Về Diễn Bình thăm Đền Lùm và Nhà Thánh
Theo lời của các cụ cao niên, Đền Lùm cùng quần thể Chùa đá nằm bên bờ sông Bùng, gần ngọn núi Hai Vai thuộc thôn Vân Tập. Đây là nơi thờ Sát hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn – một danh tướng đời Trần. Đức ngài sinh năm Giáp Dần (1254) đời Trần Thái Tông, đúng vào thời điểm nước ta kháng chiến chống Nguyên Mông. Ngài lập công xuất sắc bằng trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tý (1288), đập tan giấc mộng bá chủ của giặc Thát trên toàn Đại Việt.
Bên cạnh đó, di tích Đền Lùm còn gắn liền với phong trào Cần Vương của cụ Nguyễn Xuân Ôn cùng với những trận đánh ác liệt với quân Pháp trong vùng. Sau ngày thành lập Đảng, cho tới Cách mạng tháng Tám, Đền Lùm là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của chi bộ đảng Minh Châu (gồm các xã: Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng, Diễn Cát, Diễn Lợi ngày nay); thúc đẩy phong trào tiến tới cướp chính quyền 19/8/1945.
Di tích văn hóa Nho học Nhà Thánh là nơi thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền, khoa bảng
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ đầy cam go và ác liệt, Đền Lùm là nơi tiếp nhận hàng hóa, vũ khí, đạn dược, tiếp tế cho các đoàn xe thồ vận tải và thuyền bè trên sông. Do vậy, Mỹ ném bom ác liệt vào nơi này. Năm 1969 cầu Lùm bị trúng bom đổ sập, Đền bị hư hỏng nặng. Đền Lùm cũng như Chùa đá bị xuống cấp trầm trọng. Nhưng dấu ấn rực rỡ về tâm linh và lễ hội văn hóa truyền thống còn ăn sâu trong tiềm thức nhân dân và nguyện vọng phục hưng Đền Lùm đã trở thành khát vọng của đông đảo bà con trong vùng.
Ngày nay, Đền Lùm đã được phục dựng lại theo ý nguyện của người dân trong vùng và trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, hàng năm vào ngày mồng năm tháng giêng diễn ra lễ hội Đền Lùm để người dân trong vùng tới thắp hương bày tỏ lòng tri ân với các bậc tiền nhân và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa và bình an.
Đền Lùm thờ Sát hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn – một danh tướng đời Trần
Ngoài ra, Diễn Bình còn có di tích văn hóa Nho học Nhà Thánh, là nơi thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền, khoa bảng, nhằm cổ vũ tinh thần học tập của con em trong làng. Định lệ mỗi năm tế Thánh hai kỳ vào tháng hai và tháng tám âm lịch, gọi là tế Đinh. Những năm nhà nước mở khoa thi, thì làng có lễ cầu khoa ở Nhà Thánh để cầu mong các bậc Tiên Thánh phù hộ cho con em thi cử đỗ đạt.
Nơi đây còn lưu giữ được Bia bốn mặt được khắc vào mùa xuân năm Quý Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 16 (1863), do Thám Hoa Nguyễn Khoát Như soạn văn, ông Nguyễn Trung Tỉnh viết chữ, ông Nguyễn Hữu Hạnh khắc đá.
Bia hai mặt được khắc ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần, niên hiệu Tự Đức thứ 31 (1878), do ông Nguyễn Trung Tỉnh làm văn, ông Cao Thức Như phác thảo, ông Nguyễn Trung Tuấn viết chữ, ông Nguyễn Văn Quán khắc đá.
Qua 2 di tích trên ta có thể thấy rằng Diễn Bình là một mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, 2 di tích trên còn là nơi để giáo dục cho các thế hệ mai sau về nguồn gốc lịch sử của xã nhà và vun đắp thêm cho lòng yêu quê hương, đất nước của lớp trẻ.
Chính quyền xã Diễn Bình rất chú trọng tới công tác duy tu, bảo vệ và phục dựng 2 di tích này thường xuyên, song ngân sách xã nhà còn hạn hẹp. Mong muốn của chính quyền và người dân nơi đây là được sự giúp đỡ của các cấp có thẩm quyền đặc biệt là Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Nghệ An cùng với sự chung tay từ các "Mạnh Thường Quân", nhân dân cùng quyên góp nhân lực, vật lực để tôn tạo và duy trì hai di tích văn hóa lịch sử này. Đền Lùm và Nhà Thánh sẽ có ý nghĩa hơn khi trở thành điểm thu hút khách du lịch khi về thăm Diễn Châu.
Bảo Hoàng