Việc của Tùng Dương là sáng tạo cho tốt vào, còn thụt lùi hay không để khán giả lo!
Không phải lần đầu tiên Tùng Dương vướng vào rắc rối vì phát ngôn gây tranh cãi. Năm 2016, Tùng Dương từng chia sẻ rằng anh thấy dị ứng khi nghe ca sĩ trẻ cố hát nhạc Bolero. Trước đó không lâu, Tùng Dương lại bày tỏ rằng anh cảm thấy Sơn Tùng M-TP có cách thể hiện trên sân khấu khá tiêu cực, ngông cuồng. Lần này, Tùng Dương chẳng nói về Sơn Tùng M-TP nữa, anh đề cập thẳng đến Bolero: "Tôi muốn nói rõ một lần nữa là Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi".
"Già trẻ, lớn bé đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi".
Một phát ngôn thẳng thắn và khiến nhiều người chột dạ! Nhưng dẫu sao, vẫn cám ơn Tùng Dương vì đã đề cập đến vấn đề thụt lùi - sáng tạo của Bolero. Nếu Tùng Dương không nói, hẳn sẽ còn không ít người hoang mang, chỉ dám nghĩ mà không dám nêu ý kiến!
Đầu tiên phải khẳng định một điều, Tùng Dương có quyền bày tỏ quan điểm về âm nhạc của mình. Trên bất cứ phương tiện nào, chẳng ai ngăn được anh cả. Khi Tùng Dương nói, "Bolero là sự thụt lùi", anh ắt hẳn có lý lẽ riêng. Ở phương diện cá nhân, Tùng Dương đề cập đến sự phát triển của nền âm nhạc. Anh thẳng thắn khẳng định khi ca sĩ trẻ cứ cố bám víu, cố ăn theo trào lưu Bolero đang thịnh hành thì anh có lòng tạo nên cái mới. Và bản thân những người đang sáng tạo cái mới như Tùng Dương cũng thấy hoang mang bởi xung quanh có quá nhiều cái cũ bủa vây.
Sáng tạo cái mới như cách Tùng Dương đang làm là điều phù hợp với số đông?
Nhắc dến chuyện thụt lùi hay sáng tạo, bản thân Tùng Dương đã quên mất một điều, anh đang đánh giá một dòng nhạc mà bản thân mình chưa từng trải nghiệm. Tùng Dương có quan điểm của Tùng Dương, chẳng ai có thể cấm - điều này xin nhắc lại một lần nữa. Tuy nhiên, Tùng Dương có đang bị vướng vào định kiến nhạc sang - nhạc chợ mà chính mình tạo ra hay không? Câu trả lời chắc chỉ có mỗi Tùng Dương biết. Nhưng Tùng Dương có lẽ đã lo chuyện bao đồng nhiều quá! Họa từ miệng mà ra!
Mỗi một quốc gia đều có nền âm nhạc - nền văn hóa riêng. Có cũ có mới chứ không nên đánh giá là hát mãi cái cũ sẽ thụt lùi. Sự sáng tạo của Tùng Dương hay sự cũ kỹ của những người nghe - hát Bolero đều có giá trị riêng của nó. Nếu muốn sáng tạo cứ việc sáng tạo, chẳng ai cấm Tùng Dương sáng tạo. Đừng đánh giá cao hay thấp mà hãy để thực tế chứng minh. Nếu cũ kỹ kéo dài, cũ kỹ không có giá trị thì đến một lúc nào đó, người ta cũng tự khắc đưa nó vào quên lãng. Còn khi Bolero vẫn đang được yêu chuộng, vẫn là món ăn tinh thần của một bộ phận khán giả thì đừng nên đánh giá thụt lùi hay tiến tới.
Điều Tùng Dương mong muốn về sự sáng tạo trong âm nhạc là không sai. Nhưng ở vị thế một người không hát Bolero nhận xét người hát Bolero là thụt lùi, ấy là lo chuyện bao đồng!
Giống như Làn sóng Xanh những năm 2000, cũng sẽ đến lúc Bolero thoái trào - đó là khi người ta cảm thấy nó nhàm chán đến mức không còn gì để thưởng thức. Nhưng điều này phù thuộc vào thị hiếu của người nghe, không ai có quyền quyết định và ban phát sự tội nghiệp hay rủ lòng thương nhằm giúp nó phát triển hưng thịnh như xưa cả. Bất cứ dòng nhạc nào cũng thế chứ không riêng gì Bolero!
