Vì sao chuyên cơ chở ông Putin phải bay vòng, tránh không phận Ba Lan để đến hội nghị G20?
Kremlin: Phương án bay phù hợp nhất đã được chọn
Dữ liệu theo dõi các chuyến bay của trang FlightRadar24 đã cho thấy, chiếc chuyên cơ Il-96-300PU chở Tổng thống Putin đến Đức dự hội nghị G20 đã không bay theo một lộ trình "thẳng" từ Nga qua không phận Belarus và Ba Lan, mà thay vào đó đã bay vòng qua biển Baltic và chỉ bay qua không phận các nước không thuộc NATO là Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch trước khi tiến vào vào không phận Đức.
Người phát ngôn của Kremlin, ông Dmitry Peskov, đã từ chối đưa ra lý do giải thích cho đường bay "lạ" này của chuyên cơ chở ông Putin: "Tôi sẽ không trả lời câu hỏi này, vì tất cả các thông tin về việc di chuyển của Tổng thống đều liên quan tới việc đảm bảo an ninh cho ông. Những phương án phù hợp nhất đã được thực hiện".
Việc Kremlin không đưa ra câu trả lời cụ thể đã khiến truyền thông phương Tây đăng tải nhiều lời đồn đoán khác nhau. Một số báo lá cải của Anh thậm chí còn viết rằng máy bay của ông Putin không bay qua không phận Ba Lan vì "sợ bị bắn hạ".
Mặc dù vậy, theo Sputnik, bất cứ nhà quan sát sáng suốt nào cũng có thể nhận ra lý do chính cho việc máy bay của Tổng thống Putin phải bay vòng hơn 500km, tránh không phận phía Đông của NATO để đến Đức.
"Đường bay lạ" tránh không phận Ba Lan khi bay tới Hamburg của Tổng thống Nga. Ảnh: Sputnik
Các nhà quan sát: Có thể đưa ra lý do cụ thể của việc bay vòng
Trong quá khứ, máy bay của Tổng thống Putin đã từng nhiều lần bay qua không phận của Ba Lan, bao gồm cả chuyến thăm Pháp hồi tháng 5 vừa qua. Tháng 10/2016, chuyên cơ chở ông Putin cũng đã bay qua không phận của Lithuania.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 5 vừa qua, khi một chuyên cơ chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đang di chuyển trên không phận Ba Lan thì bất ngờ bị một máy bay chiến đấu F-16 của Ba Lan áp sát.
Sự áp sát nguy hiểm của F-16 đã khiến một chiếc Su-27 hộ tống ông Shoigu phải ra "xua đuổi".
[VIDEO] Su-27 Nga hộ tống ông Shoigu xua đuổi F-16 Ba Lan
Theo các nhà quan sát, nhóm đảm bảo an ninh cho Tổng thống Putin chắc hẳn muốn tránh một sự cố như vậy từ phía Ba Lan.
Trả lời báo Nga Svobodnaya Pressa, nhà quan sát chính trị quốc tế Alexey Martynov cho biết, ông tin tưởng vào những chiến lược khác nhau của đội an ninh nhằm đảm bảo sự an toàn của Tổng thống Putin.
"Việc công chúng không biết bất cứ thông tin nào về những sự kiện liên quan tới Tổng thống kiểu như thế này là một dấu hiệu cho thấy đội an ninh của Tổng thống đang làm việc ở mức cao nhất", Martynov phát biểu.
Đội chuyên cơ của Tổng thống Nga được cho là có 4 chiếc Il-96-300PU, được sản xuất từ nhà máy Voronezh. Những máy bay này có rất nhiều tính năng hiện đại, bao gồm một lớp sơn phủ bên ngoài để chống radar, hệ thống gây nhiễu các tên lửa MANPADS.
Các máy bay này còn có cả hệ thống phòng thủ riêng và có có hệ thống cứu hộ dành cho các khách VIP. Tất cả những tính năng này được đánh giá là đặc biệt quan trọng khi chuyên cơ của Tổng thống bay vào không phận những nước mà không cho phép các máy bay quân sự trong đội hộ tống bay cùng.
Ông Alexander Khramchikhin, Phó Giám đốc của Viện Nghiên cứu Chính trị và Quân sự ở Moscow đánh giá, việc máy bay của Tổng thống Putin tránh bay qua không phận Ba Lan khi đi dự hội nghị G20 là một động thái sáng suốt trong tình hình hiện tại:
"Ba Lan là nước duy nhất trên thế giới mà lực lượng không quân của họ được trang bị cả máy bay chiến đấu của cả Nga và Mỹ. Cụ thể, họ có 48 máy bay F-16, khoảng 30 máy bay MiG-29 và khoảng 30 chiếc máy bay ném bom Su-22 đang hoạt động (20 chiếc Su-22 khác vẫn còn trong kho).
Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, Ba Lan đã mua lại tất cả các máy bay MiG-29 của Đông Đức và Séc.
Dưới mặt đất, hệ thống phòng không của họ có một đơn vị tên lửa Patriots của Mỹ, cũng như những hệ thống tên lửa phòng không S-200 và Krug từ thời Xô Viết", ông Khramchikhin đưa ra thống kê và phân tích.
Như vậy, nói cách khác, tuy lý do thực sự cho việc máy bay của Tổng thống Putin bay vòng và tránh không phận Ba Lan có thể không bao giờ được Kremlin chính thức tiết lộ, nhưng có vẻ đội an ninh của ông Putin đã thực hiện phương châm "an toàn còn hơn hối tiếc", đặc biệt là sau sự kiện máy bay chiến đấu Ba Lan khiêu khích máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu.
Ngọc Anh