Vì sao khó triệt hạ thành trì của IS tại Raqqah?
Thành phố chiến lược đặc biệt quan trọng
Đập Tabqah lớn nhất ở Syria nằm cách thành phố Raqqah 40 km về phía tây. Tabqah là một trong những đập thủy điện quan trọng nhất và là nguồn cung cấp nước ngọt thiết yếu của Syria.
Vị trí của hồ Assad, thị trấn Tabqah và đập thủy điện Tabqah so với thành phố Raqqah. Ảnh: Southfront
Đập được xây dựng từ năm 1968-1973 với nhiệm vụ ban đầu là sản xuất điện và cung cấp nước canh tác cho cả hai bên bờ sông Euphrates. Hồ Assad - hồ chứa nước lớn nhất Syria - nằm ngay phía tây của đập thủy điện. Thị trấn Tabqah và sân bay quân sự Tabqah cũng nằm không xa vị trí con đập này.
Đập thủy điện Tabqah chụp từ máy bay không người lái ngày 26 tháng 3, 2017. Nguồn: @CJTFOIR/Twitter
Raqqah là một đầu mối giao thông quan trọng, kết nối với thành phố công nghiệp Aleppo, vùng trung tâm giàu mỏ Deir Ezzor và vùng đất màu mỡ Hasakah thông qua con đường cao tốc M4.
Dân số ở thành phố là khoảng 220.000 nghìn người (thống kê năm 2004), đây là một cộng đồng đa tôn giáo, bao gồm cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni và những người theo Thiên Chúa giáo. Các địa phận ngoại thành Raqqah là nơi sinh sống của khoảng 100.000 người, phần lớn thuộc dân tộc thiểu số Bedouin.
Thành phố Raqqah nhìn từ trên cao. Ảnh: Southfront
Mục tiêu luôn bị khủng bố nhòm ngó
Với vị trí địa lý chiến lược, cộng thêm việc nằm gần đập thủy điện Tabqah, Raqqah trở thành mục tiêu quan trọng đối với tất cả các phe phái trong cuộc nội chiến ở Syria.
Trong khoảng thời gian đầu khi những biến cố chính trị xuất hiện ở Syria, tình hình ở Raqqah rất yên ổn. gần như không có biểu tình hay bạo lực. Các cuộc bạo động lẻ tẻ xảy ra tại đây có số lượng người tham gia không bao giờ vượt quá con số 100.
Chính vì thế, Raqqah trở thành điểm đến an toàn cho người tản cư từ các đô thị lớn như Aleppo, Hasakah và Deir Ezzor khi những nơi này đang chìm đắm trong cuộc giao tranh khốc liệt giữa phiến quân và quân chính phủ vào năm 2012.
Cuối năm 2012, Ahrar Al-Sham với sự giúp đỡ từ Jabhat Al-Nursa (chi nhánh khủng bố Al-Qaeda ở Syria, nay đổi tên thành Hayat Tahrir Al-Sham) tuyên bố sẽ thực hiện các chiến dịch quân sự để thiết lập quyền kiểm soát tại Raqqah.
Ahrar Al-Sham và Jabhat Al-Nursa, sau khi chiếm giữ sân bay quân sự Jirah và thị trấn chiến lược Maskanah thuộc tỉnh Aleppo, lập tức tiến vào tỉnh Raqqah. Phiến quân nhanh chóng chiếm giữ thị trấn Tabqah và căn cứ không quân Tabqah. Tiếp tục, sau 3 ngày giao tranh, chúng đã làm chủ thành phố Raqqah vào ngày 6-3-2013.
Quân đội Syria hầu như không có bất cứ hoạt động phòng thủ nào tại thành phố. Điều này dẫn đến những nghi ngờ về sự trung thành của các lãnh đạo địa phương - những người phải chịu toàn bộ trách nhiệm về sự thất thủ của khu vực chiến lược này.
Ban đầu, các hoạt động của IS trong thành phố này là nhằm hỗ trợ Ahrar al-Sham và Jabhat al-Nusra trong các chiến dịch tấn công quân chính phủ đang bị bao vây ở vùng lân cận. Tuy nhiên sau đó, IS tự mình tiến hành chiến dịch chiếm lại Raqqah từ tay Ahrar al-Sham và Jabhat al-Nusra, rồi tuyên bố quyền làm chủ vào tháng 1-2014.
