Vụ thủy sản Phương Nam: 'Em sẽ nuôi con ăn học ra sao khi anh vào tù'
Chiều 30/7, phiên tòa xét xử "đại án" tại Công ty Phương Nam (Sóc Trăng) đã kết thúc phần tranh luận. Đại diện cơ quan công tố tiếp tục buộc tội 27 bị cáo như cáo trạng của VKSND tối cao đã quy kết.
Trong đó, nguyên Kế toán trưởng Thủy sản Phương Nam là Lâm Minh Mẫn và Phó giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng bị đề nghị tuyên phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 25 bị cáo còn lại vẫn bị cáo buộc Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo vị ủy viên công tố, những bị cáo tham gia vào quá trình tái cơ cấu tại Công ty Phương Nam được xem như có khắc phục hậu quả. Đây là tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX ghi nhận, xem xét cho những bị cáo có tình tiết này khi đưa ra mức án.
Được nói lời sau cùng, Mẫn xin HĐXX tuyên án nhẹ để bị cáo sớm được về với gia đình. Trịnh Thị Hồng Phượng tiếp tục khóc, cho rằng việc làm của mình là vô ý. Nữ bị cáo cho biết, bản thân đang nuôi con nhỏ nên mong được HĐXX miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cựu giám đốc ngân hàng bật khóc khi nghe đồng nghiệp xin tội Nghe bị cáo từng là cán bộ nhà băng tỏ ra ăn năn và xin HĐXX tuyên án nhẹ, nguyên Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (sở giao dịch Hậu Giang) đã bật khóc.
Khóc nhiều nhất là ông Đỗ Hùng Sở, nguyên Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Sở giao dịch Hậu Giang. Bị cáo 48 tuổi nói rằng, có cha là liệt sĩ, đang nuôi mẹ già 93 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì vậy, cựu giám đốc ngân hàng xin HĐXX tuyên án cho mình bằng với những ngày bị tạm giam (gần 2 năm).
Ông Đỗ Hùng Sở (đeo kính) luôn thành khẩn khai báo và nhiều lần khóc tại tòa.
Đáng chú ý là lời nói sau cùng và cử chỉ của Nguyễn Thanh Long (nguyên Giám đốc Sacombank chi nhánh Sóc Trăng) với Kim Hoàng Minh Tân, nguyên Trưởng phòng Quản lý tín dụng Ngân hàng An Bình chi nhánh Bạc Liêu.
Trong gần 10 phút "trải lòng" của mình, ông Long nói trước đây, do tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm nên không nhận diện được rủi ro, thiếu kiểm tra sát sao, để xảy ra hậu quả như hôm nay. Giờ nhìn lại, bị cáo rất hối hận về công tác quản lý, điều hành chi nhánh của mình, đặc biệt là những hồ sơ liên quan đến vốn vay tại Công ty Phương Nam. Ông Long cũng xin HĐXX ít phút để bày tỏ tâm tư, tình cảm với đồng nghiệp và gia đình.
"Anh xin lỗi các em là thuộc cấp của anh. Vai trò là người quản lý, anh đã không lường được hậu quả, làm cho các em mất đi tuổi trẻ sung mãn. Tương lai của các em sẽ về đâu khi lý lịch có ghi tiền án. Hậu quả này cũng có thể làm cho gia đình các em bị ly tán", bị cáo 39 tuổi chia sẻ với 5 đồng nghiệp bị truy tố cùng hành vi với mình.
Ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Giám đốc Sacombank Sóc Trăng) nói lời sau cùng nhiều nhất và liên tục bày tỏ tình cảm với gia đình, đồng nghiệp.
Cựu giám đốc chi nhánh ngân hàng khóc tại toà Trong những lần kiểm kho, doanh nghiệp của đại gia thủy sản đều ghi khống lượng hàng tồn có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng khiến ngân hàng "sập bẫy". Cựu giám đốc Sacombank Sóc Trăng cũng nói nhiều về đấng sinh thành. Bị cáo Long xin lỗi người cha tuổi già sức yếu và hứa sau này khi mọi chuyện qua đi, ông sẽ nỗ lực trở thành người con hiếu thảo.
"Anh xin lỗi vợ và hai con. Với đồng lương còm cõi, em sẽ nuôi con ăn học ra sao khi anh vào tù. Khi xưa, em rất vui vì lấy được người chồng hiền lành, không chơi bời. Nhưng cuộc đời quá nghiệt ngã, người ta lợi dụng sự hiền lành, chân thật của anh để lừa đảo, làm cho anh đứng trước bờ vực tù tội", ông Long nói lời sau cùng khiến nhiều người chung hoàn cảnh đã bật khóc.
Trước lúc rời tòa, thẩm phán Thái Rết khuyên các bị cáo hãy hết sức bình tĩnh bởi luật pháp nghiêm minh nhưng có tính nhân đạo và rất nhân văn.
"Các bị cáo đừng suy nghĩ nhiều, dù HĐXX tuyên án như thế nào thì mỗi người phải biết vượt lên tất cả. Đối với lãnh đạo 5 ngân hàng, số tiền tranh chấp dù tòa tuyên ra sao cũng nên vui vẻ, bởi tất cả cán bộ ngân hàng là đồng nghiệp của nhau", ông Rết nói.
Dự kiến chiều 3/8, HĐXX sẽ tuyên án.
Zing News