Viên phi công Tây Đức khiến quân đội Liên Xô hoảng loạn
Tối 28/5/1987, chiếc phi cơ - chiếc Cessna loại một động cơ - bay là là sát mặt đất, rồi hạ cánh ở ngay rìa Quảng trường Đỏ.
Để tới được Moscow, chàng trai 18 tuổi khi đó đã phải đi vòng vèo một hành trình lắt léo, từ Tây Đức vượt qua Biển Bắc theo ngả đảo Shetland của Scotland rồi đảo Faroe của Đan Mạch, rồi từ đó bay tới Iceland, bay tiếp tới Helsinki của Phần Lan, trước khi tìm cách bay qua biên giới Liên Xô.
Cất cánh hôm 28/5, tới khoảng 13:30 biến mất khỏi màn hình radar của Phần Lan, chiếc máy bay của Rust bắt đầu tới gần hệ thống phòng không lớn nhất thế giới.
Đường biên giới Liên Xô trải dài từ đông sang tây, từ Biển Nhật Bản tới Ba Lan, và từ Vòng Bắc cực cho tới biên giới Iran. Nó dài 60 ngàn km và có cả một lực lượng quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ. Liên Xô gọi đó là lực lượng PVO (Lực lượng Phòng không).
Lực lượng này có ba bộ phận, một chuyên phụ trách các điểm đặt hệ thống radar, một gồm các đơn vị tên lửa, và một gồm các thiết bị bay đánh chặn, gồm các chiến đấu cơ chuyên làm nhiệm vụ chặn các cuộc tấn công trên không.
Khi Rust bay chiếc Cessna khiêm tốn về hướng Liên Xô, PVO đã tăng hơn 2.000 máy bay đánh chặn và chừng 8.000 bệ phóng tên lửa trải trên khắp lãnh thổ. Đó là một hệ thống khổng lồ được thiết kế nhằm ngăn các máy bay ném bom của Mỹ tấn công các thành phố và các cơ sở quân sự của Liên Xô.
Phi đội PVO trong đó có một số phi cơ đặc biệt. MiG-25 là loại được thiết kế để chặn phi cơ Lockheed SR-71 Blackbird của Mỹ và có khả năng bay nhanh gấp ba lần tốc độ âm thanh, còn Tupolev TU-128 là loại chiến đấu cơ lớn nhất từng được chế tạo, chuyên tuần tra ở các vùng nước băng giá của Liên Xô ở khu vực Bắc cực và có khả năng phóng tên lửa dài tới 5m.
Kho vũ khí đạn dược của PVO gồm hàng trăm chiến đấu cơ MiG-23 nhỏ hơn, cánh cụp cánh xòe, đỗ tại các căn cứ không quân gần biên giới.
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESRust chọn Moscow làm nơi tạo 'cầu nối hòa bình' giữa Phương Đông và Phương Tây
PVO có sức mạnh khủng khiếp, nhưng lại hoạt động cứng nhắc và được thiết kế nhằm thực hiện một nhiệm vụ rất cụ thể.
Các máy bay ném bom của Hoa Kỳ như Boeing B-52 có kích cỡ lớn và nhiều khả năng là bay ở độ cao cao. Vì có kích thước cồng kềnh cho nên chúng tạo ra những tín hiệu mạnh hơn cho các màn hình radar.
Giống như hầu hết các hệ thống radar ngày nay, mạng lưới phòng không của Liên Xô thời đó rất giỏi phát hiện ra các tín hiệu mạnh từ các máy bay hoạt động ở độ cao cao, nhưng lại kém hiệu quả trong việc quét sóng phát hiện và các phi cơ cỡ nhỏ bay ở tầm thấp.
Đây chính là gót chân Achilles của các hệ thống radar - khi bạn phải tìm, theo dõi một đối tượng nhỏ di chuyển là là mặt đất, tín hiệu 'dội lại' từ máy bay sẽ bị mất đi giữa những tín hiệu dội về từ các điểm như đồi núi hay các tòa nhà. Do vậy, các máy bay nhỏ rất khó bị phát hiện.
Loại radar mà các chiến đấu cơ của Liên Xô mang theo trong thời thập niên 1980 cũng rất kém hiệu quả; tín hiệu cực lớn từ mặt đất bên dưới dội lên sẽ át hết tín hiệu phát ra từ chiếc máy bay nhỏ. Các phi công MiG phải được chỉ dẫn tới khu vực gần quanh cho tới khi họ có thể nhìn thấy bằng mắt thường các mục tiêu cỡ nhỏ đó.
