Vụ nghi gian lận tuổi Công Phượng: Ai mới là kẻ coi thường pháp luật?
Cầu thủ U19 Công Phượng đang là tâm điểm của dư luận vì bị nghi ngờ gian lận tuổi.
Một số kênh truyền thông đang thổi bùng câu chuyện nghi ngờ "gian lận" tuổi của cầu thủ Công Phượng. Theo đó, họ cho rằng, cầu thủ này trên tuổi 19, thậm chí khoảng 22 tuổi, tức là "phải" sinh năm 1992 thay vì hồ sơ ghi sinh năm 1995.
Tuy nhiên, các "bằng chứng" bảo vệ cầu thủ này từ giấy khai sinh "gốc" và học bạ đều chỉ ra rằng, cầu thủ này sinh năm 1995. Nhưng ngay đến các văn bản này cũng đã được các cơ quan truyền thông nói trên tiếp tục mổ xẻ để chỉ ra những điểm thiếu xót mà theo họ, đến mức "vô hiệu" về mặt pháp luật. Đó là giấy khai sinh không có số, không được vào sổ lưu ở địa phương, tức là về mặt quản lý nhà nước thì chưa từng tồn tại giấy khai sinh này. Nói một cách khác, theo họ, đó là giấy khai sinh không hợp lệ, thậm chí là "có vấn đề". Về cuốn học bạ của Phượng cũng được chỉ ra rằng có những "vấn đề" không bình thường.
Bỗng nhiên Phượng bị "đánh". Và nếu câu chuyện gian lận là có thật thì việc Phượng bị "đánh" được hiểu như là hiển nhiên, là hoạt động "bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật". Về dư luận, nhiều chiều khác nhau trước vụ việc này. Có nhiều ý kiến ủng hộ "làm cho ra ngô ra khoai" để bảo vệ tính nghiêm minh của luật pháp. Cũng có suy luận cho rằng, Phượng có vấn đề "cá nhân" gì với ai đó nên bị "đánh" chăng. Nhưng không ít dư luận nói thẳng rằng, có thể, ông bầu của U19, bầu Đức mới là đích đến của "hòn tên mũi đạn".
Dù tính đúng đắn cần được bảo vệ; nhất là khi để bảo vệ lẽ công bằng và nghiêm minh, dù cho các đồn đoán có thể là vì Phượng hay vì ông bầu lắm tiền, chịu chi và nhiều tham vọng đưa lứa "con cưng" vào chiếm đa số trong tuyển U23. Nhưng người ta chỉ làm các chương trình điều tra, công bố khi đã chắc chắn chứng lý cáo buộc rõ ràng sai phạm của cá nhân. Đằng này, sau nhiều loạt ầm ĩ, vẫn chưa có gì...
Dù đã bị "đánh" thì rút cuộc, sau các phẫu thuật pháp lý với giấy khai sinh gốc và học bạ, điều chắc chắn là bên cáo buộc chưa thể khẳng định được cầu thủ Công Phượng có cố tình làm sai lệch hồ sơ tuổi cá nhân để được "lọt" vào đội U19 hay không? Hay nếu chuyện đó là có thì do chủ ý của ông bầu?
Và thậm chí, nếu là có nhưng không phải vì mục tiêu để vào U19, không phải do chủ đích của Công Phượng cũng chẳng phải do ông bầu mà chỉ đơn giản là một sự làm sai "hồn nhiên" vốn đã thường thấy ở nhiều địa phương và vào một ngày đẹp trời nào đó trong khoảng tiểu học, bố mẹ Phượng nhớ là cần phải có một cái giấy khai sinh. Thế thì câu chuyện pháp lý hay cố tình vi phạm pháp luật lúc này sẽ đi đến đâu? Những người đang thổi câu chuyện pháp lý liên quan đến Phượng có tính đến trường hợp sai phạm "hồn nhiên" đã diễn ra như cơm bữa ở nhiều vùng quê? Hay gần đây nhất là trong vụ trẻ em bị "bán" ở chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội, khi các phóng viên điều tra lần theo một nữ bị can (đã bị bắt) về quê thì mới phát hiện ra, chính quyền xã ở đây đã từng cấp khống hàng chục giấy khai sinh trẻ em theo kiểu quen biết, nhờ vả mà chẳng phải vì họ cùng một mục đích cụ thể là để "bán" trẻ hay để em bé nào đó sau này được vào đội tuyển x, y, z.
Dù thế nào đi chăng nữa, người ta cũng phải đặt lại câu hỏi về ai là người đang coi thường phép nước trong vụ nghi ngờ gian lận tuổi. Nếu có thể chứng minh sự gian lận tuổi là có thật thì điều rõ nhất, hiển nhiên nhất về sự coi thường pháp luật chính là chính quyền địa phương, nơi đã xác nhận trên các giấy tờ nói trên. Ấy thể mà cái "đương sự" coi thường luật pháp (nếu có thể chứng minh được là gian lận) đang sờ sờ ra đấy thì không thấy các cơ quan truyền thông kia tỏ thái độ quyết liệt như họ đang rất quyết liệt "bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật". Chỉ thấy kẻ đang được bêu lên trước công chúng cả nước lại là Công Phượng, một cầu thủ nổi tiếng và nhiều triển vọng. Chỉ thấy, cái đích mà sự nghiêm minh đang dồn hết vào là Công Phượng chứ không phải là cái cơ quan đã cộp dấu xác nhận nhân danh luật pháp.
Nhưng vẫn phải lật lại câu hỏi đối với trường hợp của Phượng. Nếu thực sự không có sự gian lận tuổi và những sai sót được chỉ ra chỉ là những lỗi, vi phạm ấu trĩ vốn vẫn thường thấy ở nhiều địa phương thì các chương trình truyền thông được thổi bùng lên nhắm vào Phượng thực chất là gì? Và ai sẽ chịu trách nhiệm nếu không thể chứng minh được trực tiếp rằng Phượng hay ông bầu nọ cố tình vi phạm pháp luật về tuổi tác của em?
Công Phượng có thể có lý do để bị nghi ngờ vì những lợi ích cá nhân. Ông bầu Đức cũng có thể có lý do bị nghi ngờ vì lợi ích của chương trình bóng đá đầy tham vọng. Còn các cán bộ nhà nước tay cầm con dấu thì sao? Vì sao các cán bộ tay cầm con dấu pháp luật ấy lại không phải là mục tiêu chính của hành động "bảo vệ sự nghiêm minh pháp luật"?
Hoàng Đình