Việt Nam là thị trường xuất nhập khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Ấn Độ
Đại sứ Parvathaneni Harish phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Như Quỳnh)
Phát biểu tại hội thảo “Ấn Độ - Việt Nam: Triển vọng cho sự thịnh vượng và hợp tác” ngày 21/9, tại Hà Nội, Đại sứ Parvathaneni Harish cho biết, năm 2017 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Việt Nam, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Hai bên đã mở rộng và thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế, khoa học - giáo dục, văn hóa - xã hội. Trong đó, quan hệ hợp tác chính trị - ngoại giao và an ninh - quốc phòng là những lĩnh vực vượt bậc.
Trước đó, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 9/2016, các cơ quan, đối tác của hai nước đã ký kết 12 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là về quốc phòng - an ninh.
Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách “Hành động phía Đông”, một chính sách tăng cường quan hệ với khu vực Đông Á của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi. “Với Ấn Độ, ASEAN là hạt nhân trong chính sách “Hành động hướng Đông” và trung tâm của giấc mơ về một thế kỷ châu Á, và Việt Nam là một trụ cột quan trọng của chính sách đó”, Đại sứ Harish nói.
Đại sứ Harish cùng các đại biểu chia sẻ thông tin. (Ảnh: Như Quỳnh)
Theo Đại sứ Parvathaneni Harish, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng trưởng từ mức 237 triệu USD giai đoạn 2001 - 2002 lên đến 10,135 tỷ USD giai đoạn 2016 - 2017 (tăng 4000% trong vòng 15 năm). Theo báo cáo của HSBC, Việt Nam là thị trường xuất nhập khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Ấn Độ giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ước tính lần lượt là 16% và 14% còn nhập khẩu tăng trưởng khoảng 14% và 15%. Hai bên đang phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020.
Trong quan hệ thương mại, cơ cấu hàng hóa trao đổi cũng được mở rộng nhiều. Trước đây, thương mại hai nước chỉ phụ thuộc vào 3 ngành hàng lớn là thức ăn chăn nuôi, ngô và dược phẩm, trong đó Việt Nam nhập khẩu là chủ yếu thì giờ đây bao trùm sang các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may…
Tuy nhiên, nếu so với quy mô nền kinh tế hai nước, quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Ấn đã có sự tiến triển mạnh so với giai đoạn trước, nhưng vẫn chưa theo kịp quan hệ chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng và chưa tương xứng với tiềm năng giữa hai nước. Năm 2016, thương mại song phương giữa hai nước đạt 5,5 tỷ USD.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. (ẢNh: Như Quỳnh)
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ giành được độc lập vào các năm 1945 và 1947, mối quan hệ truyền thống giữa hai nước đã liên tục được vun đắp và nâng lên những tầm cao mới.
“Các vị lãnh tụ và danh nhân văn hóa nổi tiếng của Ấn Độ như Mahatma Gandhi và Rabindranath Tagore đã trở thành những cái tên rất đỗi quen thuộc ở Việt Nam. Ngược lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là cái tên vô cùng quen thuộc ở Ấn Độ, khi tại 2 thành phố lớn là Delhi và Kolkata của Ấn Độ đều có các đại lộ mang tên Hồ Chí Minh”, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn nói.
Đồng quan điểm với Đại sứ Harish, ông Nguyễn Quang Thuấn cho biết, hiện nay, Ấn Độ là một trong ba đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách “Hành động hướng Đông” của mình.
An Nhi