Chuyến bay của Rust hóa ra diễn ra đúng vào ngày mỗi năm chỉ có một lần, khi mà các đường biên giới của Liên Xô không được canh phòng cẩn mật như những ngày khác - Ngày Lính Biên phòng.
Đó là ngày nghỉ lễ toàn quốc, và nhiều chốt biên phòng hoặc không đủ người, hoặc lính say khướt. Điều này khiến cho mọi sự càng trở nên rối loạn, và người ta đã đưa ra một loạt những giả thiết, phân tích sai khiến chiếc phi cơ của Rust đã không bị nhận dạng đúng.
Đường biên giới của Liên Xô dài đến nỗi một số chiến đấu cơ của Hồng quân cần phải to như các máy bay ném bom thời Đại chiến Thế giới lần thứ hai
Sai lầm của Liên Xô đi từ chỗ luộm thuộm cẩu thả đến chỗ lố bịch.
Những chiếc MiG đầu tiên nhìn thấy phi cơ của Rust từ khoảng cách xa. Họ nghĩ rằng chiếc Cessna của Rust là một chiếc Yak-12, là loại máy bay trông rất giống Cessna, được các câu lạc bộ học lái máy bay của Nga sử dụng và được dùng để huấn luyện các tân phi công quân sự.
Các phi cơ MiG-23 tiến lên chặn đường để xác định danh tính đối phương cuối cùng phát hiện ra chiếc Cessna của Rust, vốn đang trốn dưới đám mây, và bay vòng vòng phía trên như thể chuẩn bị tấn công anh.
"Tôi vẫn nhớ nguyên cảm giác tim đập khi đó, đập rất nhanh," Rust nói với Smithsonian Air & Space. "Chính xác đó là lúc tôi bắt đầu tự hỏi, 'Liệu họ có bắn rơi mình không?'"
Một chiếc MiG bay chậm lại như thể chuẩn bị tiếp đất - thậm chí còn hạ cả càng - để viên phi công có thể nhìn rõ hơn. Rust và viên phi công lái chiếc MiG đó nhìn nhau chằm chằm.
Chiếc MiG sau đó bay đi. Viên phi công báo cáo rằng ông đã vừa xác định được là chiếc máy bay của Rust là một phi cơ hạng nhẹ của Tây Đức, nhưng các chỉ huy cao cấp thì cho rằng ông ấy đã nhầm lẫn.
Vào năm 1983, một chiến đáu cơ Su-15 của Liên Xô đã bắn hạ chiếc máy bay dân dụng của Nam Hàn, khiến 269 người trên khoang thiệt mạng
Sự cố KAL 007 khủng khiếp trước đó khiến cho các chỉ huy Xô-viết rất thận trọng.
Đế tránh bị rủi ro một lần nữa, các phi công được yêu cầu rằng lệnh đánh chặn phải được đưa ra từ những cấp cao nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Sokolov, người có thẩm quyền ra lệnh, thì lại đang ở Đông Đức để dự một cuộc họp cấp cao, khiến tình huống càng trở nên bối rối.
Các bộ phận kiểm soát khác trên mặt đất thì cho rằng chiếc phi cơ của Rust là một máy bay huấn luyện chưa kịp cập nhật bộ truyền phát tín hiệu, và coi đó là đối tượng thân thiện, an toàn.
Một lần nữa Rust lại gặp may - khi bay tới gần Moscow, anh bay vào một tầm huấn luyện nơi các phi cơ tương tự của Liên Xô đang tập lái.
Ngay cả trường hợp nếu có lệnh dùng hỏa tiễn bắn hạ Rust, thì đó cũng không phải là điều dễ thực hiện.
Hầu hết các dàn pháo thần thánh của Liên Xô trở nên vô dụng trong tình huống này. Các tên lửa như SA-4 và SA-5 được thiết kế để xử lý các máy bay ném bom cỡ lớn, bay cao, và chúng phải đạt độ cao tối thiểu mới có thể nhắm trúng được vào mục tiêu.
Một chiếc Cessna bay thấp như của Rust thì di chuyển ở tầm thấp hơn nhiều mức tối thiểu đó.
Rust khi bay đã dựa trên các bản đồ sơ sài mà anh mua được ở Tây Đức để kiểm tra các địa điểm nổi bật.
Cuối cùng, vào đầu giờ tối, anh nhìn thấy Moscow. Thành phố lớn hơn nhiều so với anh tưởng, và cũng phải mất một lúc anh mới tìm được các mái vòm củ hành nổi tiếng của thánh đường St Basil.