Một bộ phận lớn quân Ahrar al-Sham và Jabhat al-Nusra nhanh chóng rút lui khỏi thành phố, những kẻ nào ở lại hoặc đầu quân cho IS hoặc bị hành quyết.
Tổ chức Nhà nước hồi giáo tự xưng tiếp tục tấn công mạnh vào các vị trí còn lại của quân chính phủ, gồm ban chỉ huy sư đoàn 17, căn cứ Lữ đoàn 93 và phần còn lại của sân bay quân sự Tabqah.
Sân bay quân sự Tabqah. Ảnh: Southfront
Các nỗ lực giải phóng Raqqah
Nhiều người nghĩ rằng, thành phố Mosul ở Iraq là thủ phủ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Tuy nhiên, chúng lại khẳng định rằng Raqqah mới là thủ phủ của chúng.
Trong vòng 3 năm, IS đã củng cố sự hiện diện và ảnh hưởng của mình một cách rất hệ thống trên toàn tỉnh Raqqah, vì vậy, ở vùng này, IS gần như không phải đối mặt với bất cứ mối nguy hiểm nào từ các lực lượng khác tham gia cuộc chiến.
Năm 2016, sau khi giải phóng Palmyra, Quân đội Syria, được yểm trợ bởi Không quân – Vũ trụ Nga, phát động một cuộc tấn công nhằm tái chiếm lại sân bay Tabqah và có ý định tương tự đối thành phố Raqqah.
Tuy nhiên, quân chính phủ thậm chí không đạt được cả mục tiêu đầu tiên, họ đã buộc phải rút lui sau một loạt cuộc phản công của IS.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria từ năm 2015 đã làm thay đổi đáng kể tình thế cuộc chiến và giúp quân chính phủ Assad khôi phục khả năng tiến hành các chiến dịch thắng lợi.
Mặc dù chiến dịch của quân chính phủ nhằm vào sân bay Tabqah không thu hoạch được gì nhưng nó cho thấy rõ rằng, nếu liên minh quân sự chống IS do Mỹ dẫn đầu tiếp tục ngó lơ nhóm khủng bố này ở Syria thì chính phủ Syria cùng đồng minh vẫn sẽ có đủ khả năng để tự giải quyết vấn đề.
Điển hình, quân đội Syria và đồng minh đã giải phóng thành phố Aleppo từ Jabhat al-Nusra (chi nhánh khủng bố Al-Qaeda tại Syria) và đồng minh của chúng. Đây là một trong những chiến thắng lớn nhất mà quân chính phủ giành được trong cuộc chiến dai dẳng này.
Đồng thời, điều này trở thành một trong những thất bại ngoại giao và phô trương quân sự trong chiến lược của Mỹ cùng đồng minh.
Tháng 10-2015, một lực lượng quân sự mới được Mỹ hỗ trợ xuất hiện giữa lúc cuộc chiến đang lên cao trào. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tuyên bố thành lập trong một cuộc họp báo ở thị trấn Hasakah, nằm trong vùng giải phóng của Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD và lực lượng quân sự của nó là Vệ binh Nhân dân (YPG).
Mỹ và giới truyền thông tuyên bố, SDF là lực lượng đa sắc tộc, nhưng thực tế các lực lượng vũ trang như YPG và YPJ, lực lượng nữ tự vệ người Kurd mới là thành phần nòng cốt.
Các tay súng YPG huấn luyện. Ảnh: Southfront
Ngày 6-11-2016, SDF với sự hỗ trợ từ không quân liên hợp do Mỹ dẫn đầu cùng lực lượng đặc nhiệm, đã phát động chiến dịch Euphrates Wrath, với mục tiêu quét sạch lực lượng khủng bố IS ra khỏi tỉnh Raqqah.
Hiện tại, lực lượng vũ trang SDF bao gồm 36.000 binh sĩ YPG, 24.000 binh sĩ YPJ, và 20.000 binh sĩ từ các bộ tộc người Ả Rập như Hội đồng quân sự Manbij.
Các binh sĩ thuộc Hội đồng quân sự Manbij. Ảnh: Southfront
Cũng có khoảng 10.000-20.000 tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) chiến đấu trong hàng ngũ SDF tại các vùng phía bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chiến dịch quân sự của SDF tại địa phận ngoại thành của Raqqah vẫn đang tiếp diễn dưới sự yểm trợ to lớn từ không quân, trực thăng tấn công và pháo binh của lực lượng liên hợp.
