Vì sao khác châu lục, tình hình kinh tế, chính trị khác nhau Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và Indonesia lại đang trải qua khủng hoảng kinh tế giống nhau?
Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế về lòng tin vào tháng 8 – tiền tệ nước này giảm 25% giá trị trong tháng đó – tiền tệ và đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi trên khắp thế giới, từ Nam Phi đến Indonesia, cũng đều giảm mạnh.
Argentina, vốn đã ổn định sau cuộc khủng hoảng hồi đầu năm, lại rơi vào tình trạng khẩn cấp, tăng lãi suất lên 60%. Đồng tiền của quốc gia này, đồng peso, đã giảm 45% giá trị vào năm 2018 và 24% vào tháng 8.
Tại sao các quốc gia này, trên các châu lục khác nhau với các tình hình kinh tế và chính trị khác nhau lại trải qua khủng hoảng kinh tế tương tự nhau?
Câu trả lời ngắn gọn là sự bất định về nền kinh tế toàn cầu tạo ra bởi quản lý kinh tế của Hoa Kỳ.
Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ đang phát triển rất nhanh vào thời điểm hiện tại và trở thành điểm đầu tư lý tưởng thay vì các quốc gia đang phát triển. Thúc đẩy bởi cắt giảm thuế được Quốc hội thông qua vào năm ngoái và Tổng thống Trump cắt giảm các quy định về môi trường và thủ tục giấy tờ rườm rà, thị trường chứng khoán Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục. Nền kinh tế đã tăng trưởng trên 4%, một tốc độ rất lớn đối với nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Đồng thời, Cục dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu tăng lãi suất, sau một thập kỷ giữ chúng ở mức thấp nhất có thể.
Tăng trưởng hàng quý của GDP thực ở Mỹ (2011 -2018) (Nguồn: Statista)
Sức mạnh của thị trường Mỹ, kết hợp với lãi suất ngày càng tăng, đã thu hút các nhà đầu tư, những người đã gửi gắm tiền của họ vào các thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao hơn. Dòng vốn đầu tư này vào Mỹ làm tăng giá trị đồng USD, khiến cho Mỹ trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Thêm vào đó, yếu tố bất định từ cuộc chiến thương mại, với việc Mỹ áp đặt thuế quan lên hàng hóa nước ngoài. Báo cáo mới nhất cho thấy mức thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có khả năng lên đến 200 tỷ USD, chưa bao gồm thuế quan lên thép, nhôm và các sản phẩm khác đến từ các quốc gia khác.
Dù kết quả cuộc chiến thương mại có thế nào, khả năng lớn là các thị trường nhỏ hơn sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn Mỹ. Điều này cũng khuyến khích các nhà đầu tư tìm kiếm những địa điểm an toàn hơn để gửi gắm tiền của họ - trong trường hợp này đó là Mỹ.
Thứ hai, ở mỗi thị trường mới nổi, dù tình hình kinh tế từng nước khác nhau nhưng có chung một kết quả - mất niềm tin của nhà đầu tư, thoái vốn đầu tư và giảm giá trị tiền tệ của nước sở tại. Các yếu tố dẫn đến đồng tiền mất giá trị ở Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Indonesia khác nhau, nhưng chúng có một điểm chung: phụ thuộc lớn vào nguồn vốn nước ngoài cho hoạt động thương mại và thâm hụt ngân sách của chính phủ.
Argentina đã trải qua giai đoạn khó khăn đầu năm sau hạn hán tồi tệ nhất trong 50 năm qua, ảnh hưởng đến sản lượng ngô và đậu tương, 2 loại cây trồng xuất khẩu quan trọng. Nền kinh tế vốn đã yếu kém nên đợt hạn hán này đủ đẩy đất nước vào khủng hoảng. IMF đã được kêu gọi, và trong tháng 6 đã đồng ý một khoản vay 50 tỷ USD để ổn định tình hình ở Argentina.
Sau đó, vào tháng 9, Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng chính trị với Mỹ khi quốc gia này giam giữ một linh mục người Mỹ. Hệ quả là Mỹ áp đặt thuế quan lên hàng hóa và các lệnh trừng phạt với một số lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã khiến cho các nhà đầu tư nghĩ lại về chiến lược gửi gắm tiền của họ vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Indonesia có mức thâm hụt tài khoản vãng lai rất lớn (chạm mức hơn 2 tỷ USD vào tháng 7, cao nhất trong suốt 5 năm qua) và có nợ nước ngoài cao nhất châu Á (35% GDP). Nhưng yếu tố này khiến cho quốc gia Đông Nam Á này dễ bị tổn thương, tiền tệ của Indonesia đã chạm mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước, và ngân hàng trung ương của quốc gia này đã buộc phải tăng lãi suất.
Tương lai gì đang chờ đón các quốc gia mới nổi?
Những thách thức lớn nhất thuộc về các nước có mức nợ cao nhất. Tổng tiền vay của tất cả các thị trường mới nổi tăng từ 21 nghìn USD vào năm 2007 đến 63 nghìn tỷ USD vào năm 2017 – hơn 200% GDP.
Theo nhà phân tích Satyajit Das, các quốc gia có nợ từ 20 đến 50% GDP bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nam Phi, Mexico, Chile, Brazil và một số nước Đông Âu. Các nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi rằng liệu các nước này có thể trả nợ được hay không.
Mỗi một quốc gia này có một câu chuyện kinh tế riêng. Một số người nói rằng thời điểm mà các nhà đầu tư coi “thị trường mới nổi” là địa điểm đầu tư lý tưởng đã trôi qua. Và những tháng tới sẽ kiểm tra xem liệu giả thuyết này có đúng hay không.
K Nguyễn