Bao năm qua, Tùng Dương vẫn miệt mài sáng tạo trên con đường riêng của mình. Nhưng vì sao âm nhạc của Tùng Dương vẫn không được đông đảo khán giả đón nhận như Bolero. Bởi, dân gian đương đại mà Tùng Dương theo đuổi quá kén người nghe. Đặt mệnh đề ngược lại, khi sự sáng tạo đi ngược số đông thì sự sáng tạo ấy có thể nói là "thụt lùi" hay không? Vì sáng tạo mà chẳng phù hợp thì sớm muộn gì nó cũng bị lãng quên.
Việc của Tùng Dương là mạnh mẽ sáng tạo theo cách anh muốn. Còn có thụt lùi hay không hãy để khán giả lo!
Chẳng ai có quyền nhận xét hay áp đặt người khác nghe bất cứ thể loại âm nhạc nào với lý do "già trẻ lớn bé nếu cứ hát Bolero thì sẽ thụt lùi cả". Việc của Tùng Dương là cứ sáng tạo cho tốt, sáng tạo cho hợp lý vào. Còn chuyện thụt lùi hay không, tất cả đã có khán giả lo. Tùng Dương hãy để yên cho dòng chảy âm nhạc lên tiếng. Bolero từng bị quên lãng nhưng đến một ngày nọ, nó lại trỗi lên. Bolero phổ biến như hiện nay cũng có nguyên nhân riêng của nó.
Nền âm nhạc Việt Nam giống với bất cứ nền âm nhạc nào trên thế giới, đó là luôn tồn tại song song hai giá trị hoài niệm và phát triển. Chẳng ai có quyền trách người cứ mãi hoài niệm khi bản thân họ đang vui vẻ nhờ giá trị hoài niệm ấy cả. Cũng chẳng ai chê bai kẻ sáng tạo là điên rồ, ngạo mạn nếu cái sáng tạo ấy thực sự tạo ra giá trị. Hoài niệm hay phát triển, chẳng cái nào lấn át được cái nào. Vì một điều đơn giản, hiện tại ngày hôm nay, ngày mai đã là quá khứ!
Hoài niệm hay phát triển, chẳng cái nào lấn át được cái nào. Vì một điều đơn giản, hiện tại ngày hôm nay, ngày mai đã là quá khứ!
Dòng nhạc được đông đảo công chúng yêu mến, tạo cảm hứng yêu ghét - giận hờn cho cuộc sống đời thường thêm phần màu sắc, hà cớ gì chẳng dành dăm ba lời ngợi khen, động viên nó. Còn cứ mãi vạch lá tìm sâu, chứng tỏ mình có khả năng sáng tạo hơn người khác thì được gì? Chẳng mang lại lợi ích gì ngoài những cơn thịnh nộ! Và trong cơn thịnh nộ ấy, muôn vàn lời nói chứa đầy dao găm sẽ xuất hiện. Cả ca sĩ hát Bolero lẫn Tùng Dương đều là những người chịu tổn thương từ cuộc tranh luận này!
Dẫu vậy, cũng cần phải khẳng định một điều, để Bolero giữ được sức sống tiềm tàng, bản thân người ca sĩ nên có sự trau dồi và tiết chế cần thiết. Hát Bolero là thổi cả tâm tình, trút bầu tâm sự vào từng nốt nhạc. Nhiều ca sĩ trẻ hiện nay cố gồng mình để hát Bolero giống như các bậc đàn anh, đàn chị. Ấy là cách biểu hiện chưa đúng, bởi làm bản sao của một ai khác cũng là điều khiến cho cá tính âm nhạc bị mất đi, sự sáng tạo trong nghệ thuật cũng vì vậy mà giảm sút. Nghệ thuật không cần những con vẹt chỉ biết hát những gì có sẵn!
Điều Tùng Dương nói, đúng sai rõ ràng cần cân nhắc! Nhưng chắc chắn một điều, hình ảnh Tùng Dương qua vụ việc lần này đã bị giảm sút ít nhiều.
Shindo