Mỹ cũng mở rộng một số sân bay bên trong lãnh thổ Syria. Chúng được dùng để tiếp tế cho SDF và cũng là căn cứ tiền phương cho các trực thăng tấn công của Mỹ.
Đặc nhiệm Mỹ, Pháp và Đức đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động hỗ trợ SDF trên mặt đất. Thủy quân Lục chiến đã hỗ trợ hỏa lực cho các chiến dịch của SDF quanh Raqqah.
Cho đến nay, SDF đã xuyên thủng vùng phòng thủ Raqqah từ phía tây, đông và bắc, vượt sông Euphrates và chiếm được sân bay quân sự Tabqah. Ngày 2-5-2016, lực lượng thân Kurd tuyên bố thị trấn Tabqah đã được giải phóng. SDF cũng đã làm chủ đập thủy điện Tabqah và đang cố gắng cô lập thủ phủ của IS từ phía nam.
Bản đồ chiến sự quanh thành phố Raqqah ngày 2-5-2017, vùng màu vàng là vùng do SDF kiểm soát, màu xám là do IS kiểm soát. Ảnh: Southfront
Binh sĩ SDF hạ một lá cờ của quân IS xuống tại thị trấn Tabqah. Ảnh: Southfront
Triệt hạ thành trì IS – thách thức to lớn
Ở phía bên kia, quân khủng bố IS cũng có những dấu hiệu cho thấy chúng đang chuẩn bị cho trận chiến phòng thủ Raqqah ngay từ năm 2016.
Trước sức ép to lớn của SDF và Mỹ, IS gần như không tổ chức phòng thủ tại các làng, thị trấn nhỏ quanh Raqqah. Tuy nhiên, chiến thuật tập kích bất ngờ lại rất được ưa sử dụng. Chúng tung các đòn tấn công bất ngờ vào lực lượng SDF và đồng minh bằng các xe bán tải vũ trang cũng như các xe đánh bom tự sát VBIED.
Về phần mình, IS bắt tay chuẩn bị cho trận chiến Raqqah ngay từ khi lực lượng liên minh thông báo về chiến dịch Raqqah năm 2016.
Ngay từ lúc bắt đầu, IS đã cho thấy chúng không có ý định phòng thủ các ngôi làng, thị trấn nhỏ quanh vùng Raqqah. Thay vào đó, chúng áp dụng hướng phòng thủ di động. Dưới áp lực từ SDF và lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu, quân IS buộc phải rút khỏi các ngôi làng nhỏ, sau đó phản công bằng các xe bán tải vũ trang cũng như các xe đánh bom tự sát VBIED.
Mục tiêu của IS lúc này là gây thiệt hại lớn nhất có thể về người và khí tài cho SDF thay vì ra sức bảo vệ các khu vực nhỏ, không có bất cứ giá trị chiến lược nào.
Thị trấn Tabqah, sân bay Tabqah và đập Tabqah là những nơi quân khủng bố tìm cách phòng thủ, do giá trị chiến lược của chúng. Đó là một khi kiểm soát được 3 khu vực này, lực lượng do Mỹ hậu thuẫn sẽ có một chỗ đứng vững chắc tại bờ nam sông Euphrates và tây Tabqah.
Xe bán tải vũ trang của quân khủng bố IS đang tấn công quân SDF tại tỉnh Raqqah. Ảnh: Southfront
Bên trong và vùng ngoại vi Raqqah, IS đã thiết lập một chuỗi công sự xung quanh thành phố này vào cuối năm 2016. Một số nguồn tin địa phương cho biết, quân khủng bố đã thiết lập một chuỗi hệ thống gồm hào, hầm, barrier bê tông phức tạp bên trong Raqqah.
Bên cạnh đó, IS còn đặt các thiết bị nổ tự chế IED quanh các khu vực nhạy cảm trong thành phố.
Bước sang năm 2017, thắng lợi của các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại vùng ngoại thành phía đông và tây Raqqah, cộng với việc tuyến đường cao tốc nối liền Raqqah – Deir Ezzor bị Quân đội Syria cắt đứt đã buộc IS phải tái tổ chức lại lực lượng, trang thiết bị vũ khí và đạn dược của mình bên trong thành phố, cũng như thành lập các ổ đề kháng và bắn tỉa..
Ở Raqqah, IS được cho là đang nắm giữ 10.000 chiến binh thiện chiến, được trang bị nhiều vũ khí hiện đại như tên lửa chống tăng TOW và Fagot do các bè cánh FSA ở Aleppo và Deir Ezzor cung cấp.
Ngoài ra, chúng còn tích trữ các vũ khí chống tăng vác vai khác như RPG-29 và OSA M-79 để chuẩn bị cho trận chiến Raqqah. Hàng chục xe tăng và xe thiết giáp cũng được triển khai bên trong thành phố. Các cơ sở sản xuất xe đánh bom tự sát VBIED vẫn tiếp tục được đẩy mạnh sản xuất.
Lực lượng bộ binh kết hợp với lối đánh bất ngờ bằng xe bom là chiến thuật hạt nhân của quân khủng bố lâu nay, nhằm giữ chặt Raqqah.
Mục tiêu hiện tại của lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu là giành lấy quyền kiểm soát toàn bộ các địa phận ngoại thành của Raqqah, gây thêm áp lực lên quân khủng bố từ 2 hướng phía bắc và phía tây.
Theo dự kiến ban đầu, Mỹ và quân đồng minh trên bộ sẽ lại tổ chức một chiến dịch tương tự như ở Mosul. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt, đó là lần này họ có thể sẽ chừa một đường lui cho quân IS ở nam Raqqah.
Điều này có thể làm giảm sự kháng cự của quân IS bên trong thành phố. Tuy nhiên, nhiều phần tử khủng bố sẽ tiếp tục sống sót và tự tung tự tác ở Syria, thậm chí sau đó có thể sang Châu Âu như người tị nạn.
Cơn bão quét qua Raqqah sắp tới chắc chắn sẽ bao gồm chiến dịch ném bom dữ dội của lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu, với máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công và máy bay không người lái, cũng như có cả sự hỗ trợ của pháo binh Thủy quân lục chiến.
Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở tiền tuyến để đối phó IS và triển khai thêm binh sĩ, cùng phương tiện chiến tranh.
Tương tự như ở Mosul, Washington và giới truyền thông sẽ phủ nhận sự can thiệp trực tiếp của binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại Raqqah. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng, nếu thiếu các hoạt động hỗ trợ quân sự từ phía Mỹ, SDF sẽ khó tái chiếm được Raqqah từ tay IS.
IS cũng sẽ vận dụng các kinh nghiệm mà chúng có được ở Mosul. Các nhóm chiến binh nhỏ được trang bị tốt, cùng một số lượng lớn các tay súng bắn tỉa nhiều kinh nghiệm sẽ được bố trí trên tất cả các tuyến phố.
Tất nhiên, các xe bom tự sát VBIED sẽ được sử dụng triệt để để tấn công bất cứ điểm tập kết nào của SDF, rải mìn, cũng như thiết bị nổ tự chế (IED) trên tất cả các tuyến đường.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà SDF sẽ phải đối mặt là dân số đông đúc trong thành phố. Theo các số liệu địa phương, Raqqah đang có khoảng 250.000 dân thường, bao gồm cả những gia đình tản cư từ Deir Ezzor, Iraq và gia đình của những tên khủng bố IS.
Nhìn chung, trận đánh sẽ phải kéo dài nhiều tháng. Và không may là mọi chuyện sẽ tương tự như ở Mosul, rất nhiều dân thường sẽ thiệt mạng bởi các cuộc không kích của liên quân và các cuộc giao tranh khốc liệt giữa hai bên.
Các quan chức quân sự Mỹ đang tranh cãi có nên phát động không kích Raqqah vào mùa hè này hay không. Tuy nhiên, khó có thể dự đoán khi nào thành phố được giải phóng. Như ở Mosul, các lực lượng quân sự Iraq đã phát động giai đoạn tấn công cuối cùng vào thành trì của IS từ ngày 16-10-2016 nhưng cho tới nay, thành phố này vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn.
Tình hình chiến sự tại thành phố Mosul, Iraq, ngày 1-5-2017, vùng màu đỏ là vùng do Iraq kiểm soát, vùng màu xám là phần còn lại của quân IS tại Mosul. Ảnh: Southfront
Căng thẳng giữa các lực lượng người Kurd và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một lý do khác ảnh hưởng tới bước tiến của SDF vào Raqqah.
Minh Hoàng