bờ.
Với con tàu công suất 700 CV, mỗi chuyến vươn khơi, anh Thọ cần ít nhất từ 10 - 12 lao động, tuy nhiên, hiện anh mới tìm được 8 lao động; trong đó đa phần là lao động đã gắn bó với anh nhiều năm.
Dẫu biết là vất vả khi thiếu bạn biển, nhưng để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, nhiều lần anh phải chấp nhận để tàu ra khơi khi số lượng thuyền viên còn quá ít.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm bạn biển, anh Trần Sinh, một ngư dân Đà Nẵng cho biết, tiền công lao động đi biển được trả theo chuyến. Nếu chuyến nào đánh bắt nhiều, tiền công cho bạn biển sẽ cao, còn nếu bắt được ít cá thì tiền công cũng ít đi.
Thu nhập thất thường, không ổn định, công việc lại vất vả nên nhiều lao động không "mặn mà" với nghề đi biển. Nếu chuyến biển thua lỗ hay không hợp với chủ tàu thì họ sẵn sàng bỏ việc để sang làm cho tàu khác.
Tương tự, do thiếu bạn biển nên chủ tàu Nguyễn Ngọc Linh, trú tại xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) vừa phải chuyển nghề đánh bắt vì không muốn tàu phải nằm bờ.
Ông Linh chia sẻ, với nghề lưới rê trước đây, mỗi chuyến đi biển, ông cần ít nhất 12 bạn biển. Nhưng do hiện chỉ có 5 bạn biển, nên ông buộc phải chuyển sang nghề giã cào để duy trì hoạt động đánh bắt.
Thu nhập thất thường, tùy theo số hải sản sau từng chuyến, công việc lại vất vả nên các thanh niên trẻ không còn “mặn mà” với nghề bạn biển. (Ảnh: Thảo Ngân). |
Bên cạnh đó, số lao động biển có kinh nghiệm thì ngày càng già, không có đủ sức khỏe để bám trụ với nghề biển. Trong khi các thanh niên trẻ thì chưa yêu nghề, thiếu kinh nghiệm, dẫn tới thiếu hụt lớp bạn biển kế cận.
Để có thuyền viên đi cùng, ông Linh vẫn phải chấp nhận những lao động lần đầu tiên đi biển, nhưng nếu tiếp tục tình trạng này, ông buộc phải thanh lý con tàu của mình.
Cần có những ưu đãi để giữ bạn biển
Trong khi nhiều tàu đang "đỏ mắt" tìm lao động, anh Dương Ngọc Hoanh chủ tàu QNG 98633-TS, trú tại xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đang sửa soạn những trang thiết bị cần thiết để vươn khơi.
Anh Hoanh cho biết, việc thiếu bạn biển là tình trạng chung của các chủ tàu hiện nay. Nếu muốn có đủ người cho mỗi chuyến vươn khơi thì các chủ tàu phải ứng trước tiền công và phải đối xử khéo léo để luôn được các bạn biển yêu quý.
Anh Hoanh chia sẻ, năm 2018, anh đã đi được 9 chuyến với tổng sản lượng khai thác được gần 80 tấn thủy hải sản các loại. Trừ chi phí, anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 12 lao động, với thu nhập từ 70 - 75 triệu đồng/người/năm.
Để giữ chân bạn biển, anh Hoanh thường xuyên thưởng tiền, tặng quà vào các dịp lễ tết, nên anh em thuyền viên rất phấn khởi. Khi lo được đời sống ấm no cho bạn biển, anh em sẽ vui vẻ cùng nhau sửa soạn lại ngư lưới cụ, đá, lương thực, thực phẩm để chuẩn bị vươn khơi.
Các "bạn biển" sẽ gắn bó lâu năm nếu có thu nhập ổn định, đời sống ấm no và được chủ tàu đối xử tốt. Ảnh: Thảo Ngân. |
Là bạn biển gắn bó với anh Hoanh hơn 10 năm, anh Nguyễn Thanh Sinh, càng thấu hiểu được sự khó khăn của các chủ tàu trong trước mỗi chuyến vươn khơi. Chính tình cảm của vợ chồng anh Hoanh đối với các bạn biển đã giúp anh em gắn bó với tàu như "ngôi nhà" thứ hai của mình.
Anh Sinh tâm sự, không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất, vợ chồng anh Hoanh luôn động viên lúc gia đình thuyền viên gặp khó khăn. Những bữa ăn thân tình do vợ chồng anh Hoanh nấu cho bạn biển trước mỗi chuyến vươn khơi khiến tình cảm các thuyền viên ngày càng gắn bó và coi nhau như anh em ruột thịt trong gia đình.
Theo ông Đặng Duy Hải – Phó trưởng văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng thì tại cảng cá Thọ Quang, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có trên 7.600 lượt tàu cá các tỉnh thành ra vào, với sản lượng kê khai trên 54.886 tấn hải sản.
Trong khi các đội tàu ngày càng phát triển, thì lao động lại ngày càng khan hiếm. Nghịch lý này vẫn đang diễn ra và đã gây không ít khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản tại nhiều địa phương, không chỉ riêng Đà Nẵng.