Anh bay xuống thấp hơn, rồi thấp hơn nữa, lượn vòng quanh địa điểm nổi tiếng của Moscow để tìm chỗ đáp xuống.
Việc Rust có thể hạ cánh lại trùng hợp với những sự kiện đặc biệt nữa trong ngày.
Anh đỗ chiếc Cessna trên cầu Bolshoy Moskvoretsky có tám làn đường và là cây cầu xi măng hiện đại đầu tiên được xây tại thủ đô Liên Xô hồi thập niên 1930.
Cầu này nối liền Quảng trường Đỏ với Zamoskvorechye ở bờ nam sông Moskva. Cầu này là nơi có tuyến đường xe buýt điện (trolley bus) và thường có dây điện chạy ở trên. Tuy nhiên, một phần mạng dây điện này đã bị dỡ đi trong ngày hôm đó để bảo trì, khiến Rust có vừa đủ chỗ để tiếp đất.
Hệ thống phòng thủ của Nga gồm cả các tên lửa, trong đó có loại SA-5 này
Stott nhớ lại cú hạ cánh của Rust. "Tôi chạy tới nơi Matthias Rust đang chui ra khỏi chiếc phi cơ." Người dân Moscow sau lúc ban đầu đứng nhìn và không thể tin nổi vào mắt mình về những gì đang diễn ra sau đó đã tràn tới vây quanh chiếc máy bay.
Video của Stott cho thấy quang cảnh thoải mái một cách kỳ quặc khi đó. Chàng trai chưa tới 20 tuổi Rust trông rất bình tĩnh và tự tin. Người Nga thì kinh ngạc nhưng thân thiện. Trông không có gì nghiêm trọng hơn so với cảnh một du khách tiếp xúc với đám đông dân địa phương hiếu kỳ.
"Có một người phụ nữ biết chút ít tiếng Anh bắt đầu nói chuyện với cậu ấy... Bà ấy hỏi rằng 'Anh đang làm gì ở đây vậy?' và Rust trả lời cậu làm vậy là vì hòa bình."
"Bà ấy lại hỏi cậu ấy sẽ làm gì tiếp. Cậu nói 'Tôi sẽ lại cất cánh.' Bà ấy cười lớn và nói, 'Chàng trai dũng cảm! Chàng trai dũng cảm!'"
"Cậu ấy trông giống như một nhà điều hành dễ mến, thật vậy," Stott nói. "Trông giống như trong những tấm ảnh cũ chụp Von Richtofen thời Đại chiến Thế giới lần thứ nhất, trễ nải tựa vào chiếc phi cơ trong phong thái rất thư thả."
"Trông giống như thể việc đáp xuống Quảng trường Đỏ là việc rất đỗi bình thường."
Stott tiếp tục quay video cho tới khi KGB tới nơi. Đám đông lặng lẽ giải tán, nhưng không có ai yêu cầu Stott ngưng quay phim.
Những lính canh Liên Xô đứng quanh chiếc máy bay của Rust, nói chuyện với nhau. Rõ là họ không biết cần phải làm gì.
Chiếc phi cơ của Rust đã bị một chiếc MiG-23 chặn lại, nhưng nội dung báo cáo của viên phi công đã bị phớt lờ
Cuối cùng, KGB bắt giữ Rust, đưa anh đi thẩm vấn. Chiếc Cessna bị tháo tung tại một sân bay gần đó - Liên Xô có vẻ như không thể tin là một cậu trai chưa đến 20 tuổi hành động một mình lại có thể vượt qua được các hệ thống phòng không để tới được Moscow.
Stott nói "họ nghĩ rằng có sự sắp đặt nào đó. Cậu ấy là một nhà hoạt động vì hòa bình, và tôi cũng là một nhà hoạt động vì hòa bình. Nhưng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra."
Stott nghĩ rằng KGB sẽ tới tìm mình một khi họ nhận ra là ông đã ghi lại những đoạn video. Đêm đó, trong căn phòng tại khách sạn lớn bên sông, khách sạn Rossiya, Stott nghe tiếng gõ cửa.
"Không phải là người Nga mà là người Mỹ. Đó là người từ NBC, kênh truyền hình của Mỹ, và họ muốn mua đoạn băng của tôi." Đoạn video tự quay của Stott đã đưa chuyến bay của Rust thành câu chuyện toàn cầu.
Rust bị tòa Liên Xô xét xử, và bị giam giữ gần một năm
Rust bị xử tội vào Liên Xô bất hợp pháp, vi phạm luật bay, và "chủ nghĩa hooligan độc hại" - cáo buộc cuối cùng là điều anh mạnh mẽ bác bỏ - và bị tuyên án tù bốn năm tại Nhà tù Lefortovo, một nơi được áp dụng các biện pháp an ninh cẩn mật, vào ngày 4/9.
Rust ngồi tù gần một năm và trở lại Tây Đức vào năm 1988, sau khi được ông Gorbachev ân xá. Tuy nhiên, sau đó câu chuyện về anh đã chuyển sang hướng tăm tối không ai ngờ tới: năm 1989, anh đâm một y tá, và phải ngồi tù 15 tháng.
Nay, Rust là một nhân vật khó hiểu, và BBC Future không thể gặp được ông để phỏng vấn. Các báo cáo gần đây mô tả ông các kiểu khác nhau, từ một nhà phân tích tài chính cho tới hướng dẫn viên yoga, cho tới phái viên hòa bình. Người ta tin rằng ông kiếm sống chủ yếu bằng việc chơi poker ăn tiền.
Tin tức nói rằng ông kể từ đó đã không hề bay một chiếc phi cơ nào khác.
***
Tác động của chuyến bay của Rust tới hòa bình lan rộng.
Gorbachev đã dùng sự kiện này làm công cụ để gạt bỏ những người theo đường lối cứng rắn phản đối các cải tổ nhanh chóng của ông.
Những nhầm lẫn bối rối vốn giúp Rust bay được tới Moscow trở thành cái cớ để Gorbachev loại trừ một số người. Bộ trưởng Quốc phòng Sokolov và Alexander Koldunov nằm trong số hàng trăm chỉ huy bị sa thải. Đó là một cuộc thanh trừng kiểu Stalin, chỉ là không có các phiên tòa răn đe và các đội xử bắn mà thôi.
Những cải cách của Gorbachev - sự cởi mở glasnost, cuộc cách mạng kinh tế perestroika - được thúc đẩy. Chỉ trong vòng ba năm, Liên bang Xô Viết đã không còn tồn tại.
Chiếc Cesna mà Rust lái nay được treo trên trần nhà một bảo tàng ở Berlin
Chuyến bay của Rust cho thấy ngay cả những hệ thống phòng không tưởng chừng không thể vượt qua được, với hàng trăm chiến đấu cơ và hàng ngàn bệ phóng tên lửa, cũng có thể trở nên yếu kém trước chiếc máy bay mà một cậu trai 18 tuổi có thể đặt từ một câu lạc bộ học bay địa phương.
"Người Nga đã cố hết sức để giảm nhẹ tầm quan trọng của sự kiện đó, cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên gì bởi nó chính là một sai phạm nghiêm trọng của hệ thống phòng không Liên Xô," Mike Bratby, một chuyên gia về phòng không tại Hiệp hội Hàng không Hoàng gia, nói.
"Trên đường tới Moscow, đã có một số nơi là vùng không phận rất tấp nập và có sự tập trung dày đặc các căn cứ đặt chiến đấu cơ, radar và các địa điểm phóng tên lửa đất đối không, tất cả đều trong tình trạng báo động trước bất kỳ mối đe dọa nào từ Tây.
Rust đã vượt qua được hệ thống này bằng cách bay chiếc Cessna ở độ cao chỉ ngang tầm tầng mái của các tòa nhà, rồi lại tăng thêm độ sỉ nhục cho Liên Xô bằng việc đáp xuống ngay ở Quảng trường Đỏ, chỉ cách Điện Kremlin có vài bước chân."
"Nó cho thấy vấn đề vào thời điểm đó mà hệ thống phòng không của Liên Xô trong việc đối phó với một kẻ xâm nhập cỡ nhỏ, bay chậm và thấp, làm những hành động không ai ngờ tới, nhưng nó tạo dư âm ghê gớm - gồm cả việc sa thải các chỉ huy cao cấp của Liên Xô - Nato không nói tới một thực tế là các hệ thống phòng không của phương Tây cũng vấp phải những vấn đề tương tự trong việc tìm ra và theo dõi các máy bay cỡ nhỏ, bay chậm và thấp."
Ít nhất thì chiếc Cessna của Rust sẽ không còn gây ra thêm các vụ việc quốc tế khác nữa.
Nó đã được qua tay đổi chủ vài lần sau khi Liên Xô trả lại nó cho câu lạc bộ hàng không của Rust. Nay nó được treo trên trần nhà của triển lãm Deutches Technikmuseum ở Berlin - một biểu tượng về nỗ lực táo bạo của viên phi công trong việc cải thiện quan hệ giữa phương Đông và phương Tây